Cây thông Noel – nguồn gốc và ý nghĩa
Thảo Nguyên 12/12/2017 06:30 PM
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao lễ Giáng sinh không thể thiếu cây thông? Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn.

Lễ Giáng sinh trong những năm gần đây đã du nhập vào Việt Nam và trở thành một dịp kỉ niệm quan trọng những ngày cuối năm. Nhưng ít ai biết đến nguồn gốc và ý nghĩa của cây thông - một biểu tượng không thể thiếu của ngày lễ Thiên Chúa giáo này. Hãy cùng điểm qua vài nét khái quát về nguồn gốc và ý nghĩa của cây thông Giáng sinh.

Nguồn gốc

Trong văn hóa của người Đông Âu (người Celt), ngày tháng được tính theo chu kì Mặt trăng, đồng thời mỗi tháng sẽ có một loại cây làm biểu tượng. Theo đó ngày 24 tháng 12 nhắm tiết Đông chí có biểu tượng là cây tùng bách (épicéa).

Cây thông giáng sinh có nguồn gốc từ văn hóa Celt cổ. Ảnh: Pixabay

Vào ngày Đông chí, người Celt sẽ tổ chức lễ hội "Yula" hay còn gọi là "bánh xe của năm", với mục đích cầu một năm mới may mắn, thịnh vượng. Trong lễ hội, người ta đốt một khúc gỗ mới đốn, loại gỗ có họ với cây tùng bách vốn là biểu tượng của ngày Đông chí. Sau này tập tục đốt khúc gỗ được thay bằng việc trưng một cây có họ thường xanh, thường là cây thông, trang trí thêm bằng đèn nến và các dây tầm gửi, nhựa ruồi.

Người Celt tin rằng tầm gửi và nhựa ruồi là các loại cây tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở bởi sức sống không ngừng của chúng. Bên cạnh đó, tầm gửi cũng là một loại thuốc kích thích tình dục trong văn hóa Celt, vì thế mới sinh ra truyền thống hôn nhau trong đêm giáng sinh, dưới những nhánh tầm gửi được mắc trên cây thông Noel.

Cây thông Noel được trang trí nhiều kiểu lạ mắt. Ảnh: Pexels

Việc sử dụng cây Giáng sinh diễn ra phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16, khi những người theo đạo Cơ Đốc bắt đầu dùng chúng để trang trí trong nhà. Sau đó truyền thống này lan rộng sang các khu vực khác của châu Âu.

Năm 1841, cây Giáng sinh bắt đầu xuất hiện tại lâu đài Windsor, Anh, được bao phủ bởi những ngọn nến, hoa quả và bánh gừng. Từ thập niên 1850, vật phẩm trang trí cây Giáng sinh còn có thêm các món đồ chơi nhỏ, trang sức, hình nàng tiên, búp bê, còi và chuông.

Ý nghĩa

Có rất nhiều truyền thuyết về cây thông Noel được kể lại trong văn hóa phương Tây. Một trong số đó là câu chuyện về thánh Boniface, một hôm tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ cuồng tín đang tập trung xunh quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, thánh nhân hạ gục cây sồi chỉ bằng một cú đấm. Tại nơi cây sồi ngã xuống đã mọc lên một cây thông nhỏ. Thánh Boniface liền nói với những kẻ ngoại đạo rằng đây là loài cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc đời vĩnh hằng của Chúa Cứu Thế. Bởi giai thoại này mà nhiều người phương Tây tin rằng cây thông là loài cây của Chúa Jesus.

Có khá nhiều giai thoại liên quan đến cây thông Noel. Ảnh: Pexels

Còn có một câu chuyện khác về Martin Luther, người đã sáng lập đạo Tin Lành. Một đêm Noel của những năm 1500, Luther dạo bước qua những cánh rừng và thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh đẹp tuyệt diệu trong rừng: một loài cây nhỏ với những cành cây đầy tuyết phủ lung linh dưới ánh trăng, phía sau là bầu trời đêm thăm thẳm cùng ngàn vì sao lấp lánh. Rung động trước cảnh thiên nhiên đẹp, khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và treo nến trên cành cây thông nhằm tượng trưng cho những ánh sao.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng vào một đêm Noel đã rất lâu rồi, có một người tiều phu đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc. Đứa trẻ vừa đói vừa lạnh, vì vậy dù rất nghèo nhưng tiều phu vẫn cho đứa trẻ đồ ăn, chỗ ngủ, che chở đứa trẻ suốt đêm đông lạnh giá. Sáng hôm sau thức dậy, người tiều phu nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hóa ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang, và cây thông trước cửa là Chúa tạo ra để ban thưởng cho tấm lòng nhân hậu của người tiều phu.

Cây thông biểu trưng cho sức sống mãnh liệt. Ảnh: Pexels

Từ những giai thoại trên, có thể thấy cây thông Noel là biểu tượng của sự no ấm, phồn vinh, giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật. Cây thông còn tượng trưng cho tình yêu thương, cho trái tim ấm áp. Vào mùa đông, trong khi mọi cây cối đều héo rũ thì chỉ có loài thông là vẫn xanh tươi. Chính bởi vậy mà nó còn có ý nghĩa đại diện cho sức sống mãnh liệt, bất tử.

Tác giả: Thảo Nguyên

Tin mới trong ngày