Câu chuyện xung quanh vị trạng nguyên được coi là tiên tri số một của Việt Nam
CTV Quang Minh 01/18/2018 11:00 AM
Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là người học rộng, hiểu nhiều mà ông còn được biết đến như một nhân vật biết nhìn trước tương lai.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam - Bắc triều (Lê - Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công, bởi vậy dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Ông để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình” cách đây đã trên 500 năm. Lạ kỳ là không ít sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều "ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình".

Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn gọi là "Sấm Trạng Trình" là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Đây là những dự báo thiên tài, hợp lý, tùy thời, tự cường, hướng thiện và lạc quan theo lẽ tự nhiên "thuận thời thì an nhàn, trái thời thì vất vả".

Ảnh: sohanews.sohacdn.com

"Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa." - Lời Nguyễn Thiếp - danh sĩ thời Lê mạt.

"An Nam lý học hữu Trình Tuyền." - Lời Chu Xán - Sứ giả của triều Thanh.

Sấm ký, giai thoại và giải đoán chứa đựng nhiều thú vị về một trí tuệ bậc Thầy kỳ tài muôn thuở, nặng lòng yêu nước thương dân và sâu sắc hiếm thấy.

Sấm ký ở bản A có 262 câu, gồm 14 câu "cảm đề" và 248 câu "sấm ký". Đây là bản trích ở bộ "Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" (tập 2) của Trịnh Văn Thanh - Sài Gòn - 1966. Ngoài bản A còn có ít nhất ba dị bản về sấm Trạng Trình. Tài liệu liên quan hiện có 20 văn bản, trong đó bảy bản là tiếng Hán Nôm lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội (trước đây là Viện Viễn Đông Bác Cổ) và Thư viện Quốc gia Hà Nội và 13 tựa sách quốc ngữ về sấm Trạng Trình xuất bản từ năm 1948 đến nay. Bản tiếng quốc ngữ phát hiện sớm nhất có lẽ là Bạch Vân Am thi văn tập in trong Quốc Học Tùng Thư năm 1930 mà hiện nay vẫn chưa tìm được.

Sấm ký gắn với những giai thoại và sự thật lịch sử. Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã, chứng minh tính đúng đắn của những quy luật - dự đoán trong Kinh Dịch và Thái Ất thần kinh. Đến nay đã có 36 giai thoại và sự thật lịch sử về Sấm Trạng Trình đã được giải mã.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Đến khi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm cất công tìm đến bái sư học đạo.

Học vấn uyên thâm nhưng sinh phải thời đại nhiều biến cố, ông không vội tham gia khoa cử. Mãi đến năm 1535, dưới thời Mạc Thái Tông thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới ứng thí và đỗ trạng nguyên khi đã ngoài 40 tuổi.

Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, với tài lý số của mình, không thể phủ nhận được rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo ra được những kỳ tích cũng như những ẩn số về tài danh của một kỳ nhân mà đến nay hậu thế cũng chưa giải mã hết được. Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình "cứu vãn" cho triều đình nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Tân khoa trạng nguyên được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thử, rồi lần lượt giữ chức Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ lại kiêm Đông các Đại học sĩ.

Ảnh: soha.vn

Khi Mạc Hiển Tông lên ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận. Năm 1542, ông xin cáo quan về ở ẩn. Hai năm sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan, phong tước Trình Tuyền Hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Vì thế, người đời thường gọi ông là trạng Trình.

Sau này, dù không ở kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lo liệu việc triều chính, giúp vua bàn quốc sự. Khi có chuyện trọng đại, vua thường hỏi ý kiến ông. Việc ông khuyên nhà Mạc lên Cao Bằng đã đi vào sử sách.

Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc triều nhà Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều mới sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: "Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô".

Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng, tồn tại được thêm 3 đời nữa thật. Việc nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, miền đất Cao Bằng được trấn ải bằng một thế lực phong kiến khiến các triều đại Trung Hoa thời kỳ đó khó xâm phạm nước Việt trong một thời gian dài. Đất Quảng Uyên (tên gọi của đất Cao Bằng xưa) được người Trung Hoa đặc biệt coi trọng bởi nơi đó được cho rằng có nhiều mỏ vàng dễ khai thác.

"An Nam lý số hữu Trình tuyền." - Đó là lời sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra cho nhà Nguyễn. Nhờ đó, nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi, đất nước ta có hình thái như ngày hôm nay. Năm 1568, chúa Nguyễn Hoàng khi đó thấy anh mình là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết chết, thấy số phận của mình bị nguy cấp, Nguyễn Hoàng đã sai người đến diện kiến Trạng Trình ở am Bạch Vân để xin lời sấm. Câu chuyện cụ Trạng cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: "Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân", nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam.

Ảnh: tinhhoa.net

Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng Trình thành: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hóa tạo điều kiện mở rộng bờ cõi nước Việt xuống phía Nam, hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam như hiện nay có tầm ảnh hưởng không nhỏ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Câu chuyện phá đền

Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng điều Nguyễn Công Trứ đi khai hoang ở Hải Dương. Nguyễn Công Trứ xem xét địa thế, thấy cần phải phá đền thờ trạng Trình để đào sông.

Sau khi người dân đào bát hương lên, ông thấy dưới bát hương có tấm bia đá phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ sai người lau sạch bia thì đọc được mấy câu:

"Minh Mạng thập tứ.

Thằng Trứ phá đền.

Phá đền phải làm đền.

Nào ai động đến doanh điền nhà bay."

Ông liền thảo sứ về triều, xin bãi bỏ lệnh phá đền, đồng thời sửa sang lại ngôi đền của vị trạng nguyên nhà Mạc.

Phải giữ biển Đông

Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể được coi là người đầu tiên trong lịch sử nước ta nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền biển Đông. Trong bài "Cự Ngao Đới Sơn" (Bạch Vân am thi tập), ông viết:

"Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình

Chí những phù nguy xin gắng sức

Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình."

Thực hư lời tiên tri về Cách mạng Tháng Tám

Theo một số nhà sưu tầm và nghiên cứu, Cách mạng Tháng tám năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu thơ: "Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long". Ở câu 1, "đầu Thu" là tháng 7 Âm lịch, "gà" nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện diễn ra, "gáy xôn xao" nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu 2, "Trăng xưa" nghĩa là "cổ nguyệt" theo Hán tự, ghép lại thành từ "hồ", là họ của Hồ Chí Minh. "Sáng tỏ soi vào Thăng Long" là sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long - Hà Nội.

Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là cây đại thụ, nhà học giả, triết gia, nhà lý số, tiên tri của thế kỷ. Mỗi một giai thoại về Trạng Trình, hậu thế đều tìm được những bài học đáng giá.

Tác giả: CTV Quang Minh

Tin mới trong ngày