Trung Quốc sắp điều chiến đấu cơ xuống Trường Sa?
Văn Khoa/Theo Thanh niên 05/11/2018 07:30 AM
Sau khi điều tên lửa và máy bay vận tải quân sự xuống Trường Sa, giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm đưa chiến đấu cơ tới khu vực.

Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua đăng bài phân tích cùng hình ảnh vệ tinh chụp hôm 28.4 cho thấy máy bay Y-8 của Trung Quốc xuất hiện trên đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đậu phi pháp trên đá Xu Bi hôm 28.4. Ảnh: AMTI

Y-8 là máy bay vận tải quân sự nhưng vài phiên bản của loại máy bay này có thể được dùng cho mục đích tuần tra biển hoặc trinh sát. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều loại phi cơ này tới Xu Bi, và động thái này đánh dấu Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự trên cả 3 đường băng ở Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập. Ba thực thể này đều thuộc Trường Sa nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. Hồi tháng trước, tờ Philippine Daily Inquirer đăng ảnh chụp ngày 6.1 cho thấy 2 máy bay vận tải quân sự Y-7 của Trung Quốc xuất hiện trên Vành Khăn. Cách đây hơn 2 năm, Trung Quốc đã điều máy bay tuần tra biển được cho là Y-8 đến Chữ Thập.

Khi được yêu cầu bình luận thông tin mới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng bộ này không biết tình hình như AMTI mô tả nhưng ngụy biện rằng các hoạt động của nước này ở Trường Sa “cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”, theo Bloomberg. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng triển khai Y-8 tới Xu Bi là hành động đáng lo ngại mới nhất của Trung Quốc tại Trường Sa trong thời gian gần đây.

Ảnh vệ tinh chụp những công trình trái phép của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Hôm 3.5, kênh CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ trong 30 ngày qua, Trung Quốc đã âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.

Nhật, Trung Quốc lập cơ chế tránh va chạm trên biển

Tờ The Straits Times hôm qua đưa tin Nhật Bản và Trung Quốc vừa ký thỏa thuận lập “cơ chế liên lạc xung đột” nhằm ngăn chặn các sự cố trên biển lẫn trên không xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo thỏa thuận, một đường dây nóng cho quan chức quốc phòng hai bên sẽ được thành lập trong vòng 30 ngày để ngăn ngừa sự cố liên quan đến tàu và máy bay quân sự của hai nước.

Tác giả: Văn Khoa/Theo Thanh niên

Tin mới trong ngày