Truyện ngắn: Sơ mi trắng - Tình đầu (Phần 1)
Nguyên Nhi 04/13/2017 07:00 PM
Khi cha quẳng balo lên vai, cô hy vọng Hòa chào tạm biệt mình, nhưng không, anh ta cứ thế, một balo trên lưng và đi thẳng không một lời chào hay ngoái đầu tạm biệt. Cô tự dưng hụt hẫng.

Ai ai trên đời cũng đều mong có một cuộc sống an yên, bình lặng. Nhưng Phương thì chỉ mong được một lần nếm trải những sóng gió khổ đau, được trải nghiệm thế nào là yêu đương cay đắng. Phương đang ở độ tuổi xuân thì, cô sống mơ mộng, cuồng si những nam thần trong những cuốn truyện tranh, mơ ước được trở thành nhân vật nữ chính, rơi vào một tình yêu cuồng nhiệt đầy cách trở, chông gai và cũng ngập tràn lãng mạn với một chàng trai áo trắng. Phương yêu màu áo sơ mi trắng.

Nhưng truyện cổ tích chỉ xảy ra với hoàng tử và công chúa mà thôi, Phương có ngờ đâu, những thử thách trong tình yêu khiến cô mau chóng héo tàn vì mệt mỏi. Khi biết yêu rồi, cô chỉ mong được quay trở về một cuộc sống bình thường, vô tư, vô lo.

Ảnh: chamngoncuocsong.com

Hôm giỗ nội, mọi người ồn ào và náo nhiệt. Tranh thủ ăn vội chén cơm, Phương xách bút vở nhét lẹ vào cặp. Cô ngại ngùng liếc ngang sang đám thanh niên đang ngồi trên tấm phản gỗ, ngót nghét khoảng chín người – những “nhân viên” trẻ tuổi, một vài người trong số họ sẽ đi biển cùng cha cô. Thoáng thấy màu áo sơ mi trắng và những lời trêu đùa, cô lúng túng chạy vội ra ngõ cùng mấy đứa bạn. Sau lưng còn vẳng lại giọng đùa sặc mùi rượu của ông chú, ông bác nào đó: “Nhà bà Bảy có hai đứa con gái ý, tụi bây đứa nào muốn làm rể thì làm ăn cho giỏi rồi bả hãy gả con gái cho.” Người lớn kẻ nhỏ, lớp trên lớp dưới cụng ly cụng tách, cười nói rộn ràng nhân dịp tụ họp.

Hôm nay Phương thi tốt nghiệp cấp 3. Cô gái vẫn chẳng hề hay biết ngày hôm nay là ngày đầu tiên cô gặp được tình yêu đầu đời của mình. Suốt quãng đường đến trường, màu sơ mi trắng vẫn ngập tràn trong trí óc, lấn át hết cả mớ từ vựng tiếng anh và mấy cái thì quá khứ, hiện tại, tương lai tiếp diễn gì gì ấy. Phương muốn thi thật nhanh chóng và chạy ngay về nhà để xác minh cho bằng được nam thanh niên “sở hữu” sơ mi trắng ngồi trong nhà mình lúc nãy là ai.

Ảnh: blogtraitim.info

Hôm nay thi được không con? – Mẹ Phương dò hỏi tình hình thi cử của con gái, đôi mắt nheo nheo vẻ mệt mỏi vì cả ngày bận rộn cúng kính, còn mua tổn cho ghe đi biển. Người đi ghe dài ngày thường sẽ mua theo thực phẩm cũng như những vật dụng cần thiết họ gọi là “tổn”. Nếu mùa ấy họ làm ăn dư dả thì có tiền lấy lại “tổn”, nếu họ thua lỗ thì họ gọi “lỗ tổn”.

- Dạ thi được mà... Con làm đúng nhiều lắm, có đứa còn copy bài con nữa chứ. - Phương tự tin, cười khoái trá. 

Phương nói chuyện với gia đình chưa bao giờ tỏ vẻ bi quan, ngày hôm đó điểm tốt hay điểm xấu hay có trục trặc gì cô cũng vẫn sẽ cười. Đó là lý do mà mẹ Phương chưa bao giờ lo lắng đến việc học hành của con gái.

Ngay lập tức, Phương giả vờ vu vơ hỏi:

- Hồi trưa là mấy thằng đi biển hả mẹ?

