Truyện ngắn: Sơ mi trắng - Tình đầu (Phần 4)
Nguyên Nhi 04/16/2017 07:00 PM
Họ cho rằng vì Phương đang yêu nên mù quáng, cho rằng người trong cuộc chẳng bao giờ sáng suốt và không bao giờ tự nhận mình sai. Nhưng nếu cô sai, cô vẫn muốn được yêu Hòa, được bên cạnh anh, dù có vạn lần sai, cô vẫn chấp nhận.

Một tuần ngắn ngủi trôi qua, nhưng đằng đẵng tựa cả tháng trời. Phương nghĩ thế, vì cô không nói được lời nào với ba mình, thậm chí ông còn chẳng thèm liếc mắt nhìn cô một cái. Còn cả ngôi nhà quanh đi quẩn lại nơi nào cũng có bóng dáng của sơ mi trắng, bức hình cả hai cùng nhau dán trên tường vẫn còn đó. Cô vẫn còn nhớ lúc ấy, Hòa chê cô chẳng có hoa tay, dán hình không có kỹ thuật, nhìn chẳng đẹp gì cả và anh phải dán hộ cô. Cô nhìn thấy nụ cười của anh ở đấy, dịu dàng và ấm nồng. Càng nghĩ cô càng tủi thân đến đau lòng.

Cô phải quay lại Sài Gòn, mà trong tình cảnh này, nên tránh mặt ba mình là phương án tốt nhất có thể khiến cô nhẹ nhõm hơn.

Ảnh: vieclam.com.vn

Bạn bè Hòa lần lượt về quê hết cả, Cường và Vũ cũng thế, họ đã lên kế hoạch về làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, còn mỗi anh vẫn không nỡ rời đi. Mùa biển thất bát, nhân viên nghỉ hết, mẹ Phương tìm bạn đi biển rất khó khăn, thế nên, Hòa vẫn vì gia đình cô, vì cô mà ở lại. Mẹ anh mấy lần gọi về để tính chuyện cho anh đi xuất khẩu, nhưng anh vẫn hẹn lần hẹn mãi. Đến nỗi mỗi lần thấy số điện thoại nhà gọi đến là anh chẳng dám bắt máy, biết thế nào cũng bị các anh mắng cho một trận. Hòa vẫn bất chấp. Anh cần thêm thời gian. Anh không thể đi ngang xương thế này. Anh không nỡ thấy tình thế khó khăn của gia đình Phương mà vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Hết mùa ốc, ghe đậu bờ để sửa sang, Hòa gom tiền vào thành phố thăm cô. Hòa đi cùng Hậu, Hậu có người bà con sống trong Sài Gòn, nên cả hai anh em cùng dắt nhau vào ở đỡ nhà ấy.

Lúc ấy, Phương cũng chỉ có thể hẹn anh ở công viên, phòng trọ của cô cấm dẫn bạn nam vào nhà.

- Em à, em nghĩ anh nên đi xuất khẩu lao động hay vào Bình Dương làm công nhân? - Hòa bàn luận về kế hoạch của anh. - Anh phải tìm cách để mình có tương lai. Anh không thể mãi như vậy được, cứ đi biển thế này, anh không cưới em được.

- Anh vào Bình Dương đi, chứ anh đi nước ngoài, em không chịu đâu, em nghe người ta nói nhiều người đi xuất khẩu bị chủ đánh, bị bóc lột và hành hạ dữ lắm.

- Cũng tùy thôi em à, anh đi như vậy chừng khoảng 2 năm là có vốn rồi.

- Thôi, anh đừng đi, anh đi em phải làm sao, anh vào Bình Dương đi mà.

- Ừ, anh chiều ý em... - Hòa dịu dàng. - Chẳng hiểu thế nào mà khi quen em, anh cứ như thằng dở người ấy, em nói gì anh cũng để bụng, em bỏ bùa mê anh à?

- Xí, trước giờ anh yêu ai cũng thế sao?

- Không đâu, trước giờ bọn con gái toàn nghe theo anh, có mỗi em thôi đấy. Em dữ dằn quá mà, không nghe em là em đập anh chết. 

- Em hiền lành vậy mà, đã bao giờ đánh anh đâu...

