Cập nhật vụ việc bác sĩ gốc Việt bị kéo lê khỏi máy bay: Gia đình bác sĩ Đào có thể khởi kiện hãng United Airlines
Lu 04/13/2017 12:29 PM
Sau sự kiện kéo lê hành khách trên chuyến bay, United Airlines bị hàng loạt khách hàng tẩy chay vì cách hành xử thô bạo của nhân viên với hành khách. Trên sàn chứng khoán, hãng United Airlines mất hơn 1tỷ USD, còn trên trang web của hãng Change.org, hơn 40.000 người phẫn nộ ký tên vào lá thư trực tuyến yêu cầu CEO của hãng United Airlines từ chức. Luật sư của ông David Đào cho biết gia đình bác sĩ Đào cũng đã khởi kiện United Airlines, trong khi thân chủ của ông đang nằm viện và hoàn tất thủ tục nhanh nhất có thể.

Gia đình bác sĩ Đào cảm ơn cộng đồng 

Gia đình bác sĩ David Đào đã thuê 2 luật sư, đều là những chuyên gia pháp lý có tiếng và nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, một người chuyên về các vụ án gây thương tích, một người chuyên về các vấn đề trong điều hành doanh nghiệp, để bảo vệ quyền lợi cho bác sĩ Đào trong vụ việc, dù ưu tiên trước mắt của gia đình vẫn là chăm sóc sức khỏe cho vị bác sĩ 69 tuổi.

Bác Sĩ David Ðào, trong chương trình văn nghệ “45 Năm Bách Việt” ở Quận Cam, California. Ảnh: Minh Phú

Bác sĩ David Ðào, tức Ðào Duy Anh, người bị kéo lê khỏi chuyến bay United Airlines 3411, hôm thứ tư (12/4) đã nói với đài truyền hình WKKY TV rằng ông vẫn còn đang điều trị tại bệnh viện ở Chicago, chưa được khỏe “với thương tích khắp người”.

Qua luật sư, gia đình bác sĩ Đào muốn bày tỏ sự cảm ơn tới mọi người trên toàn thế giới vì “tràn ngập lời cầu nguyện, sự quan tâm và hỗ trợ” mà họ đã dành cho ông sau khi những hình ảnh ông bị kéo lê như tội phạm trong tình trạng mặt đầy máu, khỏi máy bay, được lan truyền trên mạng xã hội. Hai luật sư cho biết cho tới khi thân chủ của họ ra khỏi bệnh viện, gia đình xin được giữ sự riêng tư và sẽ không có bất cứ lời tuyên bố gì với truyền thông.

Bác sĩ Đào có thể sẽ khởi kiện United Airlines?

Mặc dù bác sĩ Ðào còn đang được điều trị thương tích ở một bệnh viện, nhưng chuyện tai tiếng về vụ hành hung trên máy bay United Airlines đã lan tràn rộng rãi trên toàn quốc và thế giới, khả năng hãng hàng không này sẽ phải đương đầu với một vụ tranh tụng pháp lý hết sức khó khăn và rất tốn kém. Ngày 12/4, luật sư đại diện cho bác sĩ Đào đã gửi đơn khẩn cấp đến toà án bang Illinois kiến nghị toà ra lệnh hãng United Airlines phải bảo lưu các video và bằng chứng vụ khách bị lôi khỏi máy bay.

Theo nhận định của nhiều luật sư Mỹ, trong vụ việc bị kéo ra khỏi máy bay một cách thô bạo, bác sĩ Đào có thể được bồi thường tới hàng triệu USD nếu ông khởi kiện hãng hàng không này. Bác sĩ Đào bị kéo thô bạo ra khỏi máy bay dù chính United Airlines mới là bên có lỗi khi để đặt vé quá số ghế ngồi trên máy bay hôm 9/4, cũng như United Airlines không có quyền đuổi ông ra khỏi máy bay.

