Cô con gái nhà đồ tể
CTV Thảo Nguyên 06/25/2018 07:00 PM
Mọi thứ qua cả rồi. Khổ đau và nước mắt cũng qua rồi. Giờ họ chỉ đơn giản là ở bên nhau thôi, bám víu nhau mà sống tiếp. Họ không thể kiếm lại nụ cười giòn tan như những ngày xưa đầy mùi nắng, gió, mùi lúa và khói đốt đồng ấy.

An luôn luôn nghĩ rằng kiếp trước nó là một chú gà con.

Chưa bao giờ nó lý giải được suy nghĩ ấy. Nhưng bản thân nó đã luôn luôn nghĩ vậy, không biết bắt đầu từ khi nào, rằng kiếp trước nó là một chú gà con. Một chú gà con thật xinh, có bộ lông vàng mượt mà và đôi mắt to đen láy, chạy lung tung trong khu vườn nhỏ của bà ngoại. Chú gà con đó chết sớm, xác được vùi bên dưới đất đen, ở đó mọc lên từng cụm cỏ dại dai nhách. Thế rồi chú gà con đầu thai thành An của kiếp này - con gái một nhà đồ tể. Bởi suy nghĩ đó, cứ thi thoảng rảnh rỗi là An lại ra vườn của ngoại ngồi đào đào bới bới. Cô bé chưa tròn mươi tuổi tin chắc rằng một ngày nào đó, mình sẽ tìm thấy những mẩu xương cuối cùng còn sót lại - những mẩu xương mỏng manh và yếu ớt, tàn dư kiếp trước của chính nó.

Tại sao lại là gà con?

Anh thường hỏi An như thế. Nhưng đến chuyện tại sao An nảy ra suy nghĩ ấy, nó còn chẳng biết, nữa là câu hỏi này. Tuy vậy, An luôn luôn bảo với anh rằng kiếp trước của nó rất hạnh phúc. Nó biết chắc chắn thế, vì chú gà con đã chết khi mới chỉ là gà con.

- Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao! - An đưa đôi bàn tay bé xíu của mình lên vẽ một hình tròn rộng trên bầu không trước mặt. - Anh nhỉ? Chết khi còn là gà con thì không cần phải lớn, không cần phải đẻ trứng và kiếm mồi cho cả một đàn gà con.

Cánh đồng quê xanh mướt xanh những ngày An cùng với anh đi dạo ven bờ đê hóng gió. Mái tóc chàng trai đi bên cạnh An thoang thoảng mùi lúa đòng đòng thơm sữa, nụ cười của anh hiền hiền. Tuổi thơ An suốt những năm tháng ấy chưa bao giờ thiếu đi tiếng cười giòn tan của anh trai nhà hàng xóm sát vách. Nó chỉ cười với một mình anh - bởi anh là kẻ duy nhất đáp lại nụ cười của nó.

Người trong xóm ai cũng sợ An. Mới tám tuổi, An đã đi khắp nơi thao thao về đủ loại chết chóc, nào là chuột chết, mèo chết, chó chết, gà chết, lợn chết, trâu bò chết. Người trong xóm bảo rằng, bố mẹ An làm nghề đồ tể, thất đức, đâm ra quả báo giáng lên đầu đứa con. Thế cho nên bà ngoại nó mới chết sớm như thế, chết vì bị rò điện khi đang tắm bằng nước bình nóng lạnh trong cái phòng tắm mới tinh con trai và con dâu vừa xây cho, họ rỉ tai nhau, thế cho nên em trai nó mới đi nghịch nước rồi chết đuối ngoài suối. Thế cho nên bố nó mới thành ra thần kinh, và bây giờ nó cũng thần kinh theo. Thế cho nên đừng đến gần nó, họ rỉ tai nhau.

Mỗi khi nhìn vào gương, An đều thấy một chú gà con ở trong đó. Đôi mắt trong veo và đen láy, mái tóc tơ lẽ ra màu đen nhưng do chạy dưới nắng nhiều nên thành ra vàng hoe. Vì bạn bè đều xa lánh, An chẳng có ai chơi cùng. An đi khắp nơi kể về những cái chết hòng kiếm người trò chuyện cùng mình.

