Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
CTV Vũ Thạch 02/16/2018 10:00 AM
Vào ngày Tết, hầu như nhà nào cũng phải có mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Nhưng ở các miền Bắc, Trung, Nam lại có những cách lựa chọn hoa quả và bày biện khác nhau. Tuy nhiên, dù là cách bày biện như thế nào thì nó cũng mang một ý nghĩa như nhau.

Mâm ngũ quả là mâm quả gồm có năm loại hoa quả khác nhau. Và mỗi loại quả sẽ mang một ý nghĩa riêng. Ngoài ra, chữ "ngũ" trong "ngũ quả" còn mang một ý nghĩa độc đáo khác đó là "ngũ phúc lâm môn": Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Đó cũng chính là lí do tại sao người ta gọi là mâm "ngũ quả" mà không phải là "tứ quả" hay "lục quả".

Ảnh: baomoi.com

Tuỳ theo khí hậu từng vùng, miền mà người ta lựa chọn những loại quả thường có vào mùa đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quan niệm về hoa quả của các miền khác nhau nên mâm ngũ quả cũng sẽ không giống nhau giữa các miền.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành. Vì vậy, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, mộc màu xanh, thủy màu đen, hỏa màu đỏ, thổ màu vàng. Do đó, màu sắc của hoa quả sẽ là lựa chọn hàng đầu ở nơi đây. Và các loại hoa quả sẽ được bày trí xen kẽ nhau vô cùng đẹp mắt nhưng quan trọng hơn hết là phải hợp phong thuỷ. 

Ảnh: khoahoc.tv

Nhìn chung, mâm ngũ quả thường có các loại như: Chuối, bưởi, hồng, đào và quýt. Hiện nay, do hoa quả rất phong phú nên mọi người cũng không còn quá quan trọng việc câu nệ về "ngũ quả" mà thêm vào đó nhiều loại trái cây hơn để mâm quả ngày Tết thêm hấp dẫn và đẹp mắt hơn.

Người miền Trung thì không quá coi trọng việc phong thuỷ, bởi mảnh đất miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên người dân nơi đây thường không quan trọng về mặt hình thức, mà chủ yếu là quan niệm "có gì cúng nấy". Bởi vậy, mỗi nhà sẽ có một mâm ngũ quả khác nhau. Những loại quả thường thấy là nơi đây là: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Ảnh: phunutoday.vn

Còn người miền Nam thì bày mâm ngũ quả theo mong muốn. Do đó, trong mâm ngũ quả thường bắt gặp những loại quả đi gần nhau sẽ tạo thành nghĩa "cầu - dừa - đủ - xoài - sung" mà hiểu theo nghĩa của người miền nam sẽ là "cầu vừa đủ xài sung". Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Ảnh: kienthuc.net.vn

Tuy bày biện mâm ngũ quả có khác nhau như thế nào thì nó cũng có chung một ý nghĩa, đó là cầu mong thịnh vượng, bình an, may mắn, phát tài, phát lộc, công việc trong năm mới được suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, con cháu mạnh khoẻ, gia đình luôn ấm no, hạnh phúc.

Tác giả: CTV Vũ Thạch

Tin mới trong ngày