Lần ấy, Hòa nói dối với mẹ Phương là Hòa cùng Hậu về quê Hậu chơi, nhưng bà biết Hòa trốn vào thăm Phương. Cái gì mẹ Phương cũng biết. Vì Hòa cũng chẳng biết nói dối giống hệt Phương. Mẹ Phương cũng từng nói “Hai đứa nó cứ như sinh ra là để cho nhau.”.

Ảnh: etsystatic.com

Hòa nghỉ biển, anh có bạn làm công nhân tại Bình Dương, anh nộp hồ sơ và đi làm ngay. Mỗi tháng, Hòa lại bắt xe buýt lên Sài Gòn thăm Phương. Khi nào được nghỉ nhiều ngày, Phương lại bắt xe buýt xuống thăm anh.

Có lần, Hòa đi xe bị người ta móc túi mất cả điện thoại lẫn cả 200 nghìn đồng cuối cùng của anh.

Anh không thể gọi Phương được, cứ lang thang mãi nơi công viên. Anh mượn điện thoại của những người lạ mặt để gọi cho cô nhưng không ai cho, ai cũng dè chừng anh cả. May mắn thay, anh gặp một chị gái cùng quê với anh, chấp nhận cho anh mượn điện thoại để gọi cho cô.

- Em là Phương phải không? Bạn em đang đợi em ở công viên XYZ nhé, bạn ấy tên Hòa, bạn ấy bị mất điện thoại rồi.

Nhận cuộc gọi, Phương tức tốc xách ba lô ra bắt xe đi công viên.

Nhìn thấy Hòa ngồi thu lu bên ghế đá, cô thương anh khôn xiết.

- Sao anh lại làm mất điện thoại?

- Anh không biết, bị móc hồi nào chẳng hay. - Hòa cười hiền. - Em mà không ra là tối nay anh ngủ công viên luôn là cái chắc.

Hòa ngủ lại nhà một người bạn trai cùng lớp Phương. May mắn thay, nhà trọ của cậu bạn ấy không quá xa nhà trọ của Phương. Cậu bạn ấy rất có cảm tình với Hòa, anh ta xem Hòa như là anh em. Và kể từ đó mỗi lần Hòa sang thăm Phương đều ngủ lại nhà cậu bạn.

Lần đầu tiên Phương bắt xe buýt xuống thăm Hòa, cô phải bắt đến 4 tuyến xe buýt mới tới được nơi của Hòa.

Hôm ấy, Hòa xin nghỉ làm để ở nhà đón Phương.

Cô Bảy, người làm cùng công ty với Hòa ở trọ cùng cháu cô và Hòa, tỉ tê trò chuyện với Phương.

- Nó ở đây mấy tháng trời, không mua được cái chiếu. Hôm nay con xuống thăm nó mới chịu đi mua chiếu, nó sợ con nằm đau lưng.

Phương nghe thế càng thương anh vô vàn, cô cảm thấy hạnh phúc.

- Thằng nhỏ ấy, con đốt đuốc mới tìm được nó. Ở đây con gái theo nó đầy mà nó chẳng chịu, ở công ty, ở nhà trọ, con gái theo tán tỉnh nó hoài.

- Ở đây cũng có con gái tán anh ấy ạ?

- Ừ, cái thằng nhỏ đào hoa, thế mà nó chẳng thèm để ý đứa nào, bạn gái nó đẹp thế cơ mà. Suốt ngày ai hỏi nó cũng bảo có vợ rồi.

Phương bật cười tít cả mắt.

Sáng Hòa đi làm, anh mua sẵn đồ ăn sáng và cả sữa cho Phương. Phương ở nhà chẳng biết làm gì nên cô ra sạp hàng trước cổng nhà trọ mua đồ nấu ăn.

Mỗi ngày đều như vậy.

- Anh ước gì ngày nào mình cũng như vậy. - Hòa ngồi cạnh cô, đôi tay anh mân mê những ngón tay nhỏ bé của cô.

- Em cũng vậy, sau này em ước mình có cái nhà nhỏ xí như vậy là đủ rồi.

Phương cười hạnh phúc mơ tưởng đến một túp lều tranh hai quả tim vàng, một ước mơ đơn giản của những con người đơn giản, chẳng thiết giàu sang địa vị chỉ cần được bên cạnh người mình yêu thương đến hết đời này.

Họ có biết đâu giấc mơ nhỏ bé ấy cuối cùng cũng chỉ là giấc mơ.