- Anh ơi, hôm nọ trên đường đi học An nhìn thấy một con chuột bị xe cán chết nằm giữa đường. Ruột gan nó lòi ra đỏ thẫm y hệt mấy con lợn bị giết thịt. Anh ơi, mẹ An mổ lợn siêu lắm. Mẹ lia lia con dao vào hòn đá như thế này này. Rồi mẹ xoẹt xoẹt mấy phát, nhanh như chớp. - An vừa kể vừa giơ bàn tay chém vào không khí như minh họa... Đôi lúc, An nhìn thấy cái chau mày thoáng qua trên gương mặt anh, gần giống cái chau mày khó chịu của những người xung quanh nó. An tự hỏi tại sao. Ngoài mấy thứ đó ra An đâu có biết gì khác. Người ta chỉ nói được ra điều gì người ta biết, người ta rõ, và người ta thường xuyên nghĩ về thôi. Hơn nữa An không thấy những gì mình nói có gì quá kì lạ cả. Sống chết là lẽ thường, không phải sao? Từ nhỏ An đã chứng kiến mẹ mình mổ thịt không biết bao nhiêu con lợn lớn bé nặng nhẹ. Cái chết đối với An nhẹ tựa lông chú gà con, người ta vùi sâu những chiếc lông đó xuống bên dưới mặt đất để quên đi chúng nhưng người ta không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, rằng chiếc lông vẫn ở đó, chú gà con vẫn ở đó. Đối với An, cái chết chẳng phải chuyện gì to tát và nặng nề đến mức phải chôn chặt dưới tầng tầng lớp lớp đất đen như vậy.

Mẹ An là chị Lý đồ tể - cả xóm vẫn hay gọi thế - chị làm nghề mổ lợn, nhà ngay đầu xóm, mỗi sáng sớm chị cùng chồng và mấy tay làm thuê xẻ thịt một con tầm sáu bảy chục cân. Từ đợt thằng con trai thứ của anh chị chết đuối ở con suối sau đồi, anh Lý đâm ra dở điên dở dại, thành thử một mình chị Lý lo việc mổ lợn. Anh Lý chỉ nhốt mình trong nhà, cả ngày lẫn đêm, thi thoảng khóc nấc lên, thi thoảng gào thét, có những đêm cả xóm mất ngủ. Cả xóm ghét cái nhà đồ tể ấy. Ghét cả nó.

Riêng anh có vẻ không ghét An. Năm An tám tuổi, anh mười bốn. Năm An lên mười lăm, anh đã hai mươi mốt. Chàng trai hai mươi mốt tuổi từ thủ đô về thăm quê, điều đầu tiên thấy lại không gì khác ngoài đôi mắt to tròn trong veo của cô gái nhỏ năm nào. Ngày hôm đó anh đã sững lại mất mấy giây trước cô thiếu nữ mười lăm xinh đẹp. Mái tóc An đã dài hơn trước bao nhiêu. An cao hơn nhiều, cơ thể cũng nở nang. Nhưng An vẫn là con một nhà đồ tể - cái bóng ma của sự thật ấy đến cuối đời vẫn sẽ dai dẳng đeo bám nó.

Bảo anh yêu An cũng chẳng hề gì – ai cấm được người con trai rung động trước một người con gái? Chưa kể An còn là bóng hồng đầu tiên - và duy nhất - trong cuộc đời anh, kể từ khi anh còn là thằng học sinh cấp ba ngồi nghe đứa trẻ loắt choắt là An kể chuyện. Bảy năm, ngày anh trở về, anh Lý vẫn dở điên dở dại và chị Lý vẫn cố sống cố chết bám lấy cái nghề mổ lợn để kiếm tiền nuôi An ăn học. Mười lăm tuổi, An không còn hay véo von như ngày xưa nữa. An trầm tính hẳn, gặp lại anh ngoài một cái cười mỉm ra An chẳng nói câu nào. Anh đương nhiên rất hụt hẫng. Anh gạn hỏi, An cũng chẳng mở miệng dù chỉ một chút thôi. Ông nội anh kể, mắt rơm rớm, rằng con bé trở nên im lặng như thế từ cái ngày bố nó lên cơn giữa buổi sáng chủ nhật, bố nó lăm lăm con dao trên tay đuổi nó chạy khắp xóm, vừa đuổi vừa nguyền rủa, cái đầu lợn ghê tởm kia, cái hồn ma ghê tởm kia, mày nhập vào con gái tao, ám quẻ gia đình tao, phá hoại gia đình tao, đừng hòng... Người trong xóm ai cũng sợ hãi co rúm trong nhà, duy chỉ có ông Thành lực lưỡng dám chạy ra ngăn anh Lý lại. Một lúc, anh Lý tỉnh, nhìn đứa con gái ngồi bệt dưới đất run lẩy bẩy, nhìn con dao nắm chặt trong tay thì ngỡ ngàng, đôi mắt đỏ hoe. Anh cứ lẩm bẩm. Không ai trả lời anh Lý cả. An cũng không trả lời bố An. An không còn trả lời bất cứ ai nữa.

