Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất nâng tuổi hưu
Value 04/24/2018 08:00 AM
Vừa qua, Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa có phiên họp sơ bộ đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7. Theo đó, đề án đề xuất nhiều phương án nâng tuổi nghỉ hưu của công dân Việt Nam. Một trong số đó là nâng tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ là 60.

Nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã có phát biểu trong phiên họp: "Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đề xuất lộ trình thực hiện để không gây sốc đối với người lao động".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hội nghị trung ương 7 sẽ quyết định các nội dung cải cách lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu có 2 phương án:

Phương án một, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng.

Phương án hai, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết quan điểm của Chính phủ trình Trung ương hiện đang nghiêng về phương án một.

Số vào bằng số ra

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay bằng với số người đã nghỉ hưu để hưởng BHXH một lần, tức số vào bằng số ra.

Theo ông Dung, chính sách BHXH ở Việt Nam rất thoáng, người đóng BHXH trong thời gian ngắn, nhưng được hưởng trong thời gian dài, phần phúc lợi xã hội còn lại do nhà nước hỗ trợ.

Trong đề án trình Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách BHXH "phù hợp với thông lệ quốc tế, công bằng, nếu người đóng BHXH rút ra sớm thì chỉ được nhận phần do mình đóng".

Như vậy, người đóng BHXH có thể hưởng quyền lợi khi thời gian đóng thấp hơn mức quy định hiện tại và số tiền được hưởng cũng phụ thuộc vào số thời gian mà người tham gia BHXH đã đóng.

"Chúng tôi thiết kế ba tầng, tầng thứ nhất là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo đúng chính sách hưởng BHXH cho người dân. Ảnh minh họa: VOV

BHXH là bắt buộc, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Có khoảng 230.000 doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động. Trong khi đó, cả nước có tới hơn 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức còn khoảng 370.000 doanh nghiệp "chưa bị bắt buộc" tham gia BHXH bắt buộc.

Một trong những bất cập lớn hiện nay là vẫn có 66% số lao động nằm trong khu vực phi chính thức, vận động họ tham gia BHXH tự nguyện còn rất khó, nếu không giải được bài toán này thì rất khó đạt mục tiêu trên 50% người lao động tham gia BHXH.

Tác giả: Value

Tin mới trong ngày