Truyện ngắn: Sơ mi trắng - Tình đầu (Phần 2)
Nguyên Nhi 04/14/2017 07:00 PM
Chỉ mới một tháng xa nhau, cả hai ngỡ như đã một năm không gặp, họ chẳng còn nhìn nhau tự nhiên như trước, cả hai nhận ra chính bản thân mình đều nhớ đối phương da diết.

Từ ngày biết Hòa có người yêu, Phương thường hay nổi giận vô cớ. Mẹ Phương rất tinh anh, bà nhận ra sự gần gũi giữa Hòa và Phương, bà nhìn thấy được tình cảm của hai đứa, dù rõ ràng, chẳng đứa nào nói với đứa nào rằng chúng đã thích nhau.

Phương ít nhìn mặt Hòa đi, cô không nói không rằng, không đùa giỡn với Hòa như thường thấy. Hòa cũng chẳng hoạt bát, hay cười như hôm nào.

Một chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm, nhưng Phương vắng mặt. Phương không muốn đụng mặt Hòa, cô hoang mang vì Hòa có người yêu. Chẳng hiểu vì sao Hòa cũng bỏ luôn bữa cơm chiều hôm ấy.

Mẹ thả bộ ra xóm tìm Phương, thấy Phương đang đứng ngó đám đông chơi bài tiến lên. Bà ghé nhỏ vào tai Phương:

- Con về nhà xem sao, thằng Hòa nó không ăn cơm.

Phương não ruột nhưng giả vờ tưng tửng:

- Ủa, mẹ hay ghê, cậu ta không ăn có liên quan gì tới con.

- Hai đứa này cãi nhau à?

- Trời ơi, không có, có làm gì đâu, mắc mớ gì mà cãi nhau ạ?

- Mẹ thấy mặt nó buồn buồn, con về ăn cơm rồi kêu nó ăn chung đi.

Phương theo mẹ về nhà, thấy Hòa nằm ườn trên chiếc võng góc nhà giữa, tay cầm điếu thuốc cháy dở, khóe miệng nhếch hờ thả từng làn khòi thuốc, dáng vẻ thư sinh trong chiếc áo sơ mi trắng nay lại điểm tô thêm sự bất cần. Cô liếc nhanh qua rồi lủi thẳng xuống bếp.

Mẹ Phương lại ghẹo:

- Hòa ơi, dậy ăn cơm đi con, bị sao hả, ốm đau gì trong người hay thất tình?

Hòa nhe răng cười khổ sở:

- Dạ không ạ, con không thấy đói ạ.

Mẹ lại huých vai Phương, cô lấy hết bình tĩnh và dẹp bỏ mọi “đau thương” trong lòng, đứng dậy, bước đến bên Hòa, kéo tay Hòa ra khỏi võng, đi thẳng ra nhà sau:

- Anh bị sao? Anh ăn cơm đi, anh không ăn là mẹ la tôi.

- Hòa không đói thật mà, hôm nay bụng không biết sao bị cồn cào quá thể, không muốn ăn gì! - Hòa hiền lành trả lời như một con mèo non đang đứng trước con sư tử.

- Anh ăn cơm đi, năn nỉ luôn ấy, chứ mẹ kêu hoài, Phương nhức đầu quá! - Phương phải xuống nước dẹp bỏ tự ái của mình, năn nỉ ỉ ôi vì sự nghiệp gìn giữ sức khỏe cho nhân viên của ba.

Hòa cười tủm tỉm:

- Phương không có giận gì Hòa đấy à?

- Mắc mớ gì mà giận anh… - Phương cao giọng rồi đột nhiên nghẹn lại, như thể chỉ chút xíu nữa thôi cô sẽ không kìm chế được cảm xúc của mình.

Ảnh: staticflickr.com

Phương ngồi chồm hổm trên bệ cửa, hai tay nắm chặt thở dài. Hòa cũng ngồi xuống kề bên, anh ta có vẻ như đã nhớ ra mình từng làm gì, và lý do vì sao Phương khó chịu.

- Lần trước Hòa xỉn ấy, Hòa có nói gì thì Phương quên đi nhé! 