Gia đình bác sĩ Đào đã khởi kiện United Airlines. Ảnh: FBNV

Theo ông Michael Wildes, cựu công tố viên liên bang và hiện là Giám đốc Điều hành của công ty luật Wildes & Weinberg PC, ông David có thể kiện United Airlines và các cảnh sát về tội tấn công hay tội hành hung. Ông Michael Wildes cho biết: “Tôi không nghĩ họ có quyền hành hung và dùng vũ lực để đuổi ai đó”. Trong trường hợp này, United Airlines sẽ phải bồi thường cho ông David vì những lý do sau: cố tình gây căng thẳng tinh thần, làm tổn hại danh tiếng của ông David, gây ảnh hưởng đến niềm tin của các bệnh nhân đối với ông David, gây tổn hại đến tình cảm và tinh thần của ông David cũng như gia đình ông. Cũng theo ông Wildes, bác sĩ Ðào có thể kiện hãng hàng không và cảnh sát vì hành động tấn công vượt quá quy chuẩn hành xử của họ. “Nếu kiện, United Airlines sẽ có thể đi tới đóng cửa. Danh tiếng của hãng không thể khôi phục”.

Luật sư Ylber Albert Dauti, của công ty luật Dauti đưa ra nhận định đồng tình với ý kiến trên. Ông Dauti nói: "Về mặt kỹ thuật, hãng hàng không có quyền đưa một hành khách ra khỏi máy bay, nhưng phải vì những lý do chính đáng như khi khách hàng có hành vi bạo lực hay những hành động gây nguy hiểm cho những hành khách khác. Trong trường hợp này, hãng hàng không rõ ràng đã làm sai".

Còn theo tờ USA Today dẫn lời Luật Sư Ladd Sanger ở Dallas, chuyên đại diện cho những người khiếu kiện các hãng hàng không, lại có nhận định trái ngược khi cho rằng các vụ kiện kiểu này khó có thể giành phần thắng tại tòa án vì “pháp lý nghiêng hẳn về phía có lợi cho lực lượng hành pháp và hãng hàng không”. Theo Luật Sư Sanger, dựa trên các quy định của hàng không liên bang FAA, và đạo luật liên bang năm 1978 bãi bỏ việc điều tiết của chính quyền với ngành hàng không và hợp đồng của các hãng vận tải hàng không, các hãng hàng không “về cơ bản được phép từ chối cho một người lên chuyến bay hoặc đưa họ ra khỏi máy bay”.

Khi một người đã lên máy bay, luật liên bang yêu cầu phải tuân thủ các hướng dẫn của phi hành đoàn. Trên nguyên tắc một hành khách từ chối rời khỏi máy bay có thể bị buộc tội vi phạm luật liên bang, dù cho nhân viên công lực có thể hành xử quyền hạn theo cách thái quá. Ông Sanger cho rằng đó là tình huống mà hành khách hầu như luôn luôn thua cuộc.

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã tuyên bố điều tra vụ việc trong khi một trong ba cảnh sát thực hiện việc cưỡng chế ông David Đào khỏi máy bay đã bị đình chỉ công việc. Tuy nhiên, Sở cảnh sát Chicago từ chối nêu danh tính của người này.

Sự giận dữ của cộng đồng người Việt tại Mỹ

Lúc đầu người ta tưởng nạn nhân vụ bạo hành này là một hành khách người Hoa, tới khi biết ông là người Mỹ gốc Việt, sự phẫn nộ lan rộng trong các cộng đồng người Việt. Một số ý kiến cho rằng có yếu tố phân biệt đối xử và kỳ thị chủng tộc trong sự việc này, dù chưa có chứng cứ gì chứng minh.

Một nhóm người biểu tình chống United Airlines đối xử tàn tệ với Bác sĩ Đào bằng biểu ngữ tiếng Việt tại sân bay quốc tế O'Hare ở Chicago. Ảnh: Getty Images

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt vô cùng phẫn nộ về việc bác sĩ người Việt bị nhân viên hãng United Airlines kéo lê khỏi chuyến bay khiến phải nhập viện. Họ đã tổ chức biểu tình ở sân bay quốc tế O'Hare ở thành phố Chicago và giương cao khẩu hiệu: “Không ai nên bị đối xử như vậy”, thể hiện sự tức giận của mình. Một vài người trong số đó kêu gọi Giám đốc điều hành của United Airlines Oscar Munoz phải từ chức.

Có mặt tại sự kiện, bà Jan Schakowsky, nghị sĩ bang Illinois, phát biểu rằng bà muốn kêu gọi Quốc hội cấm việc các hãng hàng không yêu cầu khách rời khỏi sau khi họ đã có mặt trên máy bay.

