"Từ Burma đến Myanmar" - con đường gian truân đi đến tự do
UTU 04/09/2017 12:30 PM
Cuốn sách vẽ ra một bức tranh phức tạp, nhiều màu sắc, đại diện cho nhiều xu hướng chính trị - xã hội - kinh tế phức tạp đang chuyển động và tìm cơ hội đổi mới ở Myanmar.

Birma, Burma, Myanmar - một đất nước có nhiều tên gọi, nhiều gương mặt, cũng như nhiều bàn cãi. Burma đó là tên một xứ sở thuộc địa của Anh nằm giữa Bangladesh và Thái Lan. Birma là phiên âm từ Burma của tiếng Anh ra tiếng Đức.

Bà Aung San Suu Kyi.
Ảnh: News.zing.vn

Còn khái niệm Myanmar đã có mặt trong những văn kiện cổ hàng trăm năm, chỉ đơn giản có nghĩa “(thuộc về) Burma”, và là tính từ chỉ dân tộc chiếm đại đa số của đất nước này và ngôn ngữ của họ.

Nó từng là nơi mà bất cứ ai muốn tiến sâu vào Châu Á đều phải đi qua, từng là đất nước đóng chặt cửa suốt nửa thế kỷ, dưới một chính quyền độc tài quân sự tàn bạo, lại đang bắt đầu mở ra một trang mới cho nền thịnh vượng và phát triển.

Câu đố về một đất nước được che đậy rất lâu đằng sau bức tường bằng kính cường lực dần dà được giải đáp thông qua những ghi chép phỏng vấn giữa Christoph Hein (phóng viên của Nhật báo phổ thông Frankfurt) và Udo Schmidt (thông tín viên của đài phát thanh ARD) với Aung San Suu Kyi - chân dung biểu tượng dân chủ toàn cầu, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình.

Không phải ngẫu nhiên mà bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trên bìa sách. Cuộc đời của bà chính là hình ảnh tượng trưng hoàn mỹ nhất cho chặng đường hơn 50 năm gian truân tìm kiếm tự do và dân chủ của người Myanmar.

Bà là con gái của anh hùng Myanmar, tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh năm 1947. Ông bị ám sát khi bà Suu Kyi mới hai tuổi. 

Sau này bà theo học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Aung San Suu Ky liên tục đấu tranh cho các cải cách dân chủ, một người phụ nữ kiên định với những gì mình làm: “Khi người ta hỏi tôi tại sao luôn luôn đấu tranh cho chế độ dân chủ ở Myanmar, thì tôi trả lời rằng vì tôi tin các thể chế dân chủ sẽ bảo đảm nhân quyền được tôn trọng”.

Bìa cuốn sách Từ Burma đến Myanmar.
Ảnh: News.zing.vn

Giành chiến thắng cao trong cuộc bỏ phiếu bầu cử năm 1990, tuy nhiên, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà chịu sự quản thúc trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả vào tháng 11/2010, qua đó trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, sách còn là những ghi chép sự thật về giới tăng lữ, trùm ma túy, những người nổi loạn đường phố, các bộ trưởng, các nhà đầu tư,… Tất cả bọn họ đều là một phần trong ống kính vạn hoa của Myanmar.

Cuốn sách vẽ ra một bức tranh phức tạp, nhiều màu sắc, đại diện cho nhiều xu hướng chính trị - xã hội - kinh tế phức tạp đang chuyển động và tìm cơ hội đổi mới ở Myanmar. Đi cùng những dự định chính trị hay những lợi ích kinh tế, là cuộc sống cần đến ánh sáng của nhân dân đất nước này.

Một cuốn sách làm lan tỏa niềm say mê với Myanmar.
Ảnh: News.zing.vn

Minh chứng sống động từ cuốn sách là người thanh niên Myanmar (được phỏng vấn) làm quầy bar ở Arab Saudi với mức lương 1.700 USD/tháng quyết định theo một doanh nhân người Đức trở về quê nhà với mức lương lúc đầu chỉ khoảng 300 USD. Nhưng anh bảo rằng anh thấy được cơ hội làm giàu ở quê hương mình. Bởi tất cả những gì họ cần là một tương lai, tương lai ấy được kỳ vọng sẽ xứng đáng với lịch sử khổ đau và đất nước giàu có của họ.

Tờ Britnies nhận xét: “Chỉ bằng những chương sách ngắn gọn, các tác giả đã phác họa một cách sinh động và chính xác những sự kiện và tình hình chính trị ở Myanmar. Một cuốn sách làm lan tỏa niềm say mê với Myanmar, cửa ngõ huyền bí bước vào Đông Nam Á.” 

Theo Zing

 

Tác giả: UTU

Tin mới trong ngày