Thế là rõ ràng, anh ta đang bác bỏ tình cảm này, mọi cảm nhận đều xuất phát từ Phương, những lời anh ta nói đều là do ma men nói cả.

Tim Phương vỡ tan tành. Những cảm xúc rời rạc chưa kịp nối lại thành hình đã tan biến chỉ vì câu nói ấy.

- Em nói thẳng luôn, em có cảm tình với anh Hòa… nhưng nếu anh đã có bạn gái thì đáng lẽ không nên… tỏ ra gần gũi với Phương như vậy. - Phương nói chuyện thẳng thừng, cô không thể giấu giếm được tình cảm của mình nữa, vì phương châm sống của cô rất đơn giản “yêu thì nói, ghét thì thể hiện”, chẳng thèm giữ trong lòng làm gì cho có nguy cơ mắc bệnh đau tim mãn tính.

Đôi mắt Hòa lúc này đây lại đầy tình ý. Anh ta lại kéo lấy tay Phương và siết chặt:

- Hòa đúng là có bạn gái… nhưng mà không hiểu sao đã bắt đầu có cảm tình với Phương.

Nghe thế, Phương thấy con tim tội lỗi của cô được an ủi đôi phần, nhưng trở thành người thứ ba trong một cuộc tình là điều mà không ai mong muốn cả. Thế nên cô chấm dứt cuộc nói chuyện tại đây, tránh những rắc rối có khả năng sẽ nảy sinh.

- Mà thôi, em nói ra được cũng thấy nhẹ lòng. Anh lo đi ăn cơm đi, không bàn chuyện này nữa, từ giờ là không đề cập đến chuyện này nữa.

- Có còn giận Hòa không?

- Không giận, đi ăn cơm đi không tôi lại nghỉ chơi.

...

Tối ấy, Hòa kể lể với mẹ Phương, Hòa cũng chẳng giấu, Hòa kể về người yêu nơi quê nhà cho Phương nghe. Người yêu của Hòa xinh đẹp nhưng Hòa bảo chắc không thể đến với nhau, bởi vì hai người có họ hàng. Mẹ Phương rất tâm lý nhưng bà cũng đã nhanh chóng tìm cách giữ khoảng cách giữa hai đứa:

- Bé Phương thích có anh lắm ấy, từ giờ thì có nguyên cả đàn anh nha con.

- Đàn anh nào đâu, có anh Cường với anh Hòa là lớn tuổi hơn con chứ mấy. - Phương cãi cố.

- Vậy à? Vậy đây là em gái Hòa à, em gái hay em trai đây ta? Ngoan anh thương nhé! - Hòa cười ngoác cả hàm, tay xoa đầu Phương khí thế khiến tóc cô rối nùi lên.

Không cam tâm, nhưng cô biết chẳng thể nào thay đổi được gì nữa. Cô đau khổ nhìn nụ cười vô tư của Hòa. Cô thật sự muốn biết liệu trong lòng Hòa có thật sự chỉ xem cô là em gái hay không.

...

Phương ngồi bên bàn khách, lấy khăn giấy hí hoáy vẽ cái gì ấy, đoạn cô xé nhỏ thành từng sợi dài, rồi kết chúng lại với nhau thành một búi, cô đưa cho Cường:

- Anh Cường xem, để em coi bói tình duyên cho anh, anh nghĩ về người mà anh thích rồi ghi lên đầu hai đoạn giấy nè, tên anh và tên người ấy, chỉ cần chữ cái đầu là được rồi!

- Rồi sao nữa? – Cường ngại ngùng cười, tò mò hỏi.

- Xong anh nối các đầu giấy lại với nhau, nếu bung ra mà không có sợi nào bị lẻ thì chuyện tình cảm viên mãn nha anh. – Phương cười vui vẻ.

- Vậy nếu bị lẻ thì sao?

- Bị lẻ là không có kết cục tốt đẹp rồi, xin chia buồn! – Phương gật gù, lắc đầu qua lại, làm ra vẻ tiếc nuối.

