Căng thẳng bán đảo Triều Tiên: Nguy cơ chạy đua vũ trang, bùng phát chiến tranh lạnh
Vũ Thu Hương/Theo Người đưa tin 09/23/2017 10:30 AM
Sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang đẩy các quốc gia ở châu Á rơi vào những mâu thuẫn âm ỉ. Theo các chuyên gia, điều này có nguy cơ bùng phát chiến tranh lạnh trong khu vực.

Những mối quan hệ bị tổn thương

Sau gần 7 thập kỷ kể từ khi chiến tranh liên Triều nổ ra, thế giới lại một lần nữa đứng trước bờ vực của những mâu thuẫn, căng thẳng khó hoà giải tại khu vực này với 2 nhân vật chính là Washington và Bình Nhưỡng.

Nhiều lần Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ tấn công phủ đầu Bắc Hàn và áp dụng nhiều cách thức để răn đe quốc gia bí ẩn, nhưng đáp lại là những lần thử tên lửa liên tiếp và thử hạt nhân lần thứ 6 chấn động thế giới.

Tình trạng này đẩy các nước trong khu vực châu Á rơi vào “mớ bòng bong” của những mâu thuẫn. Một trong những nước chịu tác động lớn nhất là Nhật Bản.

Bắc Hàn liên tiếp thử tên lửa thách thức Mỹ. Ảnh: AP

Trước tình trạng gia tăng hạt nhân của Bình Nhưỡng, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe buộc phải nghĩ tới những giải pháp quân sự để tự bảo vệ mình.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng đã đẩy Trung Quốc vào thế khó. Bắc Kinh nhiều lần lên án Bình Nhưỡng về những hành động khiêu khích và đã đồng ý thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bắc Hàn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề mong muốn chiến tranh nổ ra, hay việc lật đổ chế độ ở Bắc Hàn. Bởi nếu chiến tranh nổ ra, hàng loạt người dân từ quốc gia bí ẩn được cho là sẽ tràn sang nước này.

Mặt khác, nếu bán đảo Triều Tiên hợp nhất, quốc gia này sẽ chịu ảnh hưởng từ Mỹ. Đây là điều Bắc Kinh không hề muốn.

Ngược lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc ủng hộ Bắc Hàn thông qua các viện trợ kinh tế.

Kịch bản chiến tranh lạnh diễn ra nhiều năm về trước nay có thể lặp lại tại châu Á với 2 chiến tuyến là 2 siêu cường thế giới, Trung Quốc và Mỹ ở 2 đầu chiến tuyến.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Hàn phần nào bị tổn hại. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Nam Hàn.

Lý do Trung Quốc không đồng tình với việc này là bởi lo ngại hệ thống này có thể tạo ra mối nguy hại cho Bắc Kinh.

Để trừng phạt, Trung Quốc đã đưa các công ty Nam Hàn ra khỏi chuỗi cung ứng và thị trường của nước này, cũng như ban hành lệnh cấm 8 triệu du khách tới du lịch Nam Hàn mỗi năm.

Dù là đồng minh của Mỹ, song chính quyền của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng có nhiều bất đồng với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Phía Nam Hàn cho rằng, Mỹ đang thêm dầu vào lửa trong bối cảnh căng thẳng quân sự có thể dễ dàng bùng phát bất cứ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi giữa tháng Tám, ông Moon đã từng tuyên bố: “Mọi hành vi quân sự trên bán đảo Triều Tiên cần có sự đồng ý của Nam Hàn và không bên nào có thể tự quyết được điều đó, mà không có sự cho phép của Nam Hàn”.

Phía Nam Hàn luôn đề cao sự hỗ trợ về mặt ngoại giao của Trung Quốc với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến năm 2020.

Chính quyền Tổng thống Moon sẵn sàng cung cấp ưu đãi về thương mại và đầu tư để đổi lấy một người láng giềng ít thù địch và thất thường hơn trên bán đảo Triều Tiên.

Những bước đi phòng thủ và răn đe

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng nếu Bắc Hàn làm chủ được công nghệ tên lửa hạt nhân, châu Á có nguy cơ rơi vào một cuộc đua vũ trang chưa từng có từ thời chiến tranh lạnh.

Trong bối cảnh phải đối mặt với khả năng Bắc Hàn sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân, giới lãnh đạo Nhật Bản bắt đầu hoài nghi về hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật, cũng như lời khẳng định của Mỹ về việc bảo vệ an ninh “100%” cho đồng minh.

"Khi Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân, hiệp ước an ninh dù mạnh đến đâu cũng có thể không còn đủ sức đảm bảo an toàn cho Nhật Bản", một quan chức an ninh trong chính phủ Nhật Bản nhận định.

"Dư luận Nam Hàn ngày càng ủng hộ việc sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Bắc Hàn, trong khi Nhật Bản đang cân nhắc triển khai lá chắn tên lửa Aegis trên đất liền. Việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt trong quan hệ với Nga và Trung Quốc", ông Masao Okonogi, chuyên gia về Bắc Hàn thuộc đại học Quốc tế Tokyo, nhận định.

Mỹ - Trung đã có những đối đầu đầu tiên liên quan tới vấn đề Bắc Hàn. Ảnh: Getty

Cả Nhật Bản và Nam Hàn đều đang tăng cường năng lực phòng thủ của mình trước mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.

Nhật Bản muốn mua hệ thống Aegis mặt đất (Aegis Ashore) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 cải tiến.

Ngoài ra, nước này cũng đang cân nhắc xây dựng khả năng đánh phủ đầu các căn cứ chứa bệ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó Nam Hàn cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng. Dự kiến Nam Hàn sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 38 tỷ USD trong năm 2018, cao hơn 3 tỷ USD so với năm nay.

Giới chuyên gia phân tích, biện pháp hiệu quả duy nhất tại bán đảo Triều Tiên là đối thoại trực tiếp.

Điều này đã từng giúp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên một thời gian dài từ năm 1994 đến 2002.

Trong khi đó, những biện pháp khác hoặc là thất bại hoặc chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng căng thẳng gia tăng giữa các bên liên quan cùng Mỹ sẽ có thể châm ngòi cho sự bùng phát cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á.

Tác giả: Vũ Thu Hương/Theo Người đưa tin

Tin mới trong ngày