Ảnh: Eva.vn

Tết năm ấy, Hòa ở lại nhà Phương ăn tết. Đó là cái tết đầu tiên và cũng là cái tết cuối cùng họ được đón giao thừa cùng nhau.

Sau ấy, Hòa quyết định đi xuất khẩu lao động, vì anh thấy được anh chẳng thể mãi làm công nhân. Nếu anh quyết định bỏ ra hai ba năm ở nước ngoài thì sẽ đủ tiền cất nhà và cưới cô. Hơn nữa, có thể kiếm vốn kinh doanh gì ấy, thế nên, qua tết Hòa về quê để chuẩn bị thủ tục xuất ngoại.

- Anh chẳng còn lựa chọn nào khác nữa. Những người cùng làng anh, các anh của anh cũng chỉ có thể đi xuất khẩu lao động mới mong kiếm vốn đổi đời được, 2 năm cũng nhanh thôi em à. - Hòa điềm đạm phân trần.

- Tức là hai năm em chẳng được nói chuyện với anh, chẳng được nhìn thấy anh? - Phương tròn xoe đôi mắt, giọng cô đầy bất mãn.

Hòa đưa tay vén tóc vào mép tai Phương, sau lại xoa xoa bờ môi cô:

- Không có đâu, tàu bên đó thường thì 6 tháng sẽ cập bờ một lần, lúc ấy anh sẽ gọi cho em.

Phương giữ lấy tay Hòa, gặng hỏi:

- Anh hứa không?

- Anh hứa mà. Nhưng mà không biết em có chờ anh được hay không thôi. - Hòa nhìn Phương, đôi mắt sâu buồn bã.

- Em chờ được mà.

- Nếu anh về mà thấy em cưới người khác rồi chắc anh chặn đầu xe tự tử luôn cho xong!

- Anh điên à, anh nói gở gì kỳ vậy? - Phương phát vào lưng Hòa cái rõ đau.

- Em nói em đợi là em sẽ đợi mà, với cả em còn chưa tốt nghiệp, lấy chồng chi mà sớm vậy! Em không lấy ai ngoài anh đâu. Em không biết sau này sẽ ra sao nhưng hiện tại em đã xem anh là chồng em rồi!

Hòa nhìn sâu vào mắt Phương. Mắt anh rưng rưng, đôi mắt long lanh của đứa con trai mà mẹ Phương vẫn hay nói là “Hắn có cặp mắt đa tình, đa sầu, đa cảm.”.

- Nhưng mà còn một chuyện, anh sẽ về hay là lấy vợ ở bên đó luôn vậy? Có bắt em đợi như bà cô già bên này luôn không?

- Anh làm ngoài biển có vào đất liền đâu mà lấy vợ với không.

- Em đâu biết được, em thấy trên phim hay vậy lắm, người con gái đợi miệt mài tới hồi người con trai về mang theo cả thằng cu tí nào đó về theo nữa mới chết.

- Bị nhiễm phim à, ngốc à? - Hòa ký đầu Phương. Cô nhăn mặt, cười tinh nghịch.

- Anh cho em mượn một cái áo của anh được không?

- Em mượn làm gì?

Phương ấp úng:

- Để làm gì đâu... em thích mượn đấy. Anh không cho thì em cũng lấy, để hôm nào em mà có nhớ anh quá... em... em... mang ra cắt thành sợi cho đỡ buồn.

- Trời ạ! Em cắt như vậy, ở bên ấy, anh đau lòng thì làm thế nào?

- Thì anh đau để anh nhớ...

Thời gian Hòa đi là khoảng thời gian kinh hoàng với Phương, nỗi nhớ anh da diết không thể nguôi. Mỗi lần từ Sài Gòn về nhà, cô lại càng nhớ anh hơn, chiếc đi văng họ vẫn hay ngồi trò chuyện, cái võng Hòa vẫn hay nằm mỗi lần đi biển vào, góc bàn họ vẫn chuyền tay nhau những dòng chữ vu vơ…

