Vì sao cúng ông Táo phải đúng ngày?
Mây 01/19/2017 05:30 AM
Nhiều người Việt Nam quan niệm rằng nên cúng ông Táo sớm để ông lên trời báo cáo thành tích, như vậy gia đình sẽ được lộc nhiều hơn. Liệu điều này có đúng?

"Hồn đi mây về gió"

Ông Trường Thịnh, nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết, dân gian ta có câu "Trần sao, âm vậy", nên trước tình trạng kẹt xe, đường chật, chen lấn chờ đợi ngày nay... đã "sáng tác" ra chuyện cũng lễ trước ngày để tổ tiên, ông bà, ông Công, ông Táo nhà mình đi trước vào tâu trước, kẻo đến muộn mất thiêng, ít lộc... mà quên mất câu "Hồn đi mây về gió". Xét theo khía cạnh khoa học cả về phần âm và phần dương thì điều này là chưa đúng. "Cúng sai ngày thì chỉ được cái tâm, không được cái linh ứng là Phúc - Lộc - Thọ", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh phân tích, ngày Âm Lịch là theo Mặt Trăng, ngày Dương Lịch là theo Mặt Trời. Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng là ba hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái Đất quay quanh Mặt Trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, một vòng khép kín là hơn 365 ngày, tức là một năm. Người ta lấy đó làm lịch dương - lịch theo Mặt Trời. Ba hành tinh Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ  giờ Tý đến giờ Hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được quỹ đạo, chu kỳ của Mặt Trăng và Quả đất mà dự đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.

Chu kì của Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất.
Ảnh: daikynguyenvn.com

Lịch âm tính theo sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của "Quỹ đạo vô hình" này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi khi nào xuất hiện, ở đâu thì "thấy nó"... Đến ngày mồng Một, hôm rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy "xá tội vong nhân", ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo "chầu Trời"... đến ngày giỗ của người chết... Tháng sau - tháng trước, năm trước - năm sau... đến ngày đó thì quỹ đạo của Trái Đất - Mặt Trăng được lặp lại.

Hàng ngàn đời nay, người phương Đông quy định ra thủ tục cúng lễ, giỗ, Tết vào các ngày đó từ giờ Tý đến giờ Hợi. Việc cúng trước - cúng sai ngày - chính là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn giá trị nữa.

Chẳng hạn, theo quy luật ngày Rằm tháng Bảy là ngày "xá tội vong nhân", cõi âm mở ngục cho các vong đi kiếm ăn. Cửa ngục được mở từ giờ Tý đến giờ Hợi cho các vong ra về ăn và nhận đồ cúng. Hết ngày Rằm các linh hồn lại phải quay lại ngục. Vậy nếu gia đình cúng trước, các vong liệu có nhận được lộc?

Tương tự, ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày "mở cổng trời", tức là thời điểm ba hành tinh: Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vậy câu hỏi đặt ra là chệch ngày thì cổng Trời có mở không? Ông Công, ông Táo nhà nào lên chệch ngày, thì cổng trời đóng, chưa mở. Vậy có vào được không? Không vào được thì sao tâu được với Ngọc Hoàng? Điều này cũng tương tự như ở dương thế, giống như UBND phường chỉ cấp chứng nhận vào thứ Hai, mà Chủ nhật đã đến phường thì có được việc hay không? Vì vậy, theo ông Thịnh, nên cúng đúng ngày tại nhà mình là tốt nhất.

Thả cá chép đưa ông Táo về chầu Trời.
Ảnh: mytour.vn

 

Tác giả: Mây

Tin mới trong ngày