Bộ ngoại giao Mỹ với nỗi lo Tổng thống Trump định cắt 30% ngân sách
Trang Lu 03/03/2017 01:00 PM
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và một số cơ quan chính phủ để tăng nguồn lực cho quân đội Mỹ đã khiến giới chức ngoại giao nước này quan ngại trong việc duy trì hiệu quả hoạt động cũng như an toàn cho bộ máy ngoại giao nước này.

Để tăng mạnh ngân sách dành cho các chương trình quốc phòng ở mức lịch sử khoảng 9%, tương đương 54 tỷ USD như dự định, Tổng thống Donald Trump phải có kế hoạch bù đắp lại khoản tăng vượt trội này bằng cắt giảm mạnh ở những cơ quan khác.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại một cuộc họp. Ảnh: The New York Times

Để bù đắp cho ngân sách quốc phòng tăng mạnh sau nhiều năm bị cắt giảm dưới chính quyền Obama, chính quyền Trump có kế hoạch trích 30% ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ và ngân sách của một số cơ quan khác như Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để tăng ngân sách quốc phòng lên 603 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Ngoại trưởng Rex Tillerson còn cho biết mới đây ông Trump đã đề nghị tăng mức trích giảm lên 37% trong ngân sách 50 tỷ USD của bộ này và các chương trình viện trợ nước ngoài nằm trong chương trình cắt giảm để bù đắp cho sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng. Hàng năm, Mỹ dành khoảng 50 tỉ USD cho viện trợ nước ngoài, mặc dù viên trợ nước ngoài chỉ chiếm ít hơn 1% chi tiêu liên bang của Mỹ.

Tuy nhiên, điều này đang khiến các nhà ngoại giao Mỹ lo ngại về việc hoạt động của bộ này trong thời gian tới và sự an toàn của nhân viên ngoại giao tại nước ngoài khi việc cắt giảm ngân sách chi tiêu cũng đồng nghĩa với việc Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ phải tính đến các biện pháp tái cơ cấu và giảm chương trình hoạt động. 

Chủ trương này của ông Trump đặt những bộ trưởng như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vào thế khó xử đe dọa dẫn đến việc tái cơ cấu bộ này và xóa bỏ một số chương trình của bộ này. Chính ông Mattis từng nói trước các nghị sĩ rằng: "Nếu Bộ Ngoại giao không được cấp ngân sách hợp lý thì tôi sẽ cần phải mua thêm đạn dược".

Ngay khi thông tin được đưa ra, không chỉ trong giới chức đương nhiệm và cả các quan chức về hưu cũng lên tiếng về chương trình này khi khoảng 120 tướng và đô đốc về hưu, trong đó có cựu Giám đốc CIA David Petraeus - đã cùng ký vào một bức thư yêu cầu Tổng thống Trump và những lãnh đạo đảng Cộng hoà và Dân chủ tại quốc hội, thúc giục họ không cắt ngân sách cho cơ quan ngoại giao và các chương trình viện trợ.

Cùng quan điểm trên, hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Marco Rubio cho biết sẽ phản đối mức cắt giảm mạnh này vì sự an toàn của các nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài có thể bị đe dọa sau khi kinh phí hoạt động bị rút gọn; trong khi Thượng nghị sĩ Rubio còn lên tiếng bảo vệ vai trò cốt lõi của USAID đối với an ninh quốc gia. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay tổng tham mưu trưởng lục quân Mark Milley. Ảnh: Wikipedia

Một dấu hiệu khác cho thấy Tổng thống Donald Trump chú trọng vào quân sự nhiều hơn dân sự đó là việc bổ nhiệm 3 vị tướng vào các chức vụ chủ chốt nhất trong chính quyền của mình: Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, cố vấn An ninh Quốc gia McMaster và John Kelly, bộ trưởng An ninh Nội địa.

Tác giả: Trang Lu

Tin mới trong ngày