Cường lấy làm thích thú, anh ta làm theo lời Phương, kết quả là bị lẻ mất một sợi, anh ta giả vờ ngán ngẩm:

- Ái chà, tình duyên của tôi rốt cuộc là dang dở thật à!

Phương đập tay vào vai Cường:

- Xin chia buồn, chia buồn.

- Đa tạ, đa tạ! - Cường chắp tay, gật đầu. - Thế em không chơi trò này à?

Phương đột nhiên liếc nhanh về phía Hòa, anh chàng đang nằm gác chân trên phản gỗ, chăm chú đọc cuốn báo “Mực tím” của chị hai.

- Em có ai thích đâu nên cũng chẳng dám thích ai, không dám chơi trò này.

- Em mà không có ai thích à? Em xinh thế cơ mà, ai chẳng thích! – Cường thật thà ngỏ ý làm Phương nở mũi.

- Có người chê em xấu anh ơi.

- Ai, đứa nào chê em xấu? Anh tát hắn vỡ mồm! – Cường kéo tay áo, làm như bất bình lắm.

Nghe Cường lớn giọng, Hòa quay mặt sang, mắt anh chạm mắt Phương, cô ngại ngùng nhe răng cười hì hì.

Cường thì thầm vào tai Phương:

- Em không nghĩ Hòa nó thích em à?

Phương vờ vịt:

- Không anh ơi, có người yêu rồi mà đi thích gái lạ à, em phét hắn nát mông.

Cường cười ha hả, đoạn anh lại thu nhỏ âm lượng:

- Vậy là em không biết rồi, mỗi lần đi biển vào, lần nào anh cũng thấy nó nhanh tay nhanh chân dọn dẹp cho thật lẹ rồi một thân chạy về nhà trước, chẳng đợi anh em gì cả, anh nghĩ là... nó muốn gặp em...

Phương có hơi bất ngờ, nhưng cô vẫn không thừa nhận:

- Không có đâu anh ơi...

- Không phải mình anh mới nhìn ra đâu, đứa nào cũng nhận ra hết ấy chứ. Hắn khác lạ lắm. – Cường lại lấy tay che miệng, thì thào.

Hòa ngóc đầu dậy, đưa mắt nhìn họ tò mò:

- Nói xấu cái gì đấy?

Phương giương mắt lên, cong môi kênh kiệu:

- Cái này là người ta tâm sự mỏng, chứ nói xấu gì ai, bộ có tật giật mình à?

Hòa lắc đầu cười, anh đứng dậy bỏ ra trước sân, đốt điếu thuốc, mặt ngửa nhìn trời, một tay đặt trong túi quần, tay kia kẹp điếu thuốc vẩy nhẹ xuống nền đất.

Phương ngó tấm lưng phong trần ấy, màu áo trắng đã ngả vàng khiến cô phút chốc động lòng.

Ảnh: guucdn.net

Thi thoảng, Phương thấy Hòa mượn điện thoại của bạn bè để hỏi thăm tình hình của cô người yêu. Phương thấy xót xa và bực bội, cô rõ ràng ghen tuông nhưng tỏ vẻ mình cao thượng:

- Sao anh không mua điện thoại đi, lần nào cũng mượn điện thoại bạn bè, họ không thấy phiền à?

- Hòa không thích dùng điện thoại! - Hòa lại cười, mặt cứ hiền hiền như tên ngốc nhưng thật chất lại là “đầu đàn” của cả băng 9 người ấy.

Không thích dùng điện thoại, Phương lại liệt kê vào bộ nhớ của mình.

Phương vào thành phố thi đại học, Hòa tạm nghỉ làm để về quê thăm mẹ. Họ xa nhau một thời gian, dù chẳng hề hẹn ước gì, nhưng cả hai vẫn đau đáu nghĩ về nhau.

Ngày Phương kết thúc kỳ thi, cũng là lúc Hòa quay trở lại tiếp tục làm “nhân viên cao cấp” nhà Phương. Chỉ mới một tháng xa nhau, cả hai ngỡ như đã một năm không gặp, họ chẳng còn nhìn nhau tự nhiên như trước, cả hai nhận ra chính bản thân mình đều nhớ đối phương da diết. Lần quay trở lại này, Phương chẳng hề thấy Hòa nhắc gì đến người yêu, anh ta vẫn cứ thế hoạt bát tươi vui, không còn rình mò mượn trộm điện thoại của ai đó để tỉ tê tâm sự với người yêu nữa.