Sau khi biết chuyện ấy anh chăm chỉ về quê hơn. Cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, anh lại thu xếp việc học hành, về quê thăm bố mẹ và thăm An. Ngày còn bé An từng bảo anh rằng anh là người bạn duy nhất của nó. Giờ An trở nên im lặng như vậy, người bạn duy nhất là anh rất muốn tìm cách mang An của ngày xưa quay về. Mỗi lần về, anh lại mang cho An thứ quà gì đó, có khi là cái vòng tay, cái lắc chân nho nhỏ, có khi là chút cốm thơm lừng gói trong lá sen xanh mướt, lại có khi túi sấu chín chua chua ngọt ngọt... Ông nội anh bảo, con bé không bao giờ nói ra nhưng nó hóng anh về lắm. Nó nâng niu từng thứ anh tặng như báu vật, nó giữ rịt không cho ai động vào. Nó cứ ngồi một mình, ngắm nghía những thứ ấy và mỉm cười vậy thôi. Những món quà mang hương vị của thủ đô - chốn thành thị xa hoa mà An vẫn luôn mơ mộng tới.

Rồi thì chị Lý gửi anh Lý vào bệnh viện tâm thần. Mấy người họ hàng khuyên chị Lý nên gửi cả con gái vào đó luôn, không chừng nó mắc bệnh tự kỉ. Chị Lý cãi lại rằng cháu nó rất bình thường. Họ lại nói, bình thường gì mà bảy tám tuổi đầu cứ luôn miệng chết nọ chết kia, đến bây giờ thì câm như hến và hễ nhìn ai cũng lườm nguýt. Chị Lý cười khẩy, các người mà vào hoàn cảnh nó, các người cũng vậy thôi. Ấy mới là sự phát triển bình thường của một con người. Mấy người họ hàng câm nín, rồi họ lại càng xa cách gia đình chị Lý dần dần.

Mười lăm tuổi, bạn bè trên lớp không ai lại gần An. Mười lăm tuổi, An vẽ đẹp và rất thích vẽ. Mỗi lần anh về An lại cho anh xem những bức vẽ của An. Cũng không biết từ bao giờ An đã thích vẽ. Nó cảm thấy thật dễ dàng khi đưa những nét bút chì thoăn thoắt trên tờ giấy trắng tinh, nhìn dòng suy nghĩ của mình dần dần thành hình trên trang giấy. Đối với An điều này dễ dàng hơn là thổ lộ mọi thứ bằng lời nói. An thường vẽ một chú gà con vàng ươm, nhỏ xíu nằm bất động, nó bị chảy máu và những chiếc lông màu vàng hoe vương vãi trên nền đất đen xù xì. Đó là ước mơ của An từ hồi còn bé xíu - chết khi còn là một chú gà con. Có lẽ như vậy lại tốt với An hơn - cô nhóc với đôi mắt đen láy rất đẹp của anh, cô nhóc có khuôn mặt tròn phúc hậu, cái miệng rộng và nụ cười hơi méo mó theo một kiểu chẳng ai hiểu được. Đôi tay An cũng rất đẹp, đặc biệt là khi vẽ. Dạo gần đây An chuyển sang vẽ người - một cô gái mặc váy trắng, mắt to tròn, tóc hoe hoe, ôm trên tay xác những con lợn chết trắng hếu và bé tí.

Ảnh: Dear.vn

Mẹ bảo anh dù gì thì cũng đừng yêu con bé ấy. Mẹ anh hiền dịu và biết cảm thông, nhưng cũng như tất cả mọi người, mẹ nghĩ rằng An mắc chứng tự kỉ, và như thế chỉ khổ anh mà thôi. Mẹ không muốn tương lai đứa con trai duy nhất của mình bị trói vào tương lai một đứa con gái có vấn đề về thần kinh, lại là con nhà đồ tể. Người trong xóm cũng khuyên anh tránh xa An. Họ bảo, anh sẽ bị vong của những con lợn đã chết dưới tay con Lý thằng Lý ám cả đời nếu cứ gần gũi con bé như thế. Anh sẽ chìm vào những cơn ác mộng không thể nào thoát ra được, và một ngày nào đó anh cũng sẽ dở điên dở dại như bố con nhà nó thôi.

Anh nào tin vào điều ấy. Nhưng có một đêm, anh đã mơ. Anh mơ thấy cái thủ lợn đang thối rữa dần bay lơ lửng trước mặt anh, thứ mùi hôi thối nồng nặc xông thẳng lên cánh mũi khiến cơn buồn nôn trào lên họng. Rồi cái thủ lợn nhếch bộ hàm méo mó của nó lên như đang cười, đúng thế, đang cười. Và những tiếng “éc éc” thảm thiết của con lợn bị chọc tiết vang lên chói tai khiến anh bật dậy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Anh khẽ rùng mình, đêm đó và nhiều đêm sau đó nữa, anh không thể nào ngủ yên nổi. Cái thủ lợn thối rữa cứ chờn vờn trước mặt. Anh ăn món gì cũng cảm thấy không ngon.

Anh làm đủ mọi cách xua đi những hình ảnh ấy trong đầu mình, nhưng xem ra vô dụng. Một ngày khi anh đang ngồi ở hiên nhà chị Lý ngắm An đọc sách, chị Lý bỗng tiến đến ngồi xuống bên cạnh anh. Đôi tay chị sạch trơn, nhưng anh nhìn đôi tay ấy bất ngờ lại tưởng tượng ra toàn những tiết lợn. Giật nảy mình, anh xém hét lên. Chị Lý thấy anh như vậy, lặng lẽ thở dài. Chị bảo, anh là người bạn duy nhất của con gái chị, vậy mà anh cũng sợ chị sao?

Anh lắc đầu, tự nhủ bản thân không được phép như vậy nữa. Mà sợ cũng phải, chị lại ậm ừ. Đến chị còn phải sợ chính mình, đôi mắt chị buồn buồn. Anh bảo chị có thần kinh thép. Chị gật đầu, chắc vậy, nhưng chị bảo rằng chị không hẳn bình thản như người ta thường thấy đâu. Và chị bắt đầu khóc. Mổ lợn là nghề gia truyền bên họ ngoại chị. Thế mà đến đời chị làm cái nghề này, mẹ chị rồi con trai chị bất ngờ ra đi như thể gặp báo ứng, chồng chị vốn dĩ bản lĩnh cũng trở nên thần kinh. Chị bảo, đêm đêm chị đều mơ về những con lợn đã chết dưới lưỡi dao của chị. Nhưng ngoài nghề ấy ra chị còn biết làm nghề nào nữa! Các lái buôn, các thương gia, các nhà hàng trên phố đều quen mặt chị Lý thịt lợn, công việc làm ăn của chị cứ phát đạt lên từng ngày. Chị không đủ can đảm mà bỏ nghề. Xoay sở làm một nghề khác, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh đâu phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi chị còn phải chăm lo cho người chồng trong viện cùng đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Phải thế mới có tiền cho con chị nó học hành, chị cười trong làn nước mắt chảy tràn trên đôi gò má cao nứt nẻ vì khói đốt củi.

Chị Lý chỉ còn lại mỗi đứa con gái, cho nên dù người ta có nói thế nào, chị cũng nhất quyết cho rằng nó rất bình thường. Chị nâng niu nó vô cùng tận. Anh, anh cũng nghĩ là An bình thường. Có thể An hơi khác biệt với chúng bạn, nhưng sâu thẳm bên trong An, anh tin, và anh biết, An rất bình thường, như bao thiếu nữ khác trên mảnh đất này thôi. An cũng lớn khôn, cũng học hành, cũng có ước mơ, hi vọng. Và chắc là, cũng có một bóng hình trong tim.

Anh mong rằng bóng hình đó là anh. Nhưng anh vẫn cứ mơ những giấc mơ kì lạ mỗi ngày, và gặp An anh đâm sờ sợ. Anh sợ cái gia đình làm nghề đồ tể của An chăng, hay do người làng đã tiêm nhiễm vào đầu anh quá nhiều định kiến? Hay có thật rằng anh đang bị vong của những con lợn chết dưới tay chị Lý anh Lý ám không?

Anh cố vượt qua nỗi sợ ấy mỗi ngày. Anh cố vượt qua những cơn mơ, những cái sọ và hàm răng trắng nhởn, những tảng thịt hôi thối long ra từng mảng, những tiếng kêu thống thiết... mà lần nào tỉnh dậy cũng khiến người anh đầm đìa mồ hôi lạnh. Bởi vì tình yêu anh dành cho chú gà con bé bỏng của anh còn lớn hơn nỗi sợ hãi ấy. An vẫn vậy, vẫn gai góc và lì lợm câm nín trước thiên hạ ác độc, vẫn một mình chống chọi lại từng tràng cười, từng câu rủa xả của chúng bạn. Những bức vẽ của An gần đây thường vẽ hình một cô gái người đầy thương tích đứng trên một đống những cái đầu lợn trơ xương trắng nhởn, đằng sau là khói bốc mù mịt cùng bụi tro xám xịt. Hoặc một cô gái đang tự bịt mắt mình lại, tai thì nhét đầy những chiếc lá nhỏ màu xanh...

Lần đầu tiên An lên tiếng nói chuyện với anh kể từ đợt anh bắt đầu đi học đại học là năm An mười bảy tuổi. Thường những lần về quê anh vẫn hay tâm sự với An mọi chuyện, chuyện học hành, chuyện làm thêm, chuyện bè bạn và các mối quan hệ, anh cứ ngồi nói còn An cứ ngồi vẽ trong im lặng - cũng không biết An có nghe gì không? Ngày hôm đó cũng vậy. Nắng đẹp chiếu xiên xiên lên mái tóc hoe hoe của An, và đôi tay An thoăn thoắt lướt từng đường lên tờ giấy trắng đặt trên đùi.

- Anh mới tốt nghiệp đó cô bé. – Ngồi bên cạnh An trên hiên nhà ông nội, anh vu vơ nói mà không hi vọng nhận được câu trả lời. – Giờ là lúc chạy vạy khắp nơi nộp hồ sơ xin việc. Chẳng biết anh có kiếm được việc làm không nữa? Hay cứ lông bông mãi thôi... vì anh cũng không giỏi giang gì, càng không có ước mơ...

- An... – An bất ngờ lên tiếng cắt ngang câu chuyện của anh khiến anh giật mình ngỡ ngàng. - Có một ước mơ đấy.

Trợn tròn mắt, anh quay phắt ra nhìn An. Có phải An vừa lên tiếng, sau bao nhiêu tháng ngày chỉ lấy sự im lặng ra mà đáp trả cuộc đời? An gật đầu như thể xác nhận với anh, vâng, chính nó vừa lên tiếng. Và nó mỉm cười nụ cười rất hiền sáng bừng khuôn mặt.

- An muốn xuống Hà Nội học như anh vậy. Học thiết kế nội thất.

- Thiết kế nội thất? - Không biết phải phản ứng ra sao bởi còn đang sửng sốt, anh máy móc nhắc lại những chữ An vừa thốt ra.

- Vâng. Học rồi An sẽ đi làm thiết kế nội thất. An sẽ kiếm thật nhiều tiền, và dùng đôi tay này thiết kế cho mẹ một căn nhà đẹp hơn bất cứ căn nhà nào trong xóm. Khi nào An đi làm rồi, mẹ sẽ không phải đi mổ lợn nữa. Mẹ sẽ đón bố về, nhà An sẽ sống thật hạnh phúc và vui vẻ trong căn nhà đẹp nhất xóm ấy. Hoặc không, không, anh ạ, nhà An sẽ chuyển đi thật xa, xa khỏi cái xóm này. Nhưng anh và ông nội hãy chuyển đi cùng An nhé... Đừng ở lại nơi này anh ạ. Không tốt đẹp gì đâu!

Ảnh: tinbandoc.blogspot.com

An không những đã lên tiếng, mà còn nói rất nhiều nữa. Cứ như thể cô bé con tám tuổi hay lau chau “kiếp trước An là con gà con” đang trở lại trong thân xác mười bảy xinh đẹp này. Biết An cũng có một giấc mơ như bao người khác khiến anh chợt cảm thấy lạ lẫm. Và bỗng nhiên anh thấy may mắn - bởi anh, có lẽ là người duy nhất biết được những điều ẩn giấu trong trái tim An. Giống như vừa đạt được một chiến tích lớn, anh vui vẻ như đứa trẻ nhận được quà. Đêm hôm đó, sau nhiều đêm dài trằn trọc, mệt mỏi, anh không còn mơ thấy những cái thủ lợn rướm máu nữa. Không, anh làm sao phải mơ về những thứ khủng khiếp ấy. Mọi thứ chẳng là gì cả - khi An của anh đã gạt bỏ tất cả để tiến bước lên phía trước. An sẽ thành công thôi, chắc chắn rồi, với sự mạnh mẽ và quyết tâm của An, An sẽ trở thành một nhà thiết kế nội thất, sẽ kiếm được thật nhiều tiền, sẽ đưa được bố mẹ An ra khỏi chốn địa ngục của sự tăm tối, tù túng này.

Và An sẽ yêu anh - người vẫn luôn ở bên An suốt những tháng ngày thơ ấu, người đã trót lỡ say đắm đôi mắt trong veo của An hơn bất cứ thứ gì trên thế gian này. Một cái kết thật đẹp!

An cũng tin rằng cái kết đó thật đẹp, với cả An và anh. Nó còn một năm nữa sống ở cái làng này, một năm cuối cùng trước khi nó khăn gói lên đường tìm kiếm một nơi nào đó thuộc về mình.

...

Nhưng cuộc đời thật biết trêu đùa những kẻ nhỏ bé. Mười chín tuổi, An thi đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp, nó bắt đầu đi học ở thủ đô. Mười chín tuổi, An xinh rực rỡ như đóa hoa rừng. Anh lúc đó đã hai mươi lăm, bố mẹ bắt đầu giục kiếm một cô vợ về cho bố mẹ sớm có cháu bế bồng. Hai mươi lăm tuổi, anh tỏ tình với An mười chín, họ bắt đầu hẹn hò. Cuộc đời hai người tràn ngập tình yêu, tưởng như họ chẳng bao giờ hết đắm say nhau được.

Rồi ở quê báo tin mẹ An mất. An sững sờ, cùng anh vội vã bắt xe về quê. Ông nội buồn bã kể rằng anh Lý hôm đó được xuất viện, chị Lý bận nên nhờ ông qua đón anh về nhà, vui mừng vô cùng vì cứ nghĩ rằng thần kinh anh đã ổn. Và quả thật trông anh Lý rất ổn, cho đến khi anh nhìn thấy chị Lý lúc đó đang dở tay giết lợn chạy ra, quên không đặt lại trên sân con dao mổ lợn dính đầy những máu. Bất ngờ anh sững lại, bất ngờ anh hét lên, rồi anh lao vào chị như con thú đói mồi. Nước mắt anh giàn giụa, vật lộn với chị một chớp nhoáng anh đã cướp được con dao. Ông nội anh chưa kịp phản ứng gì, chỉ kịp hét lên một tiếng, anh Lý đã đâm thẳng con dao vào bụng chị...

An từng nói với anh chưa bao giờ nó tin vào chuyện nhân quả, nghiệp báo. Nhưng ngày hôm ấy, nghe ông nội kể lại mọi chuyện, nhìn người cha điên đang ngồi giữa nhà vò đầu bứt tai với đôi mắt đờ đẫn, nhìn người mẹ nằm im lìm bên dưới tấm vải liệm trắng tinh, có cái gì đã thay đổi trong đôi mắt đen láy của An. Bà, anh trai, bố và giờ là mẹ - có lẽ hồn ma những con lợn đã chết dưới tay bố mẹ An đang bám riết lấy gia đình nó thật chăng? Có lẽ cả đời không bao giờ cái nghiệp chướng này chấm dứt nổi? Bỗng nhiên An nghĩ đến kiếp trước của mình. Kiếp trước nó là một chú gà con, đã chết khi lông còn vàng hoe và mỏ còn kêu chiếp chiếp, và đã được chôn dưới góc nào đó trong sân nhà bà ngoại. Nếu như An cứ im lìm nằm mãi ở góc vườn đó thì tốt. Nếu như An cứ nằm mãi ở đó, giương đôi mắt đã chết của mình ra nhìn thế giới bước từng bước một chậm chạp, nặng nề, mà không bao giờ đầu thai thành người, thì thật tốt. An sẽ nhìn đám người bọn họ chế nhạo nhau, nhìn họ dèm pha nhau, cô lập nhau, nhìn họ bằng lời nói làm tổn thương nhau theo một cách thức rõ là luôn luôn sinh động, màu mè và đầy sáng tạo.

Anh nhìn An ngày hôm ấy, cảm thấy chẳng điều gì trên thế gian có thể bi kịch bằng cô gái bé nhỏ với gương mặt rúm ró lại vì đau khổ đang đứng trước mặt mình đây. Nước mắt ướt đẫm gò má mùa đông đỏ ửng vì nứt nẻ. Khuôn miệng rộng của An mím chặt lại như đang cố nuốt trôi tất cả những ấm ức và đắng cay. Anh lặng lẽ với tay ra nắm lấy bàn tay An, nhưng An hất tay anh ra ngay lập tức.

Lo ma chay cho mẹ xong, An gửi bố vào lại bệnh viện tâm thần, vừa học vừa làm kiếm tiền trang trải viện phí. Chuyện sáng đi học, chiều và tối đi làm khiến An ngày càng kiệt quệ, nó gầy quắt đi, da đen sạm, mắt thâm quầng, tay chân đầy những vết chai. Tóc tai nó lúc nào cũng rối bời, và nó chẳng còn thời gian để tâm đến chuyện ăn mặc. An thậm chí bắt đầu biết uống rượu, hút thuốc lá. Anh can ngăn thế nào nó cũng không nghe. An bảo, trước đây nó cũng ghét những người uống rượu, hút thuốc lá. Trước đây nó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành con người như thế này.

- Nhưng anh ạ... - An cười nửa miệng nhìn anh, tay phải vẫn đang cầm điếu thuốc. - Hút thuốc và uống rượu thích lắm. Khi khói thuốc, hơi men xông lên đầu óc, anh sẽ không còn nhớ đến mẹ nữa... Anh cũng sẽ ngủ thật ngon mà không mơ thấy những cái thủ lợn xếp thành hàng dài, xương và máu me, và tiếng kêu, tiếng gào thét, và bóng tối, và ma quỷ... Không, không một điều gì nữa anh ạ...

Không can nổi, anh đành để mặc An như vậy. Điều duy nhất anh có thể làm cho An là mỗi ngày đến nấu đôi bữa cơm gọi là đủ dinh dưỡng, không để An ăn đồ mua bên ngoài; mỗi tháng phụ An chút tiền viện phí. Nếu anh là một tay giàu có thì hẳn mọi chuyện đã êm đẹp rồi – anh sẽ lo viện phí của bố An còn nó chỉ việc đi học - nhưng đáng buồn làm sao, anh lại chỉ là một thằng làm công ăn lương tầm thường, kém cỏi. Cuộc đời cứ đáng buồn với tất cả mọi người như vậy - với bố mẹ anh ở nhà đang chờ đợi thằng con trai duy nhất lập gia đình, với anh Lý dở điên dở dại trong bệnh viện, với những người làng độc địa dù ngày ngày đều ăn thịt lợn chính tay chị Lý mổ nhưng đến khi chị Lý chết rồi lại vẫn có thể thản nhiên mà bảo rằng sống làm điều ác nên mới bị quả báo... Anh và An cùng nhau chật vật bước qua những tháng ngày khốn khổ ấy. Thậm chí họ không thể về quê. Cả làng đã nghiễm nhiên coi người duy nhất còn sống của cái nhà đồ tể thất đức không còn là người làng nữa. Họ cho rằng rồi An cũng sẽ phải gánh cái kết cục như cả gia đình nó thôi. Và kẻ ở bên cạnh An - tức là anh, cũng chịu số phận tương tự: là người làng nhưng không phải là người làng.

Bất chấp những điều đó, có lần anh ngỏ ý xin phép bố mẹ cho anh cưới An, bố mẹ nhất quyết phản đối. Hồi chị Lý còn sống họ đã phản đối rồi, giờ chị Lý chết, An không khác gì đứa trẻ mồ côi. Bố mẹ nào lại cho con trai lấy một người như thế, rồi mà cùng nghèo đói, cùng khốn khổ với nhau?

Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất cuộc đời hai đứa, cũng là khoảng thời gian anh hoài niệm nhiều nhất về những ngày xưa khi cả hai còn nhỏ, còn nắm tay nhau đi dạo trên triền đê lồng lộng gió, nhìn xuống một bên là cánh đồng xanh mướt gió rì rào và bên kia con sông Hồng đục ngầu cuộn lên từng đợt từng đợt sóng... Anh thường mơ về cảnh ấy - anh hái bông hoa dại màu trắng cài vào kẽ ngón tay An trong khi An thao thao những câu chuyện kì lạ của đầu óc trẻ thơ mà anh chẳng thể nào hiểu nổi. Và bỗng nhiên anh nhớ lại giấc mơ đầu tiên của An: nếu tất cả chúng ta đều là những chú gà con, nếu chúng ta đều chết khi chưa lớn, mang lên thiên đường trái tim trong veo như một giọt sương mai không vướng đọng chút bụi trần, thì có lẽ cuộc đời này sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều chăng...

Ảnh: guu.vn

Rồi đến cả anh Lý cũng treo cổ tự tử trong viện. An khóc nhiều, còn anh thì giấu đi sự nhẹ nhõm trong lòng khi thấy An đã bớt đi một gánh nặng: tiền viện phí. Cuộc sống trở nên dễ thở hơn một chút với An và anh - giống như một sự giải thoát.

Hai người họ thuê chung một căn phòng nhỏ, tự đi đăng ký kết hôn, tổ chức một đám cưới bí mật. Cả hai đều nghèo nên cuộc sống vất vả vô cùng, mỗi ngày đều nhăn nhó với chuyện tiền phòng, tiền điện nước, tiền thức ăn, tiền những thứ lặt vặt như xăng xe, ga, bột giặt, mắm muối... An vẫn nghiện thuốc lá, nghiện rượu không bỏ được dù bây giờ An không còn phải xoay sở quá nhiều thứ như hồi trước nữa, nỗi đau cũng đã phai nhạt dần. Tóc An vẫn xơ xác, đôi mắt vẫn thâm quầng, hàm răng thì vàng đi và đôi môi nứt nẻ. Nhưng nghe lời anh, An cố gắng hạn chế động vào những thứ độc hại ấy. Mọi thứ qua cả rồi. Khổ đau và nước mắt cũng qua rồi. Giờ họ chỉ đơn giản là ở bên nhau thôi, bám víu nhau mà sống tiếp. Họ đâu thể kiếm lại nụ cười giòn tan như những ngày xưa đầy mùi nắng, gió, mùi lúa và khói đốt đồng ấy. Không thể, bởi ngay từ đầu cách duy nhất để có được một nụ cười vĩnh cửu là đừng bao giờ trồi lên từ dưới lớp đất đen, đừng bao giờ đầu thai, hãy cứ nằm im ở đó. Họ đều tự hiểu với nhau rằng, chấp nhận sống tức là chấp nhận vượt qua những khổ đau.

Đứa con gái đầu lòng của hai vợ chồng trông hệt như An hồi nhỏ. Con bé được ba tháng thì hai người bế cháu về ra mắt bố mẹ và xin bố mẹ tha thứ. Bố anh, chưa bao giờ chịu chấp nhận An, đứng ngay dậy, vớ lấy điếu thuốc lào, hằm hằm bỏ sang nhà hàng xóm ngồi, suốt cả ngày hôm ấy không về. Mẹ thì vẫn ngồi đó, anh nhìn thấy trong đôi mắt mẹ anh nỗi thất vọng, đau khổ tột cùng. Anh bảo mẹ hãy thử bồng con bé một chút xem. Ban đầu mẹ nhất quyết không chịu. Nhưng rồi nhìn anh, nhìn An, mẹ mím môi, và một lúc thì tay mẹ run run chìa ra trước mặt con bé. Con bé theo mẹ ngay, thậm chí còn nở một nụ cười giòn tan nắng hạ. Trước một nụ cười trẻ thơ, tất cả những đắng cay của cuộc đời người lớn không còn nghĩa lý gì hết. Và mẹ rơi nước mắt - giọt nước mắt cả đời này anh cũng không quên, giọt nước mắt đã quyện vào đôi má con gái anh ửng đỏ.

 

Bạn đang đọc báo người việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com.

Xin cảm ơn!

Tác giả: CTV Thảo Nguyên

Tin mới trong ngày