Tất cả mọi thứ dưới mái nhà này đều ngập đầy kỷ niệm. Ba Phương đã thôi không còn chiến tranh lạnh với con gái khi chẳng có mặt Hòa ở đây. Ông ngỡ rằng hai đứa sẽ mau quên nhau nên ông luôn tìm cách nói móc nói xéo. Những lời giáo huấn như búa bổ đầu cô. Mẹ Phương thì than vãn, bà vẫn thương Hòa rất nhiều nhưng cũng chẳng mong hai đứa sẽ là gì đó của nhau. Bà đặt kỳ vọng rất nhiều vào Phương, với bà, mọi lời đàm tiếu của dư luận như là mạng sống của bà. Bà không chịu nổi nếu nghe người khác nói những điều không tốt về gia đình bà, nên dù ngoài mặt chẳng hề ngăn cấm con nhưng trong lời nói và tận sâu trong thâm tâm bà, chỉ mong hai đứa hãy sớm quên nhau. Bà chẳng muốn nghe người khác đồn rằng “Con nhà bà Bảy có ăn có học mà đi lấy thằng đi biển!”. Rốt cuộc thì tội lỗi của họ là gì? Đi biển thì đã sao? Nhưng đâu phải ai cũng có suy nghĩ đơn thuần như Phương. Họ cho rằng vì Phương đang yêu nên mù quáng, cho rằng người trong cuộc chẳng bao giờ sáng suốt và không bao giờ tự nhận mình sai. Nhưng nếu cô sai, cô vẫn muốn được yêu Hòa, được bên cạnh anh, dù có vạn lần sai, cô vẫn chấp nhận.

Mỗi ngày Phương đều rất mệt mỏi với những lời ra vào của họ hàng, lời than vãn của mẹ, lời cảnh báo của bạn bè. Nhưng cô vẫn nhớ anh, vẫn đợi anh. Thi thoảng, cô cứ mang chiếc áo của Hòa ra hít hà mùi hương quen thuộc của anh, như thể sợ mình sẽ vì mệt mỏi mà quên anh mất.

Ảnh: guucdn.net

Sáu tháng nhanh thôi nhưng với cô như là sáu năm trời dai dẳng. Cô mong chờ một cuộc điện thoại nhưng không có, anh bặt vô âm tín. Cô lo lắng, cô ra vào với chiếc điện thoại trên tay, mơ màng như kẻ mất hồn lạc vía. Cô tiếp tục đợi anh một năm, ngày nào cũng vậy, cô luôn hy vọng, chỉ cần một cuộc điện thoại của anh cũng là động lực để cô tiếp tục chờ đợi, mạnh mẽ để vượt qua những lời bàn ra tán vào nhưng... cũng không.

Cô đòi đi du học. Cô muốn rời xa ngôi nhà này một thời gian, rời xa mảnh đất này, rời xa đất nước này. Nơi cô đang chán ghét mọi thứ, nơi cô cảm thấy chẳng còn ai có thể đồng cảm với mình, nơi cả thế giới đang quay lưng với mình. Và nơi mà nỗi nhớ anh dày vò cô từng đêm thâu.

Ngay khi cô nhận được học bổng đi du học thì anh gọi cho cô, tròn một năm rưỡi.

Và ngày cô mong chờ cũng đã đến, người con trai trong màu áo sơ mi trắng mà cô ngày đêm mong đợi cũng đã về.

"A lô, em à?" - Giọng Hà Tĩnh thân yêu này cô chẳng thể lầm với ai.

- Anh... Khùng. - Cô la anh rõ to trong điện thoại.

- Gì vậy, khi không chửi anh khùng. Anh mới vào bờ này, còn chưa gọi cho ai là đã gọi cho em rồi đấy!

Mẹ Phương nằm trên đi văng, tay gác lên trán, miệng đang lẩm nhẩm tính toán điều gì, vội ngẩng đầu dậy hỏi:

- Thằng Hòa gọi à? Nó vào rồi à? Đưa điện thoại cho mẹ nói chuyện với nó.

Phương tỏ vẻ ganh tỵ, cô còn chưa nói được với anh lời nào, mẹ đã giành nói rồi.

Mẹ tâm sự với anh hồ hởi và vui vẻ như lâu ngày được thằng con trai gọi về hỏi thăm.

Còn cô, trái tim vẫn loạn nhịp vì anh sau chừng ấy thời gian xa cách. Thứ tình yêu đầu da diết vẫn chưa vơi bớt đi một tí nhớ thương nào.

