Ai Cập: 28 người bị kết án tử hình vì cái chết của thẩm phán cấp cao
Thusy 07/23/2017 07:30 AM
Ngày 22/7, Đài truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin 28 người liên quan đến cái chết của một thẩm phán cấp cao Ai Cập đã bị kết án tử hình.

Theo đó, Tòa án Hình sự Cairo, Ai Cập đã kết án tử hình 28 người và tuyên phạt tù chung thân 15 đối tượng, 15 năm tù với 8 đối tượng và 10 năm tù với 15 đối tượng khác liên quan đến cái chết của một thẩm phán cấp cao nước này 2 năm trước đây. Hồi tháng 6, Tòa án Cấp cao Ai Cập đã đề nghị mức án tử hình đối với 30 đối tượng bị kết tội sát hại thẩm phán hàng đầu của nước này.

Thẩm phán cấp cao Hisham Barakat. Ảnh: AFP

Các bị cáo bị kết tội âm mưu ám sát và có liên hệ với một tổ chức khủng bố, sở hữu vũ khí và chất nổ, dù các bị cáo vẫn có thể kháng cáo những án phạt này.

Thẩm phán cấp cao Ai Cập Hisham Barakat thiệt mạng trong một vụ đánh bom bằng xe ô tô tại thủ đô Cairo vào tháng 6/2015, sau khi nhóm Ansar Beit al-Maqdis có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kêu gọi tấn công nhằm vào quan chức tư pháp để trả thù việc các tay súng Hồi giáo bị trấn áp.

Nhà chức trách Ai Cập cáo buộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và lực lượng quân sự Hamas ở Dải Gaza (nhóm "Phong trào Kháng chiến Nhân dân Giza") đã tiến hành vụ ám sát này và khoảng 67 bị cáo đã bị buộc tội. Nhóm "Phong trào Kháng chiến Nhân dân Giza" đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công, song cảnh sát sau đó tuyên bố đã bắt giữ những phần tử đầu sỏ là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Đây không phải lần đầu tiên, Tòa án Ai Cập kết án tử hình đối với các thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo.

Trước đó, ngày 17/7 vừa qua, Tòa án Ai Cập cũng đã tuyên án tử hình 8 thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, với cáo buộc tấn công một đồn cảnh sát ở thành phố Damanhour, tỉnh Beheira, Ai Cập hôm 5/4/2015, nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng điện.

Thẩm phán Hisham Barakat trước khi bị sát hại. Ảnh: PressTV

Trước đó, Tòa án trên đã chuyển bản án tử hình nói trên lên Đại Giáo sĩ - quan chức Hồi giáo cao nhất của Ai Cập chịu trách nhiệm phê duyệt về mặt tôn giáo đối với các bản án tử hình ở nước này, và được đồng ý án phạt tử hình đối với 28 trường hợp trên. Ý kiến của Đại Giáo sĩ thường được xem là mang tính thủ tục và không ràng buộc về pháp lý ở nước này.

Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013, nhà chức trách Ai Cập đã gia tăng trấn áp những người ủng hộ nhà lãnh đạo Hồi giáo này. Hơn 1.400 người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố. Ngoài ra, khoảng 16.000 người bị bắt giam, trong đó hàng trăm người bị tuyên án tử hình trong các phiên tòa xét xử hàng loạt.

Tác giả: Thusy

Tin mới trong ngày