Mẹ Phương trêu chọc cậu:

- Về có gặp người yêu không, người yêu có trách móc gì không?

Hòa lại cười ngoác mồm:

- Người yêu nào đâu ạ, người yêu con ở đây rồi còn người yêu nào nữa? - Vừa nói Hòa vừa nhìn Phương chăm chú.

- Đúng là Hòa khùng. - Mẹ Phương cười tít mắt. - Dây thần kinh bị đứt mấy sợi rồi con?

- Dạ chắc 2, 3 sợi gì đấy ạ. - Hòa cũng hài hước tung hứng theo.

Mẹ Phương cười tươi roi rói, bà nằm võng đung đưa, nghêu ngao câu hát:

"Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng mà quê ta..."

...

Phương thực chất vẫn có cảm giác Hòa thích mình, nhưng cô không biết phải chấp nhận chuyện này như thế nào. Phương bị đau đầu, đau tim, ăn không thấy ngon, ngủ không yên giấc, trong lòng cô lúc nào cũng như lửa đốt, nhất là mỗi khi trò chuyện với Hòa, nhưng vẻ bề ngoài thì tuyệt nhiên vô cùng bình thường. Cô tự thấy mình diễn quá sâu và quá đạt.

Phương cố dẹp đi sự ngại ngùng của mình. Cô không thể dối lòng mình, làm em gái cũng được, miễn sao mỗi ngày cô được gặp Hòa, được đùa giỡn, được ra vào đụng mặt nhau và đặc biệt là… sống chung dưới một mái nhà.

Mẹ Phương thương Hòa, bà thương Hòa hơn hẳn những người khác, bà cũng tự nhận ra rằng Hòa không chỉ là tri kỷ của con gái bà mà còn là tri kỷ của bà. Hòa cũng thế, mọi chuyện trên đời này, vui buồn, sướng khổ, cậu đều tâm sự với mẹ Phương. Cậu tự hứa với lòng mình sẽ hết lòng hết dạ với gia đình Phương và cũng chính vì thứ tình nghĩa ấy, Hòa chính thức trở thành một thành viên vô cùng quan trọng trong gia đình Phương.

Ảnh: vtc.vn

Có lần ba Phương nhậu xỉn, ông té từ trên cabin xuống sàn tàu, tét một đường ngay trên mí mắt, máu chảy khá nhiều. Mẹ Phương hốt hoảng đến vụng về, may thay, Hòa đã nhanh chóng dùng bột ngọt rải vào vết nứt để cầm máu và cùng anh họ Phương chở ông lên viện may lại.

Xong việc, mẹ Phương lủi thủi xách giỏ về nhà trước, vừa gặp con gái bà đã bù lu bù loa:

- Trời ơi con ơi, ba mày xỉn té xịt máu đầu, phải chở lên viện...

- Vậy giờ sao rồi mẹ? Ai đang ở trên viện với ba? - Tay chân Phương lạnh toát mồ hôi hột, cố giữ giọng bình tĩnh.

- Trời Phật thương con ơi, coi như ba mày mạng lớn, thằng Hòa ở trên viện với ổng. Mẹ công nhận tội nghiệp thằng Hòa, nó lo hết, mẹ không dám đụng ba mày đâu.

Mẹ Phương rất sợ bệnh viện, bà không muốn nhìn thấy cảnh người bệnh nằm oằn mình, than thở, cảnh gãy tay, gãy chân, máu me tứ phía. 

- Mẹ phải công nhận mẹ thương thằng Hòa, không có nó ở đó, mẹ cũng rối mù luôn...

Không biết mẹ đã “công nhận” bao lần rồi, chắc chỉ đợi bà cấp hẳn cái bằng chứng nhận “Thanh niên tốt” cho anh ta thôi. Lời của mẹ thốt ra một cũng Hòa, hai cũng Hòa, khiến cô càng thêm cảm kích.