Ngay khi đặt chân lên đất Hà Nội, Hòa lại gọi cho Phương để báo tin. Chỉ sau vài ngày quay về Hà Tĩnh chào mẹ, Hòa lại bắt xe quay vào Nam.

Phương lúc ấy đang đi chơi xa cùng bạn, cô bỏ dở chuyến đi giữa chừng rồi một mình lặn lội quay về nhà.

Ảnh: ask.fm

Hòa vẫn nằm trên chiếc võng giữa nhà ấy, nhưng bây giờ anh đã chẳng còn nhỏ bé như ngày xưa nữa. Dáng nằm cong lưng khắc khổ của Hòa vẫn thế. Phương đứng nhìn anh chẳng nói tiếng nào.

Cô hạnh phúc, cô nhớ anh, muốn động vào người anh một chút nhưng ở nhà có anh chị, có mẹ nên cô chỉ già vờ cười nói như thể chẳng quan tâm đến anh.

- Hòa vẫn ngủ à? - Mẹ Phương đang ngồi phía đi văng trò chuyện với chị hai Phương và Hậu, thấy Phương từ trong bước ra, hỏi dò.

Hậu đá mắt Phương tinh ngịch:

- Kêu họ dậy đi chớ, người yêu về rồi mà còn ngủ nghê gì nữa!

- Thôi để nó ngủ con, nó mới đi xe vô, chắc còn mệt người. - Mẹ Phương cản.

Phương che đậy cảm xúc của mình, cô chỉ cười ngại ngùng.

Hậu bước vào, lay võng, đánh thức Hòa dậy:

- Dậy đi người ơi, vô đây chơi chứ vô đây ngủ hả? Muốn ngủ về Hà Tĩnh ngủ!

Hòa cựa mình, ngẩng đầu dậy, mắt vì thiếu ngủ mà bụp hết lại. Anh bật dậy, chỉnh nhẹ áo, vuốt nhẹ tóc mấy cái, rồi bước ra nhà trước.

Mẹ Phương cười khà khà:

- Cái thằng này, để cho thằng nhỏ ngủ chút. - Mẹ Phương dịu dàng với Hòa. - Đói bụng chưa con?

- Dạ chưa thím ạ! - Hòa cười hiền lành, lễ phép trả lời.

Hòa nhìn Phương, cô ngồi góc bàn, anh kéo lấy ghế tới ngồi cạnh. Phương chỉ dám liếc nhìn anh một chốc, cả Hòa cũng vậy, chỉ dám nhìn cô một chốc thôi. Cô ngại ngùng, những nỗi nhớ giày xéo bao tháng ngày như muốn thiêu đốt từng thớ thịt trên người cô nhưng chỉ có thể giả vờ liếc nhìn nhau trước mặt bao người, cười cười nói nói như thể chưa hề biết mình đã từng nhớ thương đối phương biết bao nhiêu. Chỉ là vẻ hời hợt kia đang che giấu đi thứ tình cảm nóng rực đang sục sôi trong lồng ngực của đôi trẻ.

Ảnh: guucdn.net

Phương lại đứng bếp nấu ăn, hình ảnh ấy trong mắt Hòa quá đỗi quen thuộc. Anh muốn chạy tới ôm lấy cô từ phía sau thật chặt, nhưng không, anh chỉ ngồi đó lặng im, lặng lẽ nhìn cô, lặng lẽ quan sát. Phương thấy nhột cả tấm lưng gầy, anh thì mãi lặng thinh, chẳng nói câu nào, chốc chốc lại thở dài. Cô quay sang, nhìn anh âu yếm, miệng nhếch một nụ cười mỉm ngại ngùng:

- Lại thở dài nữa à?

Hòa vẫn không nói gì, chỉ cười trừ, vẫn không rời mắt khỏi người Phương.

Phương ngưng tay, bước tới phía anh, lại đưa mắt quan sát xung quanh, rồi đặt một nụ hôn vội vàng lên trán anh, nụ hôn chủ động đầu tiên của cô.

Ngay lúc này đây, Hòa đứng dậy, ôm chầm lấy Phương. Cảm giác vẫn thế, như cái ôm đầu tiên, vẫn cứ như bị điện giật, chỉ có điều bây giờ, Hòa đã rất to con, bờ vai đã đủ rộng, lồng ngực đã cứng cáp hơn. Còn đôi tay thì chắc chắn và chai sần đi nhiều.

