Tướng Thái Lan bị kết án 27 năm tù trong vụ án chấn động về buôn người
Thusy 07/21/2017 10:30 AM
Ngày 19/7, Thái Lan mở phiên tòa xét xử vụ án buôn người lớn nhất lịch sử nước này. Cựu tướng quân đội Thái Lan Manas Kongpaen cùng 61 người trong số 102 nghi can bị kết tội ở Bangkok vì hành vi buôn bán người Bangladesh và người Rohingya.

Phiên tòa xét xử vụ án buôn người rúng động nước này diễn ra với 102 bị cáo, trong đó, với sự tham gia của sỹ quan quân sự, chính trị gia, cảnh sát, thương nhân... 62 bản án đã được đưa ra, với các mức án nằm trong khoảng từ 4 - 94 năm tù.

Cựu tướng Manas bị kết án 27 năm tù, một cựu quan chức cấp cao khác đứng đầu quận Satun, Ko-Tong (hay Patjuban Aungkachotephan) bị kết án 75 năm tù, một chính trị gia khác bị kết án 78 năm tù.

Tướng Manas Kongpaen khi còn đương chức. Ảnh: AP

Phiên tòa xuất phát từ sự việc phát hiện cảnh sát Thái Lan tìm thấy những hố chôn tập thể người tị nạn tại vùng rừng rậm gần biên giới Thái Lan - Malaysia, ở miền nam nước này. Đa số nạn nhân được phát hiện là người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, họ đã phải sống trong điều kiện tồi tệ trước khi được đưa vào Thái Lan qua biên giới Malaysia. Những kẻ buôn người giam giữ nạn nhân cho đến khi người thân trả tiền chuộc hoặc thậm chí bán cho người khác để làm nô lệ.

Tòa án Bangkok đã phải mất 12 giờ để tuyên án các bị can với 13 tội danh khác nhau, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, giam giữ người đến chết và hiếp dâm. Phần lớn những người bị truy tố đến từ Thái Lan nhưng cũng có một vài công dân Myanmar và Bangladesh. Tất cả các bị can đều không nhận tội trong phiên tòa xử kín trước đó.

Ông Manas bị thẩm phán kết tội buôn người và phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia. Ở Thái Lan, quan chức chính phủ thường nhận án gấp đôi dân thường nếu vi phạm pháp luật.

Trước đó, vào năm 2009, Manas từng nói Thái Lan đối xử với người di cư rất nhân ái khi ông bị buộc tội ra lệnh cho hơn 1.000 người Rohingya lên những chiếc thuyền không có động cơ trôi dạt trên biển. 

Quân đội Thái Lan từng tuyên chiến với nạn buôn người, coi đây là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này, nhưng vụ án này đã khiến quân đội nước này phải "hổ thẹn". Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan đã kêu gọi dư luận không đổ lỗi nạn buôn người cho quân đội và đừng đánh đồng tất cả quân nhân vào một nhóm.

Quan tài chứa hài cốt người nhập cư trái phép đến Thái Lan năm 2015. Ảnh: Reuters

Sau khi vụ việc được phanh phui, một cảnh sát cấp cao, người chỉ đạo cuộc điều tra nạn buôn người ở Thái Lan, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã phải trốn đến Australia do sợ gặp nguy hiểm tính mạng vì những người có ảnh hưởng liên quan đến vụ buôn người trong nước "muốn ông phải im lặng".

Các tổ chức nhân quyền cho rằng vụ án này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và đường dây buôn người Thái Lan vẫn tồn tại khi nó mang lại món lợi lớn cho những kẻ tham gia.

Tác giả: Thusy

Tin mới trong ngày