Bạo lực học đường, mặt trái của nền giáo dục Nhật Bản
Thusy 05/03/2017 10:30 AM
Vấn nạn dai dẳng và khó giải quyết nhất trong nền giáo dục Nhật Bản chính là Ijime - nạn bắt nạt, ức hiếp, cô lập lẫn nhau giữa học sinh trong trường đang ngày càng đáng báo động, khi nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản lựa chọn tự tử do bạo lực học đường

Tự tử là nguyên nhân mang tới cái chết lớn nhất cho người Nhật trong độ tuổi từ 10 đến 19 (là những nạn nhân của Ijime), và bạo lực học đường từ lâu đã trở thành một vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. Đặc biệt, ngày đầu tiên của năm học mới là ngày nhiều học sinh chọn là ngày tự tử nhất, khi không thể chịu đựng được việc quay lại trường học.

Bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự tử nhiều nhất ở Nhật Bản. Ảnh minh hoạ: Kenh14.vn

Xâm phạm, bạo hành thể xác lẫn tinh thần dẫn tới việc mất hết niềm tin và tuyệt vọng vào cuộc sống và đôi khi là cả tính mạng của những nạn nhân. Bạo lực học đường cũng là một nguyên nhân dẫn tới những góc tối trong tâm hồn, để lại những vết thương lẫn những méo mó về tinh thần có thể theo nạn nhân tới hết cuộc đời. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khi nạn nhân chỉ mới 13, 14 tuổi, do không chịu nổi tình trạng bị bắt nạt cả về thể chất và tinh thần, các em đã quyết định quyên sinh như một cách giải thoát khỏi cuộc sống bế tắc của mình.

Trong năm 2016, theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, đã có hơn 224.540 trường hợp bắt nạt học đường được ghi nhận, tăng tới 19% so với năm 2015, cao nhất kể từ khi Nhật Bản chính thức ghi nhận vấn đề năm 1986. Trong đó, có 21.897 ca tự tử và có tới 320 người tự tử dưới tuổi 18.

Theo Hiệp hội hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Nhật Bản xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia tự tử nhiều nhất thế giới, sau Lithuania, Hàn Quốc và Hungary. Tuy số các ca tự tử đã giảm trong những năm gần đây, so với con số đạt đỉnh vào năm 2003 với 34.427 ca tự tử, nhưng tình trạng tự tử của những người trẻ lại có xu hướng gia tăng. Số ca tự tử của những người trẻ dưới 18 tuổi liên tục dao dộng nhưng luôn trên ngưỡng 300 trong những năm qua. 

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, có 4 vụ tự tử của người trẻ đang được điều tra do nghi vấn liên quan tới tình trạng bạo lực học đường. Dù Nhật Bản đã ra điều luật chống lại tình trạng bắt nạt học đường vào năm 2013 nhưng những sự vụ như này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. 

Tình trạng học sinh bị bắt nạt và tự tử bắt đầu được dư luận Nhật Bản chú ý từ năm 1986, khi một nam sinh 13 tuổi treo cổ trong một nhà vệ sinh của một trung tâm thương mại. Nguyên nhân dẫn tới cái kết đau thương của em là do bị bạn bè cùng trường bắt nạt trong nhiều tháng.

Mới đây nhất, Rima Kasai, một nữ sinh 13 tuổi khác cũng đã tự tử bằng cách nhảy ra trước đoàn tàu đang chạy tại ga Kitatokiwa, thành phố Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Em quyết định tìm đến cái chết vào ngày thứ 2 của học kỳ mới trong năm lớp 8 của mình, sau hơn một năm bị bạn cùng lớp bắt nạt.  

Go Kasai, cha của cô bé Rima Kasai, người đã tự tử vì bị bạn bè cùng lớp bắt nạt. Ảnh: Japan Today

Cha cô bé, ông Go Kasai cho biết, bạn học trêu chọc Rima bằng đủ thứ trò, chúng chê cô bé xấu, gọi cô bé bằng những cái tên như "thú nuôi", và kêu cô bé nên đi chết đi. Khi Rima về nhà, trò bắt nạt vẫn không kết thúc khi em liên lục nhận những tin nhắn lăng mạ, hay đôi khi là cả một nhóm trò chuyện cũng tập trung vào em.