- Ừ, tụi nó mới ở Hà Tĩnh vào, lớn tuổi hơn cũng có chứ mà gọi người ta bằng “thằng”.

Mẹ Phương đính chính, bà cũng đột nhiên cười giả lả kể lại cho cô con gái nghe.

- Có cái thằng tên Vũ, nó hỏi mẹ khi nào con học về, mẹ bảo là con đi thi thôi, lát sẽ về liền. – Bà bắt đầu lên giọng và cười sảng khoái. - Ai dè nó bảo với mấy đứa khác “Ăn cho lẹ kẻo con bé nó về!”

Phương cười sặc cơm:

- Trời đất ơi, mắc mớ gì mà sợ con?

- Chắc nó mắc cỡ, còn nhỏ tuổi mà, chắc ngang ngửa tuổi con!

Phương bây giờ mới bóng gió tới người mặc sơ mi trắng:

- Có người đi biển mà cũng mặc sơ mi trắng nhìn như học sinh ấy mẹ?

Mẹ Phương như đột nhiên nhớ ra, mắt bà sáng lên.

- À, trong đám có cái thằng mặc sơ mi trắng ấy, nhìn sáng sủa, đẹp trai, bằng tuổi chị hai nhà mình, có vẻ hiền lành, ít nói.

Phương nghe đến đây, thấy ưng cái bụng dữ lắm. Cô cố gắng hình dung lại gương mặt của “sơ mi trắng” vì lúc nãy do còn bối rối nên không dám nhìn thật kỹ. Cô gái lại bắt đầu mơ mộng, mơ mộng về một tình yêu sét đánh. Cô cảm thấy lạ lẫm trong lòng, có phần bối rối không ngừng trong lồng ngực. Ngày mai, cô sẽ lại gặp được "sơ mi trắng” thôi.

Ảnh: digilander.libero.it

Quả nhiên, sáng hôm sau, đội quân chín người đã kéo tới nhà cô. Lũ con trai có những tên mặt búng ra sữa, nhỏ hơn Phương hẳn những hai, ba tuổi, trong đấy cô nhận ra có người đã từng đi làm biển cùng cha cô.

Anh ta tên Mạnh và anh ta cũng chính là người rủ rê cả đoàn chín người bạn thân sống chung một làng cùng vào Nam làm biển.

Cô cảm thấy thương họ. Thay vì ở tuổi này họ cũng sẽ đi học như cô, cũng được nâng niu trong vòng tay cha mẹ thì đã sớm rời bỏ sách vở để mưu sinh ngoài biển khơi sóng gió. Cô không kênh kiệu, nhưng vẫn giữ kẽ, vì dù sao so với họ cô vẫn được ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn nên đôi phần tỏ ra sang chảnh. Cô thân thiện nhưng không dễ dãi.

Sơ mi trắng có vẻ hiền lành. Anh ta không nói lời nào, chỉ cười khi có ai đó chọc ghẹo cô, trái ngược với thằng bạn thân tên Vũ. Hắn ta nói liến thoắng, hài hước vô đối, thế nhưng lại là người khiến cô bất mãn nhất. Vũ là người ương ngạnh và cứng đầu nhất đoàn, tính khí của anh ta tự cao tự đại. Ngoài sơ mi trắng ra, anh ta tự cho mình là người có “nhan sắc” nhất đoàn. Phương thì chẳng ưa mấy những người kiêu ngạo, thế nên cô và Vũ như chó với mèo, đụng mặt là có xích mích.

Còn một người tên Cường. Cường cũng là người hiền lành, lễ phép. Anh ta sau này là người rất tôn trọng Phương, thậm chí có tình ý với cô nhưng anh không sỗ sàng. Anh ta quan tâm Phương từ những điều rất nhỏ nhặt, luôn muốn tâm sự tỉ tê với Phương mọi chuyện về cuộc sống của mình. Phương cũng rất sòng phẳng, những bí mật anh kể cho Phương nghe, không bao giờ cô hé nửa lời với ai.

Sơ mi trắng, Cường và Vũ là ba người sẽ đi đánh ốc với cha Phương. Người dân gọi là nghề đánh ốc nhưng thực chất là bắt bạch tuộc. Họ cột ốc vào dây thừng thành từng hàng dài, sau đó, thả xuống biển, để qua một đêm, những con bạch tuộc sẽ chui vào trong vỏ ốc. Sáng sớm hôm sau, người ta sẽ kéo dây lên và đập nhẹ vỏ ốc, lấy bạch tuột ra. Thông thường nghề này chỉ cần 3 nhân viên là đủ.

