Anh dự định tham gia TPP sau Brexit
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 01/05/2018 07:30 AM
Anh đang thăm dò việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - tên mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - để thúc đẩy xuất khẩu sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Anh cho biết, nước này đã thành lập khoảng 14 nhóm hành động thương mại trải rộng trên phạm vi 21 quốc gia nhằm tìm phương án tốt nhất để thiết lập quan hệ đầu tư với thế giới.

Tờ Financial Times ngày 3/1 đưa tin Bộ Thương mại quốc tế Anh đề xuất nước này tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay còn được biết đến với cái tên gọi mới là Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên. Tham gia TPP có thể là tiến trình tiết kiệm thời gian thay vì đàm phán các thỏa thuận song phương với các nước thành viên hiệp định.

11 nước thành viên TPP còn lại sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định. Ảnh: Financial Times

Việc Anh tham gia CPTPP có thể truyền sinh khí mới cho CPTPP, một hiệp định từng được ủng hộ mạnh mẽ từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng bị tổn thương nặng nề sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này vào hồi tháng 1/2017.

Nếu động thái gây ngạc nhiên này được bật đèn xanh, Anh sẽ là thành viên đầu tiên của CPTPP không có bờ biển giáp Thái Bình Dương hoặc biển Đông. Quốc vụ khanh phụ trách chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại quốc tế Anh, ông Greg Hands, nói với tờ The Financial Times rằng hiện không có hạn chế địa lý để ngăn nước Anh gia nhập CPTPP.

Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào, nếu có, cũng phải chờ cho đến khi CPTPP có hiệu lực và Anh giải quyết ổn thỏa việc rời khỏi EU, dự kiến vào tháng 3/2019. Hiện tại, Anh chưa được phép thực hiện thỏa thuận thương mại nào nếu chưa chính thức rời khỏi Liên minh. Trong những tháng gần đây, các quan chức Anh đã nêu ra đề xuất gia nhập TPP trong các cuộc gặp với các đồng nghiệp Úc, New Zealand và một số nước thành viên khác của CPTPP.

Ban đầu, Hiệp định CPTPP được xây dựng như là một “nền tảng hội nhập kinh tế khu vực” hơn là một nhóm bao gồm các thành viên ở châu Âu. Một số nước thành viên TPP giờ đây hoan nghênh ý tưởng một thành viên của khối các cường quốc công nghiệp G7 gia nhập.

Ý tưởng này của Chính phủ Thủ tướng Theresa May vấp phải sự chỉ trích từ nhiều nghị sỹ đảng đối lập. Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản đối của một số giới chức Anh, đặc biệt các nghị sỹ Công đảng. Họ cho rằng London đã từ bỏ một thị trường lớn ngay bên cạnh để tham gia một thị trường nhỏ và cách xa hơn. Quan hệ thương mại của Anh với các nước TPP cũng khá mờ nhạt so với các nước khác trong Liên minh Châu Âu hay Mỹ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của 11 thành viên TPP hiện chiếm chưa đầy 8% thị trường xuất khẩu của Anh, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Anh với Đức là 11%. Cũng xuất hiện luồng chỉ trích rằng kế hoạch này cho thấy sự tuyệt vọng và ảo tưởng của chính phủ đồng thời làm tình hình thêm rối ren.

Tác giả: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

Tin mới trong ngày