Vừa nhắc tới, Hòa và ba Phương đã ở ngay cổng, anh họ và Hòa đỡ ba vào nhà. Ba bước được vào cổng là nằm bẹp lên đi văng, chỉ vài phút sau là ngáy khò khò. Người vẫn nồng nặc mùi rượu.

Hòa đi thẳng xuống dưới bếp, cởi chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi, mặt anh đỏ kè vì nắng.

Phương cũng lủi xuống bếp.

- Cám ơn anh nhiều...

- Ý, Phương đừng làm vậy, em làm vậy anh ngại, em đi mua giúp anh một cái bàn chải đánh răng nhé!

Phương đang nghe thấy gì thế này? Hòa đang gọi Phương là em và tự xưng mình là anh đấy. Ôi trời ơi, tiếng “em” ấy như mật ngọt rót nhẹ vào tai.

Hòa rõ ràng lớn hơn Phương hai tuổi, nhưng từ lúc gặp nhau đến giờ chỉ xưng hô bằng tên với Phương mà thôi. Nay lại đột ngột gọi em, Phương không thể nào giải thích được và cũng chưa thích nghi được ngay lập tức. Lòng Phương lại rộn ràng xao xuyến.

Có lần, bạn của chị hai ở Sài Gòn về chơi, chị ấy tên Linh. Chị Linh hoạt bát vui vẻ và còn rất lanh lợi. Chị ấy thậm chí còn nhạy hơn cả mẹ Phương, mới về nhà được hai hôm, chị ấy đã bán tín bán nghi về mối quan hệ lạ thường giữa Hòa và Phương. Chị hỏi:

- Mẹ, bé Phương với thằng Hòa ấy hai đứa nó bồ nhau à? - Chị Linh gọi bà Bảy bằng mẹ, tự nhiên như con trong nhà.

- Đâu có, sao tự nhiên con hỏi vậy? – Bà Bảy chẳng biết hai đứa có chính thức cặp kè với nhau không nhưng tình cảm của Phương và Hòa bà là người rõ hơn ai hết.

- Mẹ giấu nữa, không có qua được mắt con đâu, con thấy ánh mắt thằng Hòa nhìn bé Phương là con biết rồi! Gì chứ mấy vụ này con rành lắm. - Chị Linh cười nham nhở.

- Đâu có bồ bịch gì đâu chị ơi, người ta có người yêu rồi. - Phương đính chính lại, dù trong lòng cảm thấy mắc cỡ và có chút gì vui vui.

- Mày đừng có bày đặt giấu chị, ánh mắt Hòa nhìn mày tình tứ lắm nhé. Chỉ có mấy người yêu nhau mới như vậy thôi. - Chị Linh quả quyết tuyên bố.

Chị hai ở bên cạnh cũng chen vào:

- Thằng Hòa thích bé Phương đó mẹ à.

- Ai biết gì tụi nó, nói cho vui thôi chứ ba mày mà nghe được, ổng la chết! - Mẹ Phương vừa đùa vừa tỏ vẻ nghiêm túc.

Sẵn tiện, mẹ dò hỏi chị Linh:

- Con thấy thằng Hòa như thế nào?

- Dạ, thằng ấy được mẹ ạ, sáng sủa đẹp trai, mà nhìn hiền khô, nó với bé Phương xứng đôi lắm ấy.

- Ừ, để hỏi ba nó xem có chịu bắt rể không? - Mẹ lại đùa.

Phương biết mẹ chỉ đùa nhưng trong thâm tâm lại vô cùng phấn khích.

Thế rồi không chỉ mỗi chị Linh mà tất cả mọi người, bạn bè của Hòa, Vũ,... họ đều nhận ra mối liên kết giữa Hòa và Phương. Hòa và Phương khi trước mặt người khác họ tỏ ra rất bình thường, nhiều khi chẳng nói chuyện gì nhiều với nhau vì sợ người khác dị nghị nhưng ánh mắt họ nhìn nhau, ngọt ngào và say đắm, ai cũng có thể nhận ra. Thậm chí có những lúc Hòa và Phương không nói với nhau câu gì cả, chỉ cần nhìn nhau là đã thấy hết những suy tư của nhau.

