Bước sang năm thứ 7 nội chiến, người dân Syria vẫn chưa biết đi đâu, về đâu
Lu-Thusy 05/22/2017 10:30 AM
Bước sang năm thứ 7 nội chiến, Liên hiệp quốc nhận định cuộc chiến tranh Syria là cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ II. Đến ngày 20/3/2017, cuộc nội chiến diễn ra tròn 6 năm. Chỉ trong vòng 6 năm chiến sự ác liệt, hơn 300 nghìn người thiệt mạng, 5 triệu người mất nhà cửa, gây thiệt hại lên tới 300 tỉ USD, và đưa nơi đây trở thành chiến trường ác liệt nhất Trung Đông.

Mặc dù các giới chức và truyền thông báo chí phương Tây vẫn coi cuộc chiến tại Syria là “nội chiến” nhưng theo nhận định của nhiều giới, đây là "quân bài" mà phương Tây sử dụng cho cuộc chiến tranh xâm lược nước này. Đó là cuộc chiến tranh mà một liên minh quân sự hình thành thực hiện can thiệp, hỗ trợ, chi viện cho lực lượng đối lập tại Syria, tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền đương nhiệm nhằm dựng lên chính quyền mới. Nó tương tự như cuộc chiến Libya mà Mỹ và đồng minh kêu gọi lật đổ chính quyền "độc tài" Gaddafi.

Một vụ không kích ở Syria. Ảnh: Getty

Với sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài, cả về mặt chính trị, quân sự, cuộc "nội chiến" Syria không chỉ của những người Syria với nhau, mà trở thành sân chơi của các nước đối lập. Sự kiện Washington ra lệnh tấn công, bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria vào tháng 4/2017, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad tấn công bằng vũ khí hóa học một thị trấn bị phe nổi dậy chiếm tại tỉnh Idlib cho thấy phần nào bản chất cuộc nội chiến. Mặc dù Tổng thống Assad gọi cáo buộc của Mỹ là “bịa đặt 100%” và chính Mỹ cũng không cung cấp được bằng chứng nào về tuyên bố trên, tuy nhiên, không một cuộc điều tra nào của Liên hiệp quốc được diễn ra, ngoại trừ các quốc gia đồng minh của Syria, trong đó có Nga lên tiếng phản đối gay gắt.

Một vấn đề đáng bàn nữa là Nga, nước bảo trợ cho Chính phủ Syria, mặc dù được chính quyền Mỹ thông báo trước về vụ tấn công, nhưng không có hành động nào đáp trả với lý do kỹ thuật của Nga chưa đạt trình độ đánh chặn tên lửa Tomahawk. Điều này cũng làm dấy lên những nhận định phải chăng Nga còn toan tính gì đằng sau vụ bắn tên lửa vào Syria của Mỹ?

Quang cảnh hoang tàn tại Syria. Ảnh: Theatlantic

Điều nực cười hơn nữa nằm ở chỗ, sự việc diễn ra tại Syria, nhằm vào dân thường vô tội Syria, nhưng Mỹ lại điện đàm với Nga 1 tháng sau đó, đi đến kết quả “Nga - Mỹ nhất trí không lặp lại vụ bắn tên lửa vào Syria”, dù cả Syria, Nga, Iran lên án vụ tấn công. Hai nhà lãnh đạo hai nước "thứ ba" đã đồng ý rằng "tất cả các bên liên quan cần phải làm tất cả những gì có thể để chấm dứt bạo lực ở Syria" chứ không hề có sự có mặt của bất cứ tổ chức chính trị Syria nào.

Hay trong vụ không kích ngày 27/4 của quân đội Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah tại sân bay Damascus, lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria, được cho là sử dụng căn cứ ở đây để chống phá nhà nước Do Thái, thì cả Syria lẫn người bảo trợ Nga đều không có bất cứ động thái nào.

Phải chăng Chủ quyền Syria đã không được các nước tôn trọng hay do chính Chính phủ Damass buông lơi hoặc không đủ sức bảo vệ Chủ quyền nước nhà.

Các binh sĩ Quân đội Syria tự do (FSA) đang chiến đấu chống lại phiến quân khủng bố IS. Ảnh: Theatlantic

Ngày 4/5/2017, lại một lần nữa, vùng an toàn Syria được các bên cam kết, thiết lập. Và thoả thuận này cũng mong manh như những lệnh ngừng bắn trước đó, dù ở quy mô nhỏ hay là lệnh ngừng bắn toàn quốc được tuyên bố trước thềm năm mới 2017. Ngày 18/5, liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công quân đội Syria ở vùng al-Tanf trong khu vực giảm thiểu leo thang, thuộc phạm vi vùng an toàn được thiết lập xung quanh al-Tanf. Cũng trong ngày 18/5, đụng độ quân sự giữa hai chính phủ tại Syria diễn ra làm 141 người thiệt mạng.

Súng vẫn nổ và các cuộc không kích vẫn diễn ra cả ở miền đông lẫn miền tây, cả trên mặt trận phía nam và phía bắc Syria. Súng vẫn vang mặc cho các cam kết của các nước lớn, mặc cho lời kêu gọi ngừng bắn của hai người đứng đầu hai chính phủ. Đối đầu quân sự vẫn diễn ra, bỏ mặc tâm nguyện của những người tỵ nạn Syria trong hơn 6 năm lưu lạc. Giờ đây, họ không còn quyền tự quyết, họ không thể về nhà, họ không thể được hoà bình trên chính quê hương mình. Cũng như Aleppo - thành cổ xa xưa và niềm tự hào một thời, Syria xinh đẹp ngày nào giờ đây chỉ còn là đống đổ nát mắc kẹt giữa bom đạn chiến tranh.

