Trung Quốc lộ ý đồ cải tổ quân đội để tăng gây hấn trên Biển Đông
Vĩnh Thụy/Theo Một Thế Giới 07/07/2018 01:30 PM
Tăng xích mích ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tăng căng thẳng với Mỹ và các nước láng giềng, là mục tiêu để Trung Quốc cải tổ quân đội nhằm dàn quân ra xa khỏi bờ cõi, theo một tài liệu nội bộ của Ủy ban quân ủy trung ương (CMC) Trung Quốc bị rò rỉ.

Theo báo Japan Times ngày 4.7, hãng thông tấn Kyodo News (Nhật Bản) có được tài liệu lưu hành nội bộ, trong đó nêu rõ việc cải tổ Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm bành trướng sức mạnh quân sự từ việc bảo vệ lãnh thổ lâu nay sang việc gieo tầm ảnh hưởng trên các vùng biển để bảo vệ các quyền lợi chiến lược của Trung Quốc ở quanh thế giới trong một thời đại mới.

Tài liệu được CMC lưu hành nội bộ hồi tháng 2, nhằm phổ biến “Tư tưởng Tập Cận Bình về sức mạnh của lực lượng vũ trang”, trong đó nêu rõ PLA phải trung thành với lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình và thực hiện “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Hoa trong thời đại mới”.

Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông, nhận tiếp liệu từ trực thăng. Ảnh: Hạm đội 7

Vì muốn lập một đạo quân luôn “sẵn sàng chiến đấu, khả năng chiến đấu và bảo đảm toàn thắng”, hồi năm 2015 ông Tập tuyên bố sẽ giảm 300.000 trong tổng quân số 2,3 triệu lính.

Tài liệu nội bộ giải thích cơ chế chỉ huy - kiểm soát quân đội phải được tái cơ cấu, từ một cấu trúc 4 tầng cấp sang một cấu trúc 3 tầng cấp.

Về mặt chiến lược, tài liệu có một trang viết trong khi PLA chú trọng sự sẵn sàng bảo vệ bờ biển, PLA cũng phải củng cố khả năng chiến đấu trên bộ, trên biển và trên không, cùng với việc mở rộng địa bàn hoạt động trong thời đại mới.

Tài liệu viết: “Thông qua hàng loạt chỉnh đốn chiến lược quân sự, sự quân bình, tầm cỡ của mục tiêu chiến lược của chúng ta sẽ được củng cố. Khi chúng ta mở rộng quyền lợi quốc gia xa khỏi bờ cõi, chúng ta rất cần một sự bảo vệ toàn bộ an ninh của chúng ta ở quanh thế giới”, cho thấy chiến lược của PLA phải nhìn xa hơn khỏi công tác bảo vệ bờ biển.

Tài liệu viết thêm rằng giải pháp này sẽ cho phép Trung Quốc “hiệu quả hơn trong việc tạo ra một tình hình, điều hành một cuộc khủng hoảng, kiềm chế một cuộc xung đột, thắng một cuộc chiến, bảo vệ sự mở rộng các quyền lợi chiến lược của tổ quốc và thực hiện các mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra”.

Tàu chiến Trung Quốc hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: AP

Tài liệu nội bộ khẳng định: nếu đạt tiến độ cải tổ PLA, thì cần tăng gây xích mích với các nước láng giềng gồm Nhật Bản, ở biển Hoa Đông, Biển Đông và các nơi khác.

Trong một chương khác, tài liệu nêu ví dụ Mỹ, Nga và Nhật Bản cùng 7 nước khác đã trở thành cường quốc vì có quân đội mạnh, mà để có quân đội mạnh thì cần cải tổ lực lượng này.

Tài liệu còn gợi ý Trung Quốc cần sẵn sàng vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự.

Các tác giả tài liệu nội bộ lý luận: “Các bài học lịch sử dạy chúng ta rằng sức mạnh quân sự là điều quan trọng, cho một quốc gia phát triển từ lớn thành mạnh. Một đạo quân mạnh chính là cách tránh Bẫy Thucydides và để thoát khỏi ám ảnh rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi giữa một thế lực đang trỗi dậy với một đế quốc thống trị”, ám chỉ Trung Quốc và Mỹ.

Bẫy Thucydides là một câu nói của sử gia Thucydides hồi năm 461 trước Công nguyên, dùng để chỉ khi một thế lực trỗi dậy gây ra sự sợ hãi cho một thế lực đã ổn định, từ đó dẫn đến chiến tranh.

Tài liệu viết tiếp: “Vì thế, cải tổ quân đội là “một điểm bước ngoặt” cho bất kỳ quốc gia nào đang trỗi dậy để “qua mặt một chiếc xe chậm lụt đang vào khúc cua”, ám chỉ Mỹ đang suy yếu.

Các tác giả còn tấn công “những thế lực đối lập của thế giới phương Tây” ủng hộ các phong trào ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Tài liệu viết một đạo quân mạnh mẽ sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trị được những thách thức nội địa này, với điều kiện PLAN phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của CPC.

Một chương khác dẫn ví dụ Liên Xô sụp đổ năm 1991, bất ổn chính trị ở vài quốc gia Đông Âu, để nêu tầm quan trọng của việc kiểm soát quân đội, nhằm bảo vệ CPC về lâu về dài: “Lịch sử đã chứng minh khi nào Đảng còn nắm chặt quân đội, Đảng sẽ có thể chịu đựng những thách đố nghiêm trọng từ trong nước lẫn nước ngoài”.

Chương khác nữa bảo vệ “cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch CMC”, và đứng đầu cơ chế này là lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình, Tổng bí thư CPC kiêm Chủ tịch CMC.

Theo Newsweek, tài liệu nội bộ CMC bị rò rỉ vào lúc hải quân Trung Quốc (PLAN) tung hai chiến hạm hiện đại được thiết kế cho chiến tranh trên biển, phòng không tầm xa và các hoạt động chống ngầm, trong khi cuộc hiện đại hóa PLAN tiếp tục tăng tốc.

PLAN là lực lượng chính trong nỗ lực cải tổ quân đội Trung Quốc, đang chuyển mình từ một hạm đội lớn nhưng lạc hậu thành một lực lượng hàng đầu thế giới.

Việc Trung Quốc mới đây tung ra tàu sân bay “made in China” đầu tiên - chiếc Type 001A - chính là một thành tựu lớn và là biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh.

Hai khu trục hạm Type 055 vừa đưa vào hoạt động ngày 3.7 tương ứng với một kế hoạch chiến lược lớn. Hai tàu chiến này được trang bị công nghệ hiện đại như của khu trục hạm Mỹ, ví dụ radar ăng-ten mảng pha dùng để truy vết những kiểu máy bay quân sự hiện đại nhất.

Hai chiếc Type 055 này sẽ có thể tháp tùng tàu sân bay Type 001A trong các hoạt động kế tiếp.

Bạn đang đọc báo người Việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com. Xin cảm ơn!

Tác giả: Vĩnh Thụy/Theo Một Thế Giới

Tin mới trong ngày