Ấn Độ: Thủ đô New Delhi chìm trong khói độc và ô nhiễm không khí sau lễ hội ánh sáng
Sam Sam 10/21/2017 01:30 PM
Bất chấp lệnh cấm bán pháo hoa trong dịp lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu, hàng triệu người Ấn Độ vẫn đốt pháo ăn mừng. Và hậu quả là mức độ ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ lại tăng cao, toàn thành phố chìm trong bầu không khí khói độc hại và tầm nhìn kém.

Theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm không khí thủ đô New Delhi (DPCC), tại nhiều khu vực của thành phố, mức độ ô nhiễm PM2.5 đã lên mức 1.100 microgram/m3, gấp 11 lần so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt, tại những khu vực đông dân cư, chỉ số PM2.5 đã lên đến 1,179 microgram/m3 vào thời điểm nửa đêm khi các đợt đốt pháo lên tới đỉnh điểm. Vì vậy, 20 triệu cư dân của New Delhi đã gặp vấn đề về hô hấp.

Không khí ở New Delhi tràn ngập trong khói bụi sau lễ Diwali. Ảnh: AFP

Điểm sáng duy nhất trong tình hình này là chỉ số chất lượng không khí (AQI) năm nay là 326, tốt hơn so với chỉ số này sau lễ Diwali trong hai năm qua, theo báo cáo của Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB). Ngày Diwali năm ngoái (30/10/2016), chỉ số AQI trung bình của thành phố nằm ở mức "nghiêm trọng" ở mức 426 và năm trước đó (11/11/2015), ở mức "rất nghèo" đạt 327.

Trước đó, Toà án tối cao Ấn Độ đã ban hành lệnh tạm thời cấm bán pháo nổ, nhằm giảm nguy cơ sức khoẻ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đốt pháo hoa khắp thành phố vào cuối đêm, hoặc sử dụng pháo hoa cũ hoặc mua chúng từ các quốc gia lân cận.

Ông Aishwarya Sudhir, nhà nghiên cứu về ô nhiễm không khí cho biết: "Lệnh cấm không hiệu quả. Nhiều người đã bị sốc khi thấy chỉ số AQI trong thời gian diễn ra lễ hội. Một số khu vực của Delhi, chẳng hạn như Mandir Marg, cho thấy một chất lượng không khí là 941, gần tối đa là 999”.

Lệnh cấm bán pháo hoa của Tòa án tối cao tỏ ra không hiệu quả. Ảnh: EPA

Ô nhiễm không khí đã giết chết ít nhất 9 triệu người và gây tốn kém hàng nghìn tỷ USD mỗi năm trên thế giới, theo báo cáo phân tích ô nhiễm toàn cầu vừa được công bố. Trong số đó có 2,5 triệu nạn nhân là tại Ấn Độ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Để ngăn nguy cơ ô nhiễm không khí, các tổ chức giám sát môi trường đã đề nghị chính quyền địa phương ngừng vận hành tất cả các máy phát điện động cơ diesel và nhà máy nhiệt điện. Cơ quan Quản lý ô nhiễm và Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng ra lệnh cho một số lò gạch đóng cửa và dừng việc đốt rác thải.

Tác giả: Sam Sam

Tin mới trong ngày