Những người còn lại, họ đi đánh ốc cho ghe khác.

Cô phải nấu cơm cho một đội quân chín người ăn. Đây là kỷ lục trong cuộc đời “nuôi” cơm nhân viên của gia đình cô. Trước đây nhà cô đi đánh mực ngoài khơi, thi thoảng chỉ nuôi cơm 1, 2 người - những người xa quê vào Nam kiếm sống. Mặc dù người đi ra khơi với cha cô chỉ có ba người, 6 người còn lại họ đi cho những ghe khác, nhưng vì họ chơi chung với nhau nên đi đâu cũng keo sơn gắn bó, không tách ra được. Chín chàng trai ăn ngủ nhà cô. Mặc dù khiến gia đình tĩnh lặng của cô xôn xao, vui vẻ hẳn lên nhưng mẹ cô phải mang gánh nặng cơm gạo. Nhìn họ, mẹ lại mắc bệnh thương người quá độ. Bà thấy thương cho những đứa trẻ mới đôi tám, hai mươi, đã sớm dang dở nghiệp học, phải bôn ba với đời. So với nỗi cực khổ của gia đình mình, làng quê của họ vẫn còn khổ hơn, mời họ chén cơm, miếng bánh chẳng là gì cả. Còn Phương lại mang một tâm sự không biết tỏ cùng ai: Cô phải mang cả áo ngực khi đi ngủ, chỉ vì sợ vô tình hớ hênh... Cô đang tuổi đôi tám.

Bình thường nhà Phương chỉ bốn người, mỗi lần nấu cơm chỉ cần đong hai lon gạo và bữa ăn chỉ cần 4 con cá. Nay cộng thêm chín chàng trai, mỗi chàng trai với sức ăn trung bình mỗi người một lon thì sẽ tăng lên chín lon và mâm cơm thì khoảng hai chục con cá là ít.

Nhưng không phải ngày nào cũng thế vì nếu ngày nào cũng thế thì chỉ trong vòng một tháng, nhà Phương chỉ có nước đổ nợ.

Ảnh: Behappy.me

Sau hồi vật lộn với tiết mục nấu ăn, Phương khệ nệ bê mâm cơm như mâm cỗ lên nhà trước. Nấu cho bốn người là quá đủ cho cô gái, nay nấu cho một đội quân hùng hậu thế, mất biết bao nhiêu calo.

Ăn xong, khi mọi người đã xếp đũa đứng dậy hết, cô ngao ngán nhìn tàn cuộc. Mẹ cô nhắc nhở:

- Dọn mâm xuống đi con, kêu chị hai đi lau nhà, một đứa lau nhà, một đứa rửa chén.

Cô vẫn ngồi thừ ra đó thở dài mệt nhọc. Sau tiết mục nấu ăn cho “lính” và giờ là tiết mục rửa cả đống chén thay vì bình thường chỉ phải rửa bốn cái chén.

Sơ mi trắng nhìn Phương dịu dàng, anh ta bật cười rồi đứng dậy bê cả mâm chén ra ngoài sân trước ánh nhìn cảm động của Phương.

- Có cần Hòa rửa phụ không? – Sơ mi trắng ga lăng ngỏ lời.

- Anh tên gì? Hòa hả? – Giọng Hà Tĩnh của sơ mi trắng đặc gộc, cô cố gặng hỏi lần nữa.

- Ừ, Hòa... Thế Phương thi xong rồi à? Không đi thi nữa à?

- Ừ, Phương thi xong rồi... anh đứng dậy đi, vô nhà chơi đi. – Phương bối rối tìm cách đuổi Hòa đi, ngay lúc ấy, mẹ Phương gọi với ra:

- Hòa vô nhà đi con, để cho bé Phương rửa...

- Dạ được rồi thím, con vào liền...

Miệng nói thế nhưng anh ta vẫn cứ ngồi ỳ ra phụ Phương rửa chén. Rửa xong, Hòa lại bê phụ mâm chén nặng trịch vào bếp, hiển nhiên kể từ giây phút ấy, Hòa ghi lại một dấu ấn khó phai mờ trong lòng Phương. Hôm nay, Hòa vẫn mặc sơ mi trắng.