Theo ước tính, một nửa dân số Syria đang mắc kẹt trong những làn đạn, số phận người dân Syria chưa biết ra sao khi quê hương Syria trở thành bàn cờ các bên cân não những mưu toan chính trị. Theo Liên hợp quốc, Syria làm thảm hoạ tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ hai, nhưng bản thân người viết không hẳn là đồng tình với điều đó. Vẫn còn một Lybia thành "đất sống" cho khủng bố, thành thị trường nô lệ vào thế kỷ 21 mà cả phương Tây lẫn các nước trong khu vực đã chính thức làm ngơ. Nỗi đau của hai dân tộc đều đến tận cùng, và điểm chung của những cuộc chiến này, dù là "nội chiến" hay "xoá độc tài, xây dân chủ" đều có sự góp sức của các nước thứ ba.

Trận chiến bên ngoài Douma, một khu ngoại ô của Damascus đang nằm trong sự kiểm soát của phiến quân IS. Ảnh: Theatlantic

Có những đứa trẻ Syria từ khi sinh ra chẳng biết cái gì khác ngoài chiến tranh và chạy tỵ nạn. Thế giới từng bàng hoàng xót xa trước hình ảnh đứa trẻ Omran vô tội dửng dưng trước bom đạn, dù máu chảy hoà với bụi đất phủ khắp mặt em nhưng không hề có một giọt nước mắt. Em là hình ảnh tiêu biểu cho những đứa trẻ lớn lên giữa những làn bom đạn, và chai sạn trước mất mát và đớn đau rồi. Không chỉ riêng các em bé, mà người lớn cũng không còn chạnh lòng trước cảnh ấy. Bởi ở đâu đó thì nó thật sự đáng thương, còn tại đất nước này, những ca tử vong và thương tật do bom và súng xảy ra liên tục, người chết, người bị thương được đưa tới mỗi ngày như một phần của cuộc sống thì người ta cũng đành bàng quan trước nó. Với họ, còn sống là còn may mắn, chứ nạn nhân của bom đạn đâu của riêng gia đình nào. Bom cứ nổ và người bị thương được đưa tới bệnh viện rất nhiều và còn người thân của họ cũng không biết đang ở nơi đâu. Bác sĩ và y tá còn mải miết theo những nạn nhân được đưa tới, nên em Orman cũng chỉ là một nạn nhân thông thường mà thôi.

Hình ảnh em bé Omran không rơi một giọt nước mắt dù được đội cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát: Ảnh: CNN

Ngay cả trong quá trình sơ tán người dân vô tội đã được các bên thoả thuận và dưới sự giám sát của các phái đoàn quốc tế, bom vẫn nổ, và đoàn người vẫn có thương vong, cho thấy sự hi vọng trong vô vọng về một tương lai hoà bình ở nơi đây.

Ở đất nước mà Omran không phải chỉ có 1 mà là hàng nghìn đứa trẻ bị thương và giết chết như vậy hàng ngày, thì việc khóc thương cho số phận các em hay khóc thương cho mảnh đất này đều là vô nghĩa nếu bom đạn chưa ngừng.

Điểm lại một số dấu mốc chính trong hơn 6 năm cuộc chiến Syria biến chiến trường Syria từ cuộc nội chiến thành cuộc chiến tranh giữa nhiều lực lượng, nhiều quốc gia, nhiều phe phái.

Ngày 18/3/2011: Giữa làn sóng mùa Xuân Arab lật đổ chính quyền nhiều nước Trung Đông, lực lượng đối lập chờ thời cơ làn sóng này tràn đến thành phố Damass, miền nam Syria, tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập niên đòi lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad. Đây chính là sự kiện châm ngòi cho hàng loạt biến động ở Syria trong hơn 6 năm qua.

Tháng 4/2011: Biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động, tình hình Syria vượt khỏi tầm kiểm soát dù Tổng thống Syria Al Assad đã có bước nhượng bộ người biểu tình bằng cách đồng ý rút lại lệnh tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt trên toàn quốc từ năm 1962. 

Tháng 10/2011: Từ Thổ Nhĩ Kỳ - một nước phản đối Tổng thống Assad, và được trợ giúp của các nước ủng hộ, phe đối lập Syria đã thành lập một mặt trận thống nhất mang tên Hội đồng quốc gia Syria.

Tháng 7/2012: Lực lượng nổi dậy tấn công Damass.

Tháng 4/2013: Lực lượng Hezbollah từ Liban (Ly băng) tham gia vào cuộc xung đột nhằm ủng hộ lực lượng Chính phủ. Điều này khiến cho Israel cũng tham gia vào cuộc chiến.

Năm 2014: Lợi dụng tình hình hỗn loạn và khoảng trống quyền lực, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS từ Iraq nhanh chóng tràn sang Syria, tấn công và chiếm giữ nhiều thành phố, làng mạc, biến Syria thành lò lửa chiến tranh.

Tháng 9/2014: Mỹ, Anh và một số nước vùng vịnh thành lập “Liên minh chống IS” và bắt đầu chiến dịch không kích IS tại Syria và ủng hộ lực lượng nổi dậy.

Tháng 9/2015: Nga bắt đầu tham gia không kích tại Syria.

Tháng 8/2016: Một năm sau chiến dịch không kích Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “chống khủng bố” trong lãnh thổ Syria. Điều này khiến lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng không đứng ngoài cuộc. 

Tháng 4/2017: Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria với lý do cáo buộc Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công hoá học ngày 4/4 trước đó khiến 200 người thiệt mạng.

Xem thêm:

Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng ủng hộ lật đổ đại tá Gaddafi?

Tác giả: Lu-Thusy

Tin mới trong ngày