Không rõ tại sao Rima trở thành nạn nhân nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, gốc rễ của vấn đề xã hội này, bắt nguồn từ tâm lý đám đông. Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, nạn bắt nạt học đường tại các quốc gia khác thường do mâu thuẫn của 2, 3 học sinh với 1 học sinh còn lại, nhưng tại Nhật, hầu hết các trường hợp đều bắt nạt theo một hiện tượng nhóm. Hay nói cách khác, ở Nhật Bản, bắt nạn học đường là việc phần lớn lớp học cô lập với nạn nhân, gây ra những chấn thương dai dẳng về tâm lý (và đôi khi thể chất) trên một nạn nhân. Vì vậy, vấn đề bạo lực học đường thường nghiêm trọng hơn tại Nhật Bản, khi xảy ra hiện tượng bắt nạt trong một lớp, trẻ em có xu hướng lờ đi bởi nếu can thiệp, rất có thể chúng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Do nét văn hóa truyền thống mang tính thủ cựu, đề cao tính nhất quán, những cái tôi khác biệt thường bị đem ra chế giễu và trở thành đối tượng bị bắt nạt. Những cá nhân khác biệt hay nổi bật trong 1 lớp học, một đứa trẻ vượt trội hơn hay một đứa trẻ học đuối hơn, những trẻ khác biệt theo kiểu quá xinh đẹp, quá xấu, ục ịch béo ú, những trẻ thích yên tĩnh và không có nhu cầu giao du kết bạn, trẻ nước ngoài… dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt. Và em Rima Kasai là một trường hợp như thế khi em là một cô bé sớm tham gia các hoạt động ca hát tại trường. Sự phản ứng chậm trễ, thờ ơ của giáo viên cũng là một phần khiến các nạn nhân trở nên bi quan và chọn giải pháp đau lòng.

Nhiều bộ phim Nhật Bản đã phản ánh vấn nạn nhức nhối bạo lực học đường ở nước này. Ảnh minh hoạ: Phim Life

Năm 2011, dư luận ở Nhật Bản đã tỏ ra hết sức phẫn nộ về những chi tiết của vụ bạo lực học đường, cũng như thái độ bất hợp tác của nhà trường và nhà chức trách thành phố trong vụ một bé trai 13 tuổi tại tỉnh Shiga, đã gieo mình từ tầng 14 để tự tử vì không chịu nổi sự bắt nạt của 3 bạn học cùng lớp, trước sự làm ngơ của giáo viên chủ nhiệm. Báo chí khi đó đưa tin rằng, trước đó, không ngày nào em không nghĩ tới chuyện tự sát do bị bạn ép buộc vào trò chơi "giả tự sát" cũng như em bị các bạn đánh đập, bắt ăn xác ong chết, cưỡng ép ăn trộm đồ ở siêu thị… Thậm chí, khi chính quyền thành phố Otsu tỏ rõ quyết tâm giải quyết vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của bố mẹ em khi cho rằng nguyên nhân tự sát là em quá uất ức khi bị các học sinh cùng trường bắt nạt, chính quyền thành phố còn nhận được những lời đe dọa đánh bom từ những đối tượng quá khích.

Năm 2015, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng bắt nạt học đường ở nước này.

Hiện các trường học đang từng bước giải quyết vấn đề này khi khuyến khích học sinh thành lập các "nhóm bảo vệ" để đứng về phía những người bị bắt nạt. Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng luôn nỗ lực mở rộng khái niệm "bắt nạt" trong luật pháp, bao gồm cả vấn đề đe dọa trực tuyến để không có thêm bất cứ nạn nhân nào rơi vào lỗ hổng, nhưng đất nước này cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những nạn nhân dễ bị tổn thương.

Tác giả: Thusy

Tin mới trong ngày