- Em quay lưng lại đi, anh có quà cho em. - Nói đoạn, Hòa đeo vào cổ Phương sợi dây chuyền bạc, mặt hình ngôi sao sáu cánh. Phương xúc động tận tâm can, cô từng nói với anh, cô rất thích dây chuyền bạc, không vòng tay, không nhẫn, không hoa tai, thậm chí sau này anh có cầu hôn cô, hãy đeo cho một sợi dây chuyền bạc.

- Sao không phải sao năm cánh mà sáu cánh anh? - Cô thắc mắc.

- Anh nghe người ta nói, sao sáu cánh có nghĩa là tình yêu bền vững... à, còn mang lại sức khỏe cho chủ nhân nữa, phòng tránh tà ma rồi còn cái gì mà hòa hợp âm dương gì gì. Anh nghe lùng bùng hết, chẳng nhớ nỗi nữa. Người bán họ nói thế.

- Khéo chừng họ dụ anh đó. - Phương ghẹo Hòa.

- Vậy em không thích à? Không thích thì khỏi đeo nha.

- Ý, em có nói là không thích đâu. - Phương giữ chặt ngôi sao trong lòng bàn tay.

Ảnh: kenh14cdn.com

Vùi đầu trong lòng Hòa, giọng Phương lí nhí:

- Bữa nay anh cao hơn em rồi nha.

- Vậy à? Tất nhiên rồi, anh cao hơn em hồi giờ mà. - Hòa thầm thì. - Bữa nay em cũng xinh gái nhiều hơn xưa!

- Ý anh là ngày xưa em không xinh à? - Phương ngẩng đầu lên, cong môi hờn dỗi.

- Chứ còn gì nữa, ngày xưa em đen nhẻm, đã vậy còn “khô cằn”, cứ như mấy đứa con trai.

Phương vội đẩy Hòa ra:

- Ừa ha, tôi giống con trai ha, vậy mà cũng có người thương tôi được.

- Ừa thì thương. - Hòa lại giữ chặt lấy Phương, chẳng để cô có cơ hội thoát khỏi tay mình.

- Anh nói nghe coi, ngày xưa tôi giống con trai vậy, tại sao thương tôi? - Phương lắc lư đầu, mặt kênh lên đầy vẻ “chảnh chọe”.

Hòa bắt đầu gật gù:

- Nghĩ cũng lạ, em còn nhớ Mạnh không? Ngày xưa hắn nói với tụi anh, nhà thím Bảy có đứa con gái dễ thương lắm, suốt ngày hắn khen em, anh tò mò nên mới quyết định theo hắn vào Nam. Ai dè vào gặp em thấy buồn cười chịu không được.

- Anh buồn cười cái gì? - Phương vùng vẫy, nhưng Hòa vẫn cứ siết chặt, từ tốn kể lể:

- Anh bảo hắn, hắn nghĩ sao mà bảo em đẹp, anh còn khuyên hắn hết con gái rồi hay sao mà đi thích con nhỏ xấu hoắc như em… - Hòa tạm dừng, đoạn anh bỏ nhỏ vào tai Phương:

- Rồi ai ngờ đâu sau này, anh lại thích em mới kinh chứ!

- Kinh à? Kinh thì chia tay đi. - Phương đỏ lừ mặt, cô nhanh miệng.

- Chia tay à? Cô muốn chia tay tôi à? Không dễ đâu. - Hòa vừa cười vừa giả vờ xỉa vào mặt Phương. Đoạn anh đỡ lấy cằm Phương, đặt một nụ hôn vào bờ môi ấy, nhẹ nhàng rồi nồng nàn, mãnh liệt.

Một vài giây mất tự chủ, Phương như bị trôi lạc về nơi nào, mãi cho đến khi mùi cá kho thơm nức kéo cô rơi về thực tại, Phương vội đẩy Hòa ra:

- Chết rồi, nồi cá của em!

Hòa bị cô cắt đứt mạch cảm xúc, đứng thừ ra vài giây, rồi nhìn bộ điệu lúng túng, vội vội vàng vàng của cô đến nỗi làm rớt nắp xoong, rớt muỗng, rớt đũa lách tách xuống sàn mà bật cười âu yếm.

(Còn tiếp)

Tác giả: Nguyên Nhi

Tin mới trong ngày