- Ngày mai Hòa đi biển rồi, tối nay, mình đi dạo mát nhé! – Hòa ngỏ lời như một anh chàng đang cố tán gái.

Phương biết tỏng điều đó. Cô không ưa gì chuyện đi ra ngoài với đàn ông con trai, nhưng đây là lần thứ ba Hòa ngỏ lời. Thấy anh ta tội nghiệp, cô gật đầu đồng ý. Đâu đó trong đầu cô văng vẳng tiếng của mẹ dặn dò: “Con nhớ thân thiện với tụi nó, tụi nó đi xa xứ làm ăn, gặp được người đối xử tốt với mình cũng thấy ấm lòng."

Tối ấy, Phương ngồi sau lưng Hòa trên chiếc xe đạp cọc cạch. Vũ đèo theo chị hai, cả bốn có một buổi dạo mát đẫm mồ hôi. Cô vẫn còn nhớ cây kem chảy hết cả nước mà Vũ cố gắng mua mang theo ra bờ biển cho hai chị em. Đó có thể được xem là ngày đầu tiên hẹn hò của cô sau 18 năm “dùi mài kinh sử”. Nói thật ra, Phương chẳng thấy có chút mặn mà gì, cũng không nghĩ là sau này chính bản thân cô lại có thể yêu Hòa sâu đậm đến vậy. Cảm giác của bây giờ chỉ là một chút lạ lẫm vì lần đầu đi chơi đêm với con trai thôi.

Sáng hôm sau là ngày đầu tiên xuất biển, cô thức dậy từ rất sớm, phụ mẹ sắp xếp đồ đạc. Khi cha quẳng balo lên vai, cô hy vọng Hòa chào tạm biệt mình, nhưng không, anh ta cứ thế, một balo trên lưng và đi thẳng không một lời chào hay ngoái đầu tạm biệt.

Cô tự dưng hụt hẫng.

Ảnh: tinhhoa.net

Cha đi biển một tháng, đồng nghĩa với việc cô không gặp sơ mi trắng một tháng. Trong khoảng thời gian này, mẹ cô cứ huyên thuyên không ngừng về Hòa - cậu bé mang sơ mi trắng, khiến cô cũng không thể chối bỏ rằng mình đã để ý đến anh ta.

- Cái thằng Hòa ấy, mẹ hỏi nó đi vào Nam như thế này, mẹ ở nhà có biết không, nó nói mẹ nó không cho đi, nó trốn nhà đi… Bó tay luôn.

- Ghê thật! - Phương phụ họa.

- Nó nói ngoài quê khó kiếm ăn, ai cũng đổ vào Nam cả, đám bạn nó đi hết, nó ở ngoài một mình cũng buồn… Mẹ hỏi vậy chứ tiền đâu mà đi xe vào đây. Nó bảo nó mượn thằng Vũ. Đi chuyến biển này vào, có tiền rồi nó sẽ trả…

- Ghê vậy! - Phương lại phụ họa và không có một câu bình luận nào.

- Ba nó mất rồi, còn mẹ thôi, ba nó ngày xưa có tận 2 vợ, mẹ nó là vợ hai, nó khoe mẹ nó là đẹp nhất làng nên nó giống mẹ, nó cũng đẹp trai… - Nói tới đây, mẹ Phương lại cười sằng sặc, trông bà rất hứng thú khi kể về chuyện của Hòa.

- Trời đất ơi, người đâu mà tự tin khủng hoảng môi trường luôn. - Phương buồn cười đến chảy cả nước mắt.

- Không hiểu sao mẹ nhìn thằng Hòa là mẹ thấy hợp mắt rồi, nhìn mặt hiền hiền nhưng lại có vẻ sáng sủa lanh lợi. Nhưng không biết lần đầu đi biển, có làm ăn được gì không đây.

Mẹ Phương lại tiếp tục huyên thuyên về Hòa, bà nói về Hòa như đang kể về người con trai lâu năm bị thất lạc vậy.

Bà thành công trong việc gây ấn tượng tốt về Hòa trong lòng Phương. Không phải ai cũng được mẹ Phương quan tâm nhiều như vậy và Phương tin hoàn toàn vào cảm nhận của mẹ mình. Lòng cô bắt đầu thêm xao động, nghĩ không ngừng về chàng trai tên Hòa, thích mặc sơ mi trắng.

