Chuyện dọn lề đường, đập phá tam cấp ở Việt Nam
Yuki 04/16/2017 11:20 PM
Đã hơn mấy tháng nay, chiến dịch dọn vỉa hè, dọn bậc tam cấp được ráo riết thực hiện bởi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó lan qua các tỉnh khác và trở thành hiện tượng của cả nước.

Dọn dẹp vỉa hè, đập phá bậc tam cấp của nhà dân là đúng hay sai? Chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề này. 

Những gánh hàng rong ở Việt Nam. Ảnh: tuoitre.vn

Theo khảo sát, một số người dân buôn bán tràn lan trên vỉa hè, xe máy, xe hơi đậu chắn lối người đi bộ. Một số khách sạn, trung tâm bồi dưỡng chính trị quận có nhiều công trình lấn chiếm vỉa hè như bồn hoa, trụ ATM...

Sự việc này đã làm cho cả nước nổ ra "chiến dịch dọn vỉa hè", mà khởi đầu là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nói việc làm này chưa tới và quá nông nổi.

Tại sao chúng ta nói "chưa tới"?

Nhìn qua Singapore một tí.

Một trong những nơi bán hàng rong tại Singapore. Ảnh: garmin.com

"Ở Singapore, cũng từng phải đối mặt với vấn nạn hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Nhằm giữ gìn được loại hình kinh doanh đầy màu sắc văn hóa này, Singapore đã có quy hoạch cho các gánh hàng rong từ thập niên 1980 bằng cách xây dựng những trung tâm mua bán thực phẩm, chợ cóc rồi tập trung các cửa hàng rong vào đó. Với sự quy hoạch tập trung này, các cửa hàng rong có thể sử dụng điện nước tử tế, vứt rác đúng chỗ cũng như quy tụ được thành tụ điểm ẩm thực, mua bán thu hút khách hàng. Chính quyền địa phương cũng có thể quản lý tốt được các tụ điểm bán hàng rong này, đồng thời giải phóng mặt bằng cho vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này", thông tin từ cafebiz.vn.

Bậc thềm cao hơn mặt đường. Ảnh: vov.vn

Còn ở Việt Nam? Chính quyền cho đập phá nhưng lại chưa có hướng giải quyết cho người dân. Những gia đình sống dựa vào nghề bán hàng đã lâu năm mọi thu nhập đều dựa vào buôn bán, thế nhưng bỗng nhiên chính quyền lại yêu cầu dọn dẹp toàn bộ mà không cho người dân kế hoạch để mưu sinh. Những bậc tam cấp cũng đi tháo dỡ, khiến cho những ngôi nhà cao hơn cả mặt đường 70 - 80 cm, nhiều gia đình phải tự chế trở lại bậc tam cấp và đường dẫn cho xe máy, xe hơi. Phố phường ban đầu có phần nham nhở, lở lói. Những việc làm này khiến nhiều người không phục. 

Chính quyền giải quyết một cách nông nổi

Đập phá vỉa hè. Ảnh: baoxaydung.com.vn

Hưởng ứng theo phong trào, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đập phá để giành lại vỉa hè. "Suốt một tháng nay, tiếng búa đập, tiếng máy đục, máy cưa vang khắp phố phường. Hình ảnh các nhân viên công an, dân phòng cùng các cộng sự của họ với tay búa tay đập, chỉ đông chỉ tây, dường như trở nên quen thuộc với người dân.", VOA đưa tin.

Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta, giành lại vỉa hè là thật, hay chỉ là theo phong trào?

Thông qua VOA, ông Võ Hồng Sơn (Tp. Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, “Chú làm cái nhà này có xin giấy phép xây dựng, theo như chỉ giới thì mình làm ra có bị ra 30 phân nên phải đập. Nhưng bên kia, xây dựng không vượt qua chỉ giới nhưng vẫn bị đập.”

Bà Lê Thị Bảy, cán bộ Sở Lao Động, Thương Binh & Xã Hội tỉnh Quảng Bình, thông qua VOA cho biết: “Tôi nói thật là mình làm vì dân. Mục tiêu của việc này cũng là vì dân nên trước khi làm phải họp dân, bởi nếu thông qua dân, tư tưởng thông thì cái gì cũng được hết, nếu chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ tự sửa. Nhưng ở đây không họp dân, lại đến đập phá tự nhiên nên dân rất bức xúc. Như đường kẻ đường đậu ô tô, lý ra nó nên kẻ sát đường một tý, đường cho người đi bộ hẹp vào một chút nữa. Như thế là bất hợp lý.”

Còn một vấn đề khác trên "đường Trần Hưng Đạo, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hết sức bức xúc là cả một con phố dài, nhà nào cũng bị đập theo tỉ lệ và qui cách của cơ quan chức năng. Riêng hai căn nhà số 189 và 191 trên đường này lại được bỏ qua vì chủ nhân của nó là những quan chức cấp cao của tỉnh", VOA thông tin.

Có thể thấy, có sự phân biệt đối xử giữa người dân và những người có quyền lực. Tại sao toàn bộ đường bị đập trước đập sau, thậm chí nhà không vi phạm cũng bị đập, nhưng chỉ chừa đúng hai căn nhà của hai viên chức cấp cao?

Chúng ta nhìn vào đâu để nhìn nhận sự việc? Lợi ích chung của dân hay lợi ích cá nhân của lãnh đạo?

 

Tác giả: Yuki

Tin mới trong ngày