Các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar
Sam Sam 06/06/2017 10:30 AM
Sáng ngày 5/6, các quốc gia vùng Vịnh đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới với Qatar với lý do nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Saudi Arabia thông báo dừng mọi liên lạc trên biển và đất liền với Qatar, kêu gọi "các quốc gia anh em làm tương tự để bảo vệ an ninh quốc gia khỏi nguy hiểm từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan".

Bahrain cũng thông báo chấm dứt quan hệ với Qatar vì cho rằng Doha gây ảnh hưởng tới "an ninh và ổn định của Manama, can thiệp vào vấn đề nội bộ vương quốc này", yêu cầu công dân Qatar ở Bahrain có 14 ngày để rời đi.

Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cáo buộc Qatar tài trợ các tổ chức khủng bố, cực đoan, tuyên bố cắt quan hệ với Doha. Trong khi Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo đóng cửa không phận và các cảng biển đối với mọi phương tiện vận tải Qatar còn UAE cắt quan hệ và cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để rời đi.

Thủ đô Doha của Qatar nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters

Sau đó vài giờ, các nước Yemen, Lybia cũng lần lượt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với quốc gia này. Yemen cáo buộc Qatar bắt tay với phiến quân Houthi có quan hệ với Iran. Giải thích cho quyết định của mình, Ngoại trưởng Libya Mohammed Dairi nói: "Qatar là nguồn cung cấp vũ khí chính cho phân hội Libya của nhóm Anh em Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo vũ trang khác từ năm 2012, và là mối đe dọa cho an ninh Arab nói chung”. Cộng hòa Maldives đã trở thành quốc gia thứ 7 tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong ngày 5/6.

Qatar từ lâu đã bị cáo buộc là quốc gia tài trợ khủng bố, vì ủng hộ những nhóm nổi dậy đối phó chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bộ Tài chính Mỹ đã ra lệnh trừng phạt nhiều cá nhân Qatar do "tài trợ các hoạt động khủng bố".

Nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn giữa các quốc gia vùng Vịnh cùng Qatar được cho là do Iran, cũng như mâu thuẫn giữa dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Hãng thông tấn nhà nước Qatar từng đưa tin về phát biểu của lãnh đạo nước này, quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani với những bình luận ủng hộ Iran và chỉ trích chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Tehran. Các nước vùng Vịnh đã mâu thuẫn với nhau từ lâu về vai trò của Iran trong các tranh chấp khu vực như chiến sự ở Syria và Yemen. Họ thường xuyên chỉ trích Tehran là "can thiệp vào sự vụ của các nước". 

Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar. Ảnh: Reuters

Và giọt nước làm tràn ly là vụ tin tặc tiết lộ hàng loạt email của Yousef al-Otaiba - đại sứ UAE tại Mỹ. Những email này cho thấy ông Otaiba đã bí mật cùng với một tổ chức do UAE tài trợ, tham gia chiến dịch hủy hoại hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Qatar trong khu vực. Trong khi đó, tờ Al-Arabiya - thuộc Saudi Arabia - lại đăng một số ý kiến cho rằng, đây là động thái có chủ đích từ phía Qatar nhằm gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Chính phủ Qatar cho biết họ lấy làm tiếc về "quyết định được phối hợp" giữa Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain. "Các biện pháp (của 4 nước) là phi lý và dựa trên những khẳng định, cáo buộc không có căn cứ. Mục đích của họ đã rõ, đó là muốn đặt Doha vào vòng bảo hộ chính trị. Như vậy là vi phạm chủ quyền Qatar" – trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Qatar. Nước này khẳng định việc bị các nước cắt quan hệ ngoại giao sẽ không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt bình thường của công dân và cư dân Qatar.

Qatar là quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và có liên kết hàng không, ngân hàng với các quốc gia có quan hệ ngoại giao. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways có ga đầu cuối ở tất cả các nước và có liên kết rộng đến châu Âu, châu Á và Mỹ. Sự căng thẳng giữa những nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới đã ảnh hưởng tới thị trường của hai loại sản phẩm này. Vài giờ sau khi nhóm 4 nước đầu tiên tuyên bố cắt quan hệ với Qatar, giá dầu thế giới đã tăng 50 cent/thùng.

Việc hàng loạt các nước tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cùng với việc dừng hoạt động đường không, đường thủy với nước này khiến nhiều hãng hàng không trong khu vực vùng Vịnh phải dừng các chuyến bay tới Qatar kể từ ngày 6/6. Không chỉ hoạt động hàng không bị ngưng trệ mà các hoạt động ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Theo Reuters, chỉ vài giờ sau tuyên bố chấm dứt ngoại giao với Qatar, 4 ngân hàng có trụ sở tại Cairo, Ai Cập đã dừng giao dịch với các ngân hàng Qatar. Tỷ phú người Ai Cập Naguib Sawiris cũng kêu gọi các doanh nhân Ai Cập rút vốn đầu tư của họ ở Qatar và ngừng giao dịch với quốc gia vùng Vịnh này.

Nhiều hãng hàng không trong khu vực đã cắt các chuyến bay tới Qatar. Ảnh: AFP

Trước tình hình căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh duy trì quan hệ đoàn kết, kêu gọi các bên đàm phán và giải quyết vướng mắc. Mặc dù mâu thuẫn trong khu vực đang lên cao, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng “vụ việc sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nỗ lực chung chống lại khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới”.

Tác giả: Sam Sam

Tin mới trong ngày