Khoảng thời gian ở cùng mái nhà với nhau là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của họ. Nhưng rồi chuyện hợp tan là chuyện muôn đời. Phương phải tiếp tục xa nhà sau khi nhận được điểm thi đại học. Phương cuốn gói vào Phan Thiết học quân sự. Cô rất vui vì được đi, đi đâu cũng được miễn đến được nơi mới mẻ.

Ảnh: eva-img.24hstatic.com

Mai em đi học rồi, anh Hòa mà không mua điện thoại là không có nói chuyện với em được đâu. - Phương tỏ ra rằng mình chỉ nói đùa nhưng thật tâm cô rất mong Hòa có thể hiểu ý cô muốn gì.

- Vậy anh sẽ mua điện thoại, đi một chuyến biển là đủ tiền mua rồi.

- Anh Hòa nhớ nha, không mua là không nói chuyện được với em đâu. - Phương cố gắng lặp lại lần nữa.

- Phương đi học như vậy thì khoảng bao lâu là về?

- Em đi học quân sự khoảng 2 tháng à, còn học chính thức thì chưa có lịch…

- Ừ, vậy ráng học nhé! Cuối tuần về nhà một lần, nhà cũng gần mà.

- Dạ...

Họ im lặng, cả hai chẳng nói gì thêm nữa, dù trong lòng ngổn ngang những suy tư.

Ngày vác hành lý lên đường học quân sự, Phương cười tít cả mắt, tíu ta tíu tít như đứa con nít, chạy tới chạy lui, kiếm thứ này, thứ kia nhét đầy ba lô, nào ca súc miệng, nào bót đánh răng, khăn, vớ, áo mỏng, áo dày… Giấc mơ được thoát khỏi quê nhà buồn tẻ và khao khát được nhìn thấy những vùng đất mới mẻ bên ngoài sắp thành hiện thực khiến cô phấn khích biết bao.

Mẹ cô ngồi cạnh cười hiền từ:

- Thích lắm, thích đi lắm, thầy bói nói nó sau này cũng bỏ xứ mà đi…

- Con chỉ có đi Phan Thiết, kế bên nhà đây mà có đi đâu xa mà mẹ kêu con bỏ xứ đi. Con thích đi Sài Gòn hơn kia. - Phương lắc lư đầu thích thú.

Vũ ngồi kế mẹ thả lỏng chân xuống đi văng tỏ vẻ tò mò:

- Con ở đây mấy tháng trời lần đầu tiên thấy hắn vui thế thím ạ.

Mẹ Phương trỏ vào cái mụn ruồi dưới cẳng chân Phương:

- Đây, mụn ruồi dưới chân là mụn ruồi đi đây, thích lắm, suốt ngày đòi đi đây đi kia...

Còn một người nãy giờ vẫn đang ngồi tít góc bàn bên kia, đôi mắt anh vẫn dõi theo từng cử động của Phương, nụ cười nhẹ nhàng vẫn trên môi anh nhưng ánh mắt buồn xa xăm.

Phương bước chân ra khỏi cửa, ngoái lại nhìn anh, trong thâm tâm tự nhủ cuối cùng cũng có ngày chính anh là người phải dõi theo bóng lưng của cô. Liệu anh suy nghĩ gì lúc này, có cảm giác giống như lúc cô đã nhìn phía sau lưng mỗi lần anh bước đi hay không?

Phương đón xe buýt lên nhà Vi - cô bạn thân thiết và tốt bụng cùng lớp 12. Cả hai vai đeo ba lô, tay xách giỏ xách, lội bộ ra bến xe thẳng tiến đến Phan Thiết - vùng đất được mệnh danh “thủ đô resort”.

Phương phấn khích trong lòng. Cô ngẩng cổ, dí sát mắt vào kính cửa sổ xe buýt, ngắm toàn cảnh đoạn đường xe đi qua, từ những cánh đồng lúa xanh mướt rì rào, rồi đến đoạn ruộng thanh long bạt ngàn, sai quả, những trái thanh long như những đốm lửa nhỏ rực lên điểm tô giữa vườn lá xanh ngát trải dài. 

