Catalonia: Khó phân thắng bại
Hải Ngọc/Theo NLĐ 12/30/2017 07:30 AM
Cái khó để đánh giá kết quả của cuộc bầu cử nghị viện vùng Catalonia gần đây là nhiều bên tham gia đều có thể tuyên bố chiến thắng.

Với một kết quả phức tạp cùng vô số ẩn ý và sự bất ổn được khơi lại, điều quan trọng có lẽ là phải phân biệt giữa những hiện tượng bề mặt, những thay đổi sâu xa trong lòng xã hội và chính trị ở Catalonia - điều chắc chắn sẽ làm rối loạn cả khu vực lẫn toàn thể Tây Ban Nha.

Những kết quả trước mắt

1. Các đảng chủ trương ly khai vẫn giữ được thế đa số mong manh trong nghị viện Catalonia sau cuộc bầu cử cuối tuần trước. Số ghế của họ giảm nhẹ còn 70, so với 72/135 ghế trong cuộc bầu cử năm 2015. Họ vẫn tuyên bố chiến thắng, đặc biệt là tập trung vào luận điểm họ đã kết nối được toàn bộ Catalonia và người dân trong khu vực này với nhiệm vụ ưu tiên của phe ly khai. Tiếp đó, họ cho rằng có thể thực hiện nhiệm vụ ấy thông qua thế đa số tại nghị viện Catalonia.

Người Catalonia xuống đường biểu tình trước thềm bầu cử. Ảnh: Reuters

Tình cảnh "nạn nhân" - cựu Thủ hiến Carles Puigdemont "lưu vong" ở Bỉ, một số cựu quan chức chính quyền Catalonia còn trong tù và Catalonia tạm thời do Madrid trực tiếp quản lý theo điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha (kích hoạt vào cuối tháng 10 trong lúc khủng hoảng đạt đỉnh điểm) - đã giúp giữ phiếu cho phe ly khai, bất chấp những hậu quả mà quá trình ly khai có thể gây ra cho Catalonia như bất ổn chính trị, chia rẽ và thiệt hại kinh tế.

2. Dù vậy, thế đa số của phe ly khai vẫn chưa đủ. Các đảng bên phía chống ly khai - bằng nhiều hình thức khác nhau - giành được hơn 50% số phiếu nhưng do đặc trưng của hệ thống bầu cử mà họ không giành được số ghế tương ứng. Có thể các thủ lĩnh phe ly khai - những người theo đuổi chiến lược duy trì thế đa số trong nghị viện để kiểm soát hầu hết các lợi thế quyền lực và hiến pháp ở Catalonia - đang xem nhẹ sức mạnh của đối thủ.

3. Đây là một chiến thắng chấn động cho đảng ủng hộ ở lại với Tây Ban Nha, Ciudadanos, về cả số phiếu bầu (hơn 1,1 triệu phiếu, chiếm 25,3%) và số ghế nghị viện (37). Lần đầu tiên kể từ năm 1980, một đảng không theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có chiến thắng trong bầu cử ở Catalonia.

Được thành lập năm 2006, Ciudadanos ban đầu chỉ là một đảng nhỏ ở Catalonia nhưng tới năm 2015 thì trở thành đảng lớn thứ tư ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đây là một chiến thắng không trọn vẹn bởi người đứng đầu Ciudadanos, bà Ines Arrimadas trẻ tuổi (36 tuổi), không giành đủ phiếu trong nghị viện để trở thành tân thủ hiến của Catalonia.

4. Đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) của Thủ tướng Mariano Rajoy hứng chịu thất bại nặng nề. Từ 19 ghế tại nghị viện Catalonia vào năm 2010, PP còn lại 11 ghế vào năm 2015 và năm nay, chỉ 3 ghế nằm trong tay họ. 

Thủ tướng Rajoy đánh cược vào cuộc bầu cử sớm (thay vì duy trì thời gian nắm quyền trực tiếp tại Catalonia lâu hơn, qua năm 2018, của một số thành viên PP) và rõ ràng ông đã trắng tay. Mục đích chính trị chủ yếu của ông - dập tắt tiến trình đòi độc lập ở Catalonia - thất bại thảm hại. Mỉa mai không kém, đối thủ chính trị ngày càng đáng gờm của PP là Ciudadanos lại là một trong những bên hưởng lợi chính từ việc ông Rajoy kích hoạt điều 155.

Triển vọng tương lai

Cuộc bầu cử cho thấy xã hội Catalonia đang bị rạn nứt sâu sắc thành hai mảnh ngang ngửa là ủng hộ và phản đối ly khai. Chính trị Catalonia vì thế tiếp tục phân cực, nhất là khi các đảng thường đứng ra tìm cách hòa giải không đạt kết quả tốt trong bầu cử. Độc lập hay ở lại Tây Ban Nha sẽ vẫn là câu hỏi thống trị Catalonia, làm lu mờ các vấn đề kinh tế và xã hội khác. Bế tắc có thể tiếp diễn, ngay cả khi phe ly khai vượt qua được những bất đồng nội bộ để thành lập chính quyền Catalonia.

Phản ứng của người dân Catalonia sau khi kết quả bầu cử nghị viện vùng được công bố hôm 21/12. Ảnh: Reuters

Đặc biệt, nếu chính quyền tiếp theo duy trì con đường đơn phương và phớt lờ ý kiến của phân nửa còn lại của Catalonia, những căng thẳng chính trị và xã hội ở vùng này cũng như với Madrid khó mà xuống thang. Thiệt hại cho Catalonia qua đó tăng lên, với việc nhiều công ty dời trụ sở khỏi đây nhiều hơn nữa (từ ngày 1/10 tới nay đã có hơn 3.000 công ty).

Việc cần phải có nỗ lực hàn gắn, cùng nhau nhượng bộ và đồng thuận chính trị ngày càng cấp bách ở Catalonia. Muốn làm vậy, Tây Ban Nha cần cải cách hiến pháp trước, trong đó có hướng tới chế độ liên bang thực chất dựa trên cơ sở chia sẻ quyền lực nhiều hơn. Ngược lại, luật pháp, quyền bình đẳng và lòng trung thành liên bang phải được tôn trọng - tiếc thay những nguyên tắc này lại bị Puigdemont và các cộng sự của ông xem nhẹ. 

Tác giả: Hải Ngọc/Theo NLĐ

Tin mới trong ngày