- Con ở nhà đi chợ mua đồ nấu cơm nhiều nhé, hôm nay ghe vào, mẹ lên cảng bán mực đây. - Mẹ Phương vừa dặn vừa vội vội vàng vàng xỏ chiếc nón lá đã úa màu và khoác vội cái áo đã bạc trắng vì nắng gió vùng biển.

- Dạ. - Phương đáp gỏn lọn, nghe hai chữ “Ghe vào” lòng Phương đột nhiên loạn cả lên, đám con trai lại sắp ăn ở nhà cô nữa rồi. Đặc biệt là lại phải gặp “người đặc biệt” ấy.

Phương cứ soi mãi mình trong gương, tự ngắm tự an ủi vẻ đẹp mặn mòi mùi gió biển của mình. Nhìn lại bộ quần áo mình đang vận trên người, chẳng khác nào mấy thằng con trai, cái quần jean bạc màu được "F5" thành cái quần lên gối, áo phông to để cố gắng hạn chế đi nơi nhấp nhô của người thiếu nữ. Phương rất ngại bị người khác nhìn vào cơ thể mình, nên luôn chọn những bộ đồ càng bụi bặm, càng nam tính càng tốt, nếu không phải nhờ vào chỏm tóc đuôi gà Phương vẫn hay buộc lủng lẳng, có lẽ ai cũng nghĩ Phương là thằng con trai chính hiệu.

Ảnh: tamtay.vn

Đột nhiên lúc này đây Phương quan tâm đến vẻ ngoài của mình nhiều hơn hết. Cô tự thấy tủi thân, ngoài mái tóc dài ra, trông mình chẳng nữ tính tẹo nào cả. Cô tự nhủ: “Ở tuổi mình, bọn bạn gái đã vòng nào ra vòng nấy, eo uột, “đồi núi” hẳn hoi, thế mà nhìn mình từ trên xuống dưới cứ như khúc củi khô.”.

Đang tự kỷ ám thị, giọng chị hai đã ra rả:

- Mày có đi chợ không hay là chị đi, đứng đó mà soi gương, lát ba về chưa có cơm ăn thì chết cả đám!

Phương vơ vội cái mũ lưỡi trai, búi gọn hết tóc vào trong, phi xe chạy thẳng ra chợ.

Trưa hôm ấy ba và đám thanh niên đã tới nhà. Ba xả vòi nước ngoài sân, chà vội cục xà phòng lên người. Ông vừa tắm vừa cười nói xởi lởi với mẹ Phương:

- Ông nhỏ Vũ, đi làm rồi mà tệ quá, kéo ốc, kéo lưới rối hết cả lên. May đâu nhờ thằng Hòa nó lanh trí, gỡ gạc lại mấy dây còn lại (*), chứ không là kèo này mất trắng luôn.

- Ủa, thằng Hòa mới đi làm mà lại biết làm hơn thằng Vũ à? - Mẹ Phương tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Ờ, gặp trúng đứa nó lanh lợi, nhìn một cái là biết làm liền chứ có gì đâu. Phải công nhận là thằng Hòa nó thông minh.

Phương ngồi kề bên chậu rửa chén, nghe đoạn đối thoại giữa cha và mẹ, còn không tin nổi vào tai mình. Lần đầu tiên Phương nghe thấy cha khen lấy khen để một người làm. Trước đây toàn nghe ông càm ràm, thằng này lười biếng, thằng kia chậm tiêu, thằng nọ ham nhậu… khiến ông phải chỉ việc rất vất vả. Còn lần này, ông về nhà với tâm trạng phấn khởi mặc dù ông cũng thừa nhận, mình đã phải chửi xối xả để tâm trí chúng sáng ra.

Mẹ Phương nghe thế mủi lòng :

- Tụi nó còn nhỏ, có đứa còn lần đầu mới tập việc, không biết thì anh từ từ chỉ bảo, chứ la mắng tụi nó tội nghiệp với lại nhỡ tụi nó buồn ý không đi làm cho mình nữa thì cũng cực...

Phương thở phào nhẹ nhõm, lần trước cái đêm dạo mát trước khi đi lên thuyền ấy, nhỏ đã “xi nhan” trước với Hòa và Vũ rằng cha cô rất nóng tính, có thể sẽ chửi mắng các anh rất nhiều, nên các anh hãy cẩn thận và nếu có bị la thì cũng nể lòng người có tuổi mà không để tâm.

Giờ nghe cha vui vẻ khen ngợi Hòa, Phương lại càng thêm phải lòng chàng trai. Cô nhận ra Hòa rõ ràng “không phải dạng vừa đâu”.

Tới chiều tối, cả nhà lại bày mâm cỗ để nhậu nhẹt. Chuyến nào cũng thế cả, sau khi đi biển vào, lúc nào cũng phải nhậu ăn mừng.

Tối ấy, trong cuộc nhậu của những người đàn ông, cha luôn miệng khen ngợi Hòa, cũng thẳng tay trách Vũ khiến cậu buồn thúi ruột. Cậu tu bia liên tục, chỉ ăn được vài hạt cơm, thế nên, sẵn tiện, mấy con ma men ám cậu nguyên đêm ấy, cậu nói huyên thuyên:

- Con buồn dữ lắm chú Bảy, con thua thằng Hòa, con thua nó thẳng tay luôn. Thằng Hòa cái gì cũng giỏi cả, con đi làm trước nó mà không bằng nó, thằng Hòa cái gì nó cũng giỏi...

Ba Phương sẵn tiện bông đùa:

- Cái gì nó cũng giỏi hả, vậy nó tán gái giỏi không? Chắc nó có bồ rồi chứ gì, còn mày dở nên mày chưa có đúng không?

Nghe ông Bảy hỏi, đột nhiên, Phương và Hòa nhìn nhau dù không hẹn trước, cả nhà được phen cười rần.

- Dạ đúng thế, Hòa hắn có bồ rồi, tuyệt chiêu tán gái của hắn là tuyệt đỉnh luôn ấy chú Bảy. Con gái trong làng, đứa nào cũng chết vì hắn.

Hòa nhe hàm răng trắng đều tăm tắp, gương mặt đỏ bừng bừng vì uống quá nhiều, anh ta chạy lại ôm Vũ, bịt miệng hắn:

- Cái thằng này xỉn rồi, nói linh tinh ấy chú Bảy, đừng có nghe hắn. - Hòa vừa nói, tay vừa bịt miệng Vũ, mắt liếc nhìn Phương như thể muốn đính chính.

Sau hồi huyên thuyên kể lể trong đau khổ, Vũ bỏ mâm cơm, chạy ra ngoài hàng rào nôn thốc nôn tháo. Giàn hoa tóc tiên Phương nâng niu mỗi ngày bị hắn kéo đứt phựt. Nước mắt hắn chảy nghẹn ngào, hắn tự ái vì bị ba Phương la, bị ba Phương chê dở, hắn cũng là con trai đôi tám, cũng tuổi đời non trẻ bồng bột. Cậu từng là anh hùng nơi quê nhà, vậy mà ở nơi đây, hắn lại không bằng đứa bạn mới vào nghề, bị người ta xem nhẹ. Nhưng tính ba Phương không để bụng, ông là người thẳng như ruột ngựa, nghĩ sao nói thế chứ chẳng có ác ý gì.

- Con đi ra xem thử nó bị gì. - Mẹ Phương vừa cười vừa lo.

Cả Phương lẫn Hòa cùng đứng dậy, mặc các thanh niên khác ngồi cạn chén cạn ly với cha.

Phương làm ly nước chanh cho Vũ giải rượu. 

Kể từ sau hôm ấy, Phương và Hòa thân thiết đến lạ, họ như cá gặp nước. Phương cảm thấy rất gần gũi khi nói chuyện với Hòa. Cô thôi giữ kẽ với Hòa, cô thoải mái như một thằng con trai tìm được một đứa bạn thân tri kỷ. Thế nhưng chỉ sau một đêm, mọi cảm xúc đã nhanh chóng chuyển sang một màu sắc mới, thời khắc Phương nhận ra cô hoàn toàn bị Hòa chinh phục, và bản năng nữ tính cũng tự dưng mà sống dậy.

Ảnh: dktcdn.net

Hôm đó lại là một đêm trước khi lên thuyền, cha lại lập bàn nhậu cho cả bọn thanh niên. Cha giao nhiệm vụ cho Hòa đi mua mồi, Hòa hỏi Phương thích ăn gì, Hòa sẽ mua theo ý của Phương.

- Anh Hòa nhớ mua trứng vịt lộn. - Phương nói buâng quơ vì nghĩ mấy anh bạn nhậu gì thì hỏi họ chứ hỏi Phương làm quái gì.

Ai ngờ tối ấy, Hòa mua cả rổ trứng. Phương nhanh chóng nhận ra, tầm quan trọng của cô trong ngôi nhà này, ngay lúc này đây khi ít ra có người xem lời nói vu vơ của cô như một thánh chỉ. Thế nhưng Phương chẳng được ăn lấy một quả. Mẹ Phương liên tục chỉ đạo mọi chuyện trong nhà. Để sắp xếp cho ông Bảy mai ra biển, Phương cứ chạy tới chạy lui một hồi, thấm mệt, muốn ăn mà chẳng được ăn, cô giận lẫy mẹ, lẫy luôn cả rổ trứng của Hòa, bỏ ra ngoài hiên.

Hòa gọi Phương vào mấy lần để cùng giải quyết rổ trứng vịt lộn, nhưng Phương nhất quyết không ăn nữa. Để người khác khỏi nghĩ mình làm màu làm mè, Phương vào nhà, ngồi chễm chệ trên ghế nhựa, dán mắt vào màn hình ti vi, nhưng tai lại hoạt động hết công suất để nghe câu chuyện của những người bạn và ba mình.

Mặt Hòa đã đỏ ngây hết cả, Hòa xỉn nhưng nhìn mặt có vẻ khá tỉnh táo. Anh thấy nóng nảy trong người, nên lột bỏ cả áo, Phương ngồi trên ghế đối diện, đột nhiên mặt cũng đỏ bừng. Cô nhìn trân trân vào mắt Hòa, có khoảng mười mấy con người ở đó, có cha, có mẹ, có chị, có anh, có những người bạn nhưng cô chỉ nhìn mỗi Hòa chứ không ai khác. Đôi mắt anh ướt át và ngập tràn tình ý, mãnh liệt như muốn đè bẹp tia nhìn của Phương. Phương lại cố tình đưa mắt lướt xuống bờ vai khỏe khoắn của Hòa, lồng ngực đỏ ửng và săn chắc. Chưa bao giờ Phương nhìn thấy một “tòa thiên nhiên đồ sộ” đến vậy. Đối với một đứa con gái mới lớn, đó là một điều hay ho và… thật sự thu hút. Tim Phương loạn nhịp cả lên, cô nhanh chóng liếc sang màn hình ti vi, để cố kìm lại cảm xúc lạ lẫm này.

Ảnh: kenh14cdn.com

Khi mọi người đã ai về nhà nấy, Hòa ra ngoài hiên ngồi trầm tư. Mẹ bảo Phương gọi cậu vào nhà ngủ vì đã khuya nhưng bà cũng không ngờ bà lại là tác nhân tạo cơ hội cho họ nắm bắt để “thắt chặt tình thâm”.

- Mẹ kêu anh Hòa vào ngủ, khuya rồi…

- Hôm nay... Phương làm Hòa buồn quá. - Hòa nói giọng nghe có vẻ tỉnh táo nhưng thật sự chẳng được vô tư như ngày thường.

- Em có làm gì đâu mà anh buồn? - Phương bối rối không dám nhìn vào mắt Hòa.

- Hòa bảo Phương thích ăn gì Hòa mua, Hòa mua về rồi Phương không ăn.

- Thì tự nhiên Phương không muốn ăn nữa… Anh đừng có buồn, Phương sợ nhất là làm cho người khác buồn ấy.

- Vậy à? Phương sợ làm cho người khác buồn mà giờ Phương làm Hòa buồn rồi đấy.

Phương lúng túng, tim nhảy loạn xạ, lấy tay xoa trán thật ra là hạn chế tầm nhìn của Hòa vào mặt mình, Phương thở dài:

- Thôi mà, anh đừng có buồn nữa...

Hòa bất thình lình kéo tay Phương ra khỏi trán rồi giữ mãi không thả. Phương cảm nhận được hơi nóng từ lòng bàn tay Hòa, các nơron thần kinh không còn hoạt động bình thường nữa, máu từ tay như thể dồn hết lên não, khiến mặt Phương nóng bừng lên dù mình chẳng hề uống chút bia nào.

Ngay lúc ấy cô nhìn thấy Vũ tay vẫn còn cầm chén cơm, miệng thì vẫn nhai nhồm nhoàm, đang lén nghe trộm bên song cửa. Hắn cười khúc khích với mẹ Phương:

- Thím Bảy ơi, hai đứa nó tâm sự…

- Ông nhỏ, ăn thì đi chỗ khác ăn, đứng rình người ta làm gì, vô duyên. - Mẹ Phương hết sức tâm lý, xua khéo Vũ đi chỗ khác.

Đây là cái nắm tay đầu tiên trong cuộc đời cô gái, cô không muốn bị xem là người dễ dãi nhưng cũng không thể nào bắt lý trí ngay lúc này đây quản lý con tim mình.

Ảnh: lienketviet.net

- Anh là người đầu tiên nắm tay Phương đó nha. - Giọng Phương lí nhí như nghẹn lại ngay cổ họng.

- Thế Phương không cho à? - Hòa nhìn sâu vào mắt Phương, rồi từ từ buông tay. - Vậy Hòa xin lỗi nhé.

Ấy thế mà Phương không thể dồn nén được cảm xúc của mình, cô nhận ra rõ ràng mình thích Hòa, đã thích Hòa mất rồi. Khi ngón cái của Hòa còn chần chừ giữ tay Phương, Phương đã nhanh chóng níu lại.

Đêm ấy, cả hai thức mãi tới 11h30. Giờ thức khuya kỷ lục trong mười tám năm nay. Phương không muốn đi ngủ, cô không muốn buông tay Hòa, hơi ấm ấy, ngay khoảnh khắc ấy, Phương đã cảm thấy như hai đứa đã là của nhau từ muôn đời trước…

Phương chắc mẩm rằng Hòa cũng có cảm tình với mình. Cô vui, nhưng lại thấp thỏm lo âu, chắc chắn rằng cha cô sẽ không chấp nhận được chuyện này. Chuyện con gái của ông đã đem lòng thương thằng trai làm nghề biển, lại chưa kể, Phương đang trong thời kỳ ôn thi đại học. Mọi bất thường cô phải cố gắng nén giữ trong tim và Hòa cũng đã nói thích cô đâu, mọi thứ đều là do cô suy diễn ra từ ánh mắt và cái nắm tay đêm ấy.

Sáng hôm sau, cô thức dậy thật sớm, vẫn làm những công việc quen thuộc. Hòa chưa đi mà cô đã thấy nhớ. Phương đứng tựa mình trên vách tường dưới bếp, cốt được chạm mặt Hòa khi anh thức dậy ra sân sau làm vệ sinh. Nhưng Hòa của sáng hôm nay khác hẳn tối hôm qua. Bước xuống nhà dưới, thấy Phương đứng im đấy, Hòa chỉ hỏi lẹ một câu rồi đi thẳng lên trên:

- Phương làm gì đứng đây vậy?

Phương cười trừ, Phương đang chờ đợi ánh mắt nhiệt thành của hôm qua nhưng không thấy. Hòa chẳng nói thêm câu nào nữa, lại như lần trước anh ta quẳng balo lên vai và cứ thế một đường thẳng mà bước đi, không ngoái đầu lại.

Phương lại hụt hẫng. Phương vẫn không thể nào hiểu rõ được cảm xúc của Hòa, trông anh sáng nay xa lạ như người mới gặp lần đầu. Phương bất giác nắm lấy bàn tay mình xoa nhẹ, cảm giác của hơi ấm vẫn chưa hề tan biến.

Điều Phương lo lắng rồi tự nhiên cũng tới như dự cảm của chính cô. Phương đã từng nghe Vũ nói Hòa có bạn gái rồi, nhưng cô ngỡ rằng ấy chỉ là lời nói buâng quơ.

Thời gian Hòa đi biển với cha, những người bạn khác ghé nhà chơi, họ trò chuyện với mẹ Phương, họ kể về người yêu của Hòa. Họ bảo người yêu Hòa rất đẹp, người yêu Hòa còn trẻ, nhỏ hơn Phương những hai tuổi khiến mẹ Phương phải thốt lên kinh ngạc: “Yêu chi mà mới 15, 16 tuổi mà gọi là yêu, đúng là con nít!” . Nghe mẹ nói thế, Phương tự nhủ chắc hẳn tình yêu của mình cũng chỉ là say nắng thoáng qua thôi. Phương buồn đến não ruột.

(Còn tiếp)

 

 

Tác giả: Nguyên Nhi

Tin mới trong ngày