Gần tới địa phận Phan Thiết, mùi gió biển mang hơi mặn đã át đi mọi thứ mùi khó chịu trên xe. Mùi xăng xe, mùi thức ăn, mùi lông gà, lông vịt, cả mùi người giờ cũng được mùi của biển thanh tẩy hết. Phương cảm thấy dễ chịu vô cùng, tim cô đập rộn ràng như gặp được người yêu. Những dãy resort nối liền nhau trải dài khắp bờ biển, thấy cả sóng biển trắng xóa vỗ mạnh mẽ vào bờ đá, hàng dừa đung đưa tán lá dài ngoằng đứng sừng sững. Thật là một bức tranh hoàn mỹ.

Ảnh: dulichnganha.vn

Mãi lo thưởng cảnh, Phương chẳng biết xe buýt đã đưa mình tới chân trời nào. Cô vội lay Vi dậy. Vi hốt hoảng vội lấy điện thoại gọi cho dì. Dì của Vi đã tới trường quân sự trước cùng với con trai bà và bà sẽ đón cả hai đứa ở đó.

Xe buýt bỏ hai đứa xuống một nơi nào đó lạ hoắc. Xung quanh có mấy cái resort, lác đác một vài anh xinh trai và mấy chị đẹp gái trong bộ áo dài đỏ vàng. Hàng sứ rộ hoa trắng toát lác đác rơi xuống nền đường nhựa. Không gian vắng vẻ tĩnh mịch. Hai đứa nhìn nhau hoang mang, lần đầu tiên xa nhà và bàng hoàng nhận ra... bị lạc đường.

Cả buổi trưa hôm ấy, Phương và Vi đã phải vẫy 3 chiếc xe buýt và nhờ sự nhiệt tình của bác tài, họ mới tới đúng nơi cần tới. Thế nhưng điều buồn cười là đã tới ngay trường nhưng họ vẫn không thấy trường nằm đâu, nên lại ngỡ là mình nhầm đường.

Bác xe ôm mon men tới hỏi :

- Hai đứa muốn đi đâu, lên xe chú chở đi.

Hai đứa lại nhìn nhau, ánh mắt ngây thơ, hiền lành, ngơ ngác như nai tơ lâu ngày sống trong rừng nay đi lạc ra ngoài phố thị.

Vi cảnh giác đồng thời lễ phép trả lời:

- Dạ không ạ, tụi con chỉ muốn đợi xe buýt…

- Mấy đứa muốn đón xe buýt đi đâu?

- Dạ tụi con tới trường quân sự XYZ.

Bác tài bật cười:

- Ở trước mặt tụi con kìa, chứ đòi đi đâu nữa mà đòi bắt xe buýt! Khổ quá!

Hai đứa cố giương mắt nhìn về phía trước vẫn không thấy cái trường nào?

Dì của Vi gọi lại. Năm phút sau, Dì chạy con xe honda ra đón 2 đứa vào.

Hóa ra, là khu quân sự nên nằm tít hẳn vào trong, phải đi hết con đường nhựa trước mắt mới thấy.

Những ngày đầu tiên, gặp gỡ bạn bè mới đông vui, Phương quên hẳn nhà cửa cũng như bóng dáng sơ mi trắng mà trước khi đi, cô vẫn còn lưu luyến.

Được một tháng sau, Vi và Phương hăm hở gói ghém ba lô về thăm nhà cuối tuần. Cả hai đều dự định sẽ làm gia đình bất ngờ nên không ai gọi báo trước cho ba mẹ. Thế nhưng là cuối tuần và cũng là cuối ngày nên Vi và Phương phải tranh thủ thật lẹ để đón được chuyến xe cuối cùng về nhà.

Trước cổng trường, lớp lớp học sinh cũng đang chờ đợi. Một chuyến xe buýt chạy ngang không dừng lại vì đã quá chật chỗ. Đám học sinh hò hét tranh nhau đứng hẳn ra lòng đường. Rồi hai chuyến xe buýt chạy ngang cũng không dừng lại, rồi chuyến thứ ba, và không còn chuyến xe nào nữa cả.