Quyền của hành khách và quyền của hãng hàng không

Hiện tại, quy định liên bang cho phép các hãng hàng không được bán vé quá số ghế trên máy bay dựa trên thuật toán trừ hao số người hủy chuyến. Điều này nhằm giúp máy bay của hãng có thể hạn chế số ghế trống ít nhất có thể. 

Trong trường hợp khách đi vượt quá số ghế, hãng sẽ đề nghị đền bù cho những hành khách tự nguyện đổi chuyến, hoặc cưỡng chế khách xuống máy bay, tùy theo chính sách của mình.

Vụ việc kéo lê hành khách người Mỹ gốc Việt khiến cả thế giới bức xúc. Ảnh: Daily Express

Những hành khách không có việc gấp thường được khuyến khích tự nguyện đổi ghế. Đổi lại, họ sẽ được bồi thường tùy theo sự thỏa thuận được hãng hàng không đưa ra. Trong trường hợp không có ai tự nguyện, các hãng hàng không sẽ tiếp tục thông báo và khuyến khích người tự nguyện cho tới khi vừa đủ số ghế trên máy bay.

Bộ Giao thông vận tải Mỹ nhấn mạnh rằng đây là quy trình bắt buộc trước khi các hãng hàng không lựa chọn ngẫu nhiên các hành khách và buộc họ đổi chuyến khi không đủ số người tự nguyện.

Trong trường hợp thứ hai, khi hành khách bị buộc đổi chuyến, hãng hàng không phải đưa ra cho những người này thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ quyền của hành khách và giải thích rõ phi hành đoàn có quyền quyết định trường hợp nào có thể lên máy bay và không.

Theo quy định, việc bắt hành khách đổi chuyến trái với ý muốn của họ sẽ phải được tiến hành trước khi hành khách lên máy bay. Bộ Giao thông vận tải Mỹ quy định rất chặt về trường hợp này. Trong trường hợp hãng hàng không sắp xếp chuyến bay khác để hành khách bị buộc đổi chuyến tới nơi họ muốn trễ hơn kế hoạch dự định ít hơn 1 giờ, sẽ không có bồi thường;trễ từ 1 tới dưới 2 giờ sẽ phải bồi thường gấp 2 lần giá vé một chiều của hành khách bị bắt buộc, tối đa là 675 USD. Tuy nhiên, nếu trễ hơn 4 giờ so với dự định ban đầu, hãng hàng không sẽ phải bồi thường gấp 4 lần, tối đa là 1.350 USD.

Tuy nhiên, cách làm của United Airlines chẳng khác nào phân biệt chủng tộc, phân biệt hành khách - điều mà cả nước Mỹ luôn lên án gay gắt. Ngay cả trong luật pháp của Mỹ cũng không hề cho phép họ làm như vậy. Dù các hãng hàng không Mỹ có quyền buộc hành khách đổi chuyến khi bán vé quá số ghế, tuy nhiên, hành động này thường diễn ra trước khi hành khách lên máy bay, chứ không phải khi họ đã ngồi yên ổn trên máy bay.

Chính sách đổi vé của United Airlines với khách hàng theo giá vé?

Tuy nhiên, căn cứ vào chính sách khách hàng (chỉnh sửa lần cuối vào ngày 17/2/2017) của hãng United Airlines, hãng này nói kể cả trong trường hợp vé của một chuyến bay đã được bán quá số ghế, không một ai có quyền ngăn cản hành khách lên máy bay trái với ý muốn của họ cho tới khi thành viên phi hành đoàn yêu cầu có người tự nguyện đổi chuyến.

United Airlines có chính sách phân biệt với hành khách theo giá vé. Ảnh: Reuters

Trong trường hợp không đủ người tự nguyện, như chuyến bay 3411 ngày 9/4, United Airlines có quyền buộc hành khách đổi chuyến. Việc hành khách nào được lựa chọn sẽ được United Airlines quyết định “dựa trên giá vé hạng ghế, hành trình bay, có phải là khách hàng thành viên thường xuyên bay hay không và thời gian hành khách đến sân bay làm thủ tục trong trường hợp không đặt vé trước”.

Người khuyết tật, trẻ em dưới 18 tuổi không có người đi cùng, trẻ em từ 5 đến 15 tuổi sử dụng dịch vụ không có người lớn đi cùng trên các chuyến bay của United Airlines sẽ là những trường hợp cuối cùng được tính đến khi bắt buộc phải có người rời khỏi máy bay khi bán quá vé.

Khủng hoảng truyền thông 

Sự việc cũng khiến United Airlines gặp khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng, buộc CEO của hãng là Osca Munoz nhiều lần xin lỗi. Cổ phiếu của United Continental Holdings, công ty mẹ United Airlines, cũng sụt giảm nghiêm trọng trong phiên giao dịch ngày 11/4.

Sau khi cổ phiếu lao dốc, CEO United Airlines lần thứ 2 lên tiếng xin lỗi vụ bác sĩ gốc Việt bị buộc rời khỏi máy bay.

Tổng giám đốc United Airlines, ông Oscar Munoz (giữa). Ảnh: Getty Images

Trên trang web của hãng Change.org, hơn 40.000 người phẫn nộ ký tên vào lá thư trực tuyến yêu cầu CEO của hãng United Airlines từ chức sau khi ông này xin lỗi thiếu thiện chí. Ông Oscar Oscar Munoz khiến dư luận một lần nữa hết sức giận dữ khi “xin thứ lỗi” với một giọng điệu hết sức chung chung và còn có ý định đổ lỗi cho rằng hành khách đã hung hăng và cư xử không đúng mực, đã khiến cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Bới thế, không ai đã cảm nhận được sự “lỗi lầm” của hãng qua lời xin lỗi này cũng như qua những tuyên bố “cứng rắn”, rằng họ sẽ vẫn hành xử như vậy nếu như gặp những trường hợp mà hãng cho rằng “cần phải làm thế”.

Tổng giám đốc United Airlines, ông Oscar Munoz, hôm thứ tư tuyên bố trong chương trình Good Morning America của truyền hìnhh ABC là sẽ không từ chức, mặc dù cảm thấy "hổ thẹn" khi xem đoạn video cảnh hành khách David Đào bị trấn áp bằng bạo lực và kéo lê ra khổi máy bay ở sân bay Chicago.

Lần này, ông Mumoz đưa ra cam kết “sẽ không còn bao giờ xảy ra chuyện như thế nữa” và “Chúng tôi sẽ không để cho nhân viên công lực lên máy bay để trục xuất một hành khách đã mua vé, trả tiền và có ghế ngồi”.

Cũng như các hành khách có máy trên máy bay, những ai theo dõi vụ việc sẽ đều cảm thấy “sốc” khi thấy nhân viên an ninh dùng bạo lực với hành khách. Lẽ ra, họ có thể dễ dàng tránh được việc gây thương tích một cách dễ dàng khi nâng tay ghế lên trước khi kéo ông David Đào ra. Vì ông Đào không chịu tự ý đứng dậy nên khi bị lôi mạnh xuống, ông đã bị đập đầu xuống tay ghế, dẫn tới tóe máu.

Cộng đồng mạng lại tiếp tục giận dữ khi những thông tin quá khứ và cá nhân về đời tư của bác sĩ Đào bị đào bới. Với những thông tin "lỗi lầm chưa được kiểm chứng" được đưa lên "một cách mập mờ" giữa hai cái tên David Thanh Duc Dao và David Anh Duy Dao, nhằm hướng dư luận vào quá khứ của “một người đàn ông tồi” với sự kiện đã xảy ra, càng đẩy hình ảnh hãng hàng không về chiều hướng khủng hoảng.

Liệu có thực sự quá vé trên chuyến bay 3411?

USA Today hôm thứ tư đưa thông tin cho biết chuyến bay 3411 của hãng hàng không United Airlines, tức là chuyến xảy ra vu bác sĩ David Ðào bị kéo theo cách bạo lực ra khỏi máy bay, “bán hết vé nhưng không quá số ghế có trên máy bay”.

United Airlines xác nhận máy bay, “bán hết vé nhưng không quá số ghế có trên máy bay”. Ảnh: Getty Images

Theo Chi nhánh địa phương Republic Airlines của United vận hành chuyến bay này, vào giờ máy bay sắp cất cánh, đã nhận thấy cần phải chuyển 4 hành khách qua chuyến khác để có chỗ cho một phi hành đoàn 4 người từ Chicago đến Louisville, Kentucky, trước sáng ngày hôm sau, vì nhu cầu công việc. Theo phát ngôn viên Jonathan Guerin của United Airlines giải thích với tờ USA Today, cửa máy bay chưa đóng khi nhân viên của hãng tìm 4 người hành khách đồng ý đi chuyến sau.

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày