Cuộc đời và sự nghiệp của diễn viên kiêm nhà toán học Hedy Lamarr
Diên Vỹ (Tổng hợp) 08/13/2017 06:30 PM
Hedy Lamarr là nữ diễn viên, ngôi sao điện ảnh, nhà toán học người Mỹ gốc Áo, bà cũng là nhà phát minh ra các kĩ thuật truyền thông trải phổ và nhảy tần sơ khai, thứ cần thiết cho giao tiếp không dây từ trước kỷ nguyên máy tính cho tới ngày nay còn được gọi là sóng vô tuyến.

1. Cuộc đời của Hedy Lamarr 

Lamarr tên khai sinh là Hedwig Eva Maria Kiesler sinh năm 1914 tại Vienna, Áo - Hung. Bà là con gái duy nhất của bà Gertrud “Trude” Kiesler và ông Emil Kiesler. Mẹ bà là một nghệ sĩ dương cầm người Budapest gốc Do Thái thuộc tầng lớp tư sản cấp cao. Theo Stephen Michael Shearer, nhà nghiên cứu tiểu sử Lamarr, khẳng định rằng mẹ bà đã cải từ Do Thái giáo sang Công giáo và là tín đồ Cơ Đốc giáo tập sự. Cha của Lamarr là một chủ ngân hàng người Do Thái không theo đạo sinh ra ở Lemberg.

Lamarr kết hôn sáu lần và có ba con, một trong số đó là con nuôi. Lamarr qua đời tại Casselberry, Florida vào ngày 19 tháng 1 năm 2000, thọ 85 tuổi.

Ảnh: media.licdn.com

2. Hòa quang nghệ thuật của Hedy Lamarr

 

Năm 1933 (ở tuổi tròn 20), Kieskerl vào vai người đàn bà trẻ phản bội ông chồng già trong bộ phim có tên gọi "Ngất ngây". Với một số cảnh trong bộ dạng không mảnh vải che thân, lúc ẩn lúc hiện sau những rặng cây, Kiesker đã thực sự gây một "cơn sốt" với những người ngồi trước màn ảnh.

Ảnh: i.pinimg.com

Sau khi tham gia bộ phim ít lâu, Kiesker kết hôn với một nhà buôn tranh cỡ bự tên gọi Friedrich Mandl. Ông này, mặc dù vẫn lấy làm khoái chí bởi nhan sắc và sự nổi tiếng của vợ, song dường như lại không chịu đựng nổi việc hình ảnh "khêu gợi" của vợ bị phơi bày trên màn ảnh. Đó chính là lý do khiến ông phải bỏ nhiều thời gian và công sức để lùng mua các phiên bản của bộ phim "Ngất ngây" nhằm quẳng chúng vào lò lửa. Dĩ nhiên, mọi cố gắng của ông chỉ có mức độ.

Ảnh: doctormacro.com

Năