Cuộc điện đàm lịch sử của lãnh đạo hai cường quốc Nga - Mỹ
Dư Hoàng 05/04/2017 07:00 AM
Theo đúng kế hoạch, ngày 2/5 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có điện đàm trực tiếp lịch sử với Tổng thống Nga Putin. Nội dung chính là thảo luận về Triều Tiên, Syria, hai điểm nóng và nguy hiểm nhất thế giới hiện nay, cho thấy triển vọng hai bên tăng cường hợp tác về vấn đề Syria và tập trung vào việc xác lập vùng an toàn ở những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Thông báo của Tòa Bạch Ốc cho biết, nguyên thủ Nga và Mỹ đã nói về những nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông, cuộc nội chiến Syria cũng như bàn thảo về giải pháp xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên. "Họ đã thảo luận về cách tốt nhất để giải quyết tình hình đang rất căng thẳng ở Triều Tiên". Trong thông cáo cũng cho hay trọng tâm cuộc điện đàm là nội chiến Syria, "Tổng thống Trump và Tổng thống Putin nhất trí rằng nội chiến đẫm máu ở Syria đã đi quá xa, kéo dài quá lâu và tất cả các bên phải làm tất cả họ có thể để chấm dứt tình trạng này".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Post

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nêu rõ, hai bên nhất trí đấy mạnh đối thoại giữa cơ quan ngoại giao hai nước nhằm tìm kiếm các phương án cho phép củng cố, duy trì lệnh ngừng bắn ở Syria và triển vọng phối hợp hành động chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng cũng như Tổng thống Nga kêu gọi kiềm chế và giảm căng thẳng tình hình bán đảo Triều Tiên. "Hai nhà lãnh đạo đã bàn về các vùng an toàn để đạt được hoà bình lâu dài cho nhân loại và cho nhiều lý do khác”.

Tòa Bạch Ốc đã cho biết về cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo diễn ra tốt đẹp, lãnh đạo hai quốc gia đồng ý sẽ có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 7 bên lề cuộc họp thượng đỉnh quốc tế G20 diễn ra tại Hamburg, Đức.

Trước đó, Tòa Bạch Ốc đã xác nhận thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Trump với ông Putin qua điện thoại vào lúc 12h30 phút trưa ngày 2/5 (giờ miền Đông của Mỹ).

Về phía Điện Kremlin cũng tuyên bố ông Trump và Putin sẽ tìm cách tăng cường tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhằm đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao về Syria. Điện Kremlin miêu tả cuộc điện đàm “mang tính xây dựng”, và “trao đổi,” nhưng không đề cập đến các vùng an toàn như trong thông cáo của Tòa Bạch Ốc.

Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ của hai cường quốc trên thế giới vừa diễn ra là cuộc điện đàm thứ 3 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Cuộc điện đàm được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Trump sáng 7/4 ra lệnh nã 59 tên lửa Tomahawk tấn công các mục tiêu thuộc sân bay quân sự Shayrat, tỉnh Homs, Syria, hành động được ông Putin mô tả vụ không kích của Mỹ là “hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra hôm 28/1, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga cũng thảo luận cuộc chiến chống khủng bố, diễn biến tại Syria và Ukraine. Lần gọi thứ hai là vào ngày 3/4 khi đó ông chủ Tòa Bạch Ốc gửi lời chia buồn tới người đồng cấp về vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thành phố St Petersburg, khi một quả bom phát nổ trên tàu điện ngầm làm chết 11 người.

Cuộc điện đàm lịch sử của lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Hiện Mỹ vẫn đang có những cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống nước này năm 2016 và khả năng các quan chức vận động của ông Trump liên lạc với điện Kremlin. Uỷ ban Quốc gia Dân chủ Mỹ chỉ trích quan điểm của ông Trump về phía Nga, gọi cuộc điện đàm là một trong những chiến lược "xoa dịu" của chính quyền Mỹ.

Cũng vào ngày 2/5, Thượng viện Mỹ đã nhất trí không soạn dự luật về biện pháp trừng phạt mới chống Nga khi người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện - Bob Corker đã thông báo khi trả lời phỏng vấn của Politico.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Kazakhstan thông báo phe đối lập Syria vừa xác nhận sẽ tham gia vòng đàm phán về cuộc khủng hoảng Syria, dự kiến diễn ra vào ngày 3/5 tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Được biết, phái đoàn đại diện của chính phủ Syria cũng đang trên đường đến Astana để tiến hành vòng đám phán thứ 4 về khủng hoảng Syria ở Astana. Ba vòng đàm phán trước đó diễn ra vào các ngày 23 - 24/1, 16/2, 14 - 15/3, đều không có kết quả.

Tác giả: Dư Hoàng

Tin mới trong ngày