Phương nhìn từng chiếc xe chạy ngang tầm mắt mình, tim phập phồng, mắt đã rưng rưng. Rồi khi tất cả học sinh lủi thủi quay lại vào trường, cô bật khóc nức nở. Vi xoa đầu cô an ủi như an ủi em mình, bảo Phương đừng khóc thế mà Vi cũng tức tưởi không kém cô. Cả hai đều rất nhớ nhà. Lần đầu tiên phải xa nhà lâu như vậy, những một tháng trời…

Ảnh: msecnd.net

Đầu tuần, mẹ Phương gọi điện hỏi thăm, lúc ấy Phương đang chuẩn bị đi ăn cơm trưa. Khi đang nghe điện thoại, cô còn cười nói rôm rả, đột nhiên hỏi thăm tới ông ngoại, giọng cô nghẹn ngào lại, không để mẹ biết mình sắp khóc, cô vội chào nhanh rồi tắt máy.

Vi lại vỗ vai an ủi cô. Vào bàn ăn được vài hạt cơm, nước mắt cô chảy dài, cô nhớ cơm mẹ nấu. Rồi không ngăn được nữa, cô bật lên thành tiếng thút thít, bạn bè chung quanh hết lời an ủi. Để tránh ảnh hưởng đến mọi người, cô bỏ chén cơm còn dở, chạy ra trước nhà ăn ngồi bó gối khóc tức tưởi. Anh đầu bếp bước ra an ủi:

- Sao vậy “trưởng phòng”, em bị đau chỗ nào hả? - Ngày đầu tiên vào trường, cô được bạn bè giao nhiệm vụ “trưởng phòng” để quản lý danh sách các bạn đóng tiền cơm cho anh đầu bếp.

- Dạ… không… - Phương vừa trả lời vừa nấc, nước mắt nước mũi lem nhem.

- Vào ăn cơm đi em, ăn xong là hết buồn à.

Rồi cô lại đứng dậy, cố rửa mặt nhưng vẫn chưa ngưng khóc được. Có anh bộ đội ra rửa chén, đứng kế bên dù chẳng quen biết gì, anh cũng “dỗ” Phương hết lời:

- Thôi mà, nín đi mà, anh hiểu mà, nhớ nhà đúng không!

Nói trúng tim, Phương càng khóc to hơn. Anh bộ đội rửa chén xong, vẫn đứng đấy dỗ dành. Tự dưng được chia sẻ nỗi lòng, cô lấy lại bình tĩnh, hít hơi dài và thở ra, cố gắng kìm chế cảm xúc.

- Được chưa, vào ăn cơm được chưa, khóc nhiều quá, trường ngập lụt rồi tụi tôi sẽ trôi dạt về đâu đây cô bé? - Anh bộ đội lại dịu dàng.

Phương nhìn anh bật cười.

- Người ta nói vừa khóc vừa cười ăn mười... chén cơm nha! - Anh hài hước chọc cô.

Phương quay lại bàn, mọi người đã ăn gần hết. Một vài anh bộ đội và cả anh đầu bếp đứng sau lưng Phương động viên tinh thần.

- Ăn nhiều vào nha em, có muốn thêm đồ ăn anh đi lấy cho!

- Cái dòng nhớ nhà ăn dữ lắm nè, ăn nhiều vào lấy sức nha...

Có anh bộ đội ngồi bàn kế bên, gom hết chuối bên phòng ăn dành riêng cho bộ đội bỏ hết vào túi ni lông rồi để lên bàn:

- Đây cho mấy đứa hết này, ăn vào cho có sức khóc!

Tuyền - cô bạn cùng phòng đuổi khéo:

- Thôi mấy anh tránh ra cho nó ăn chứ, đứng bu quanh, nó ngại sao ăn được?

- Ừa, thôi đi, không thì nó tủi thân, nó khóc ngập trường thì khổ.

Tự nhiên được “săn sóc” đặc biệt, Phương cảm thấy ấm lòng, đó có thể xem là một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cô.

(Còn tiếp)

Tác giả: Nguyên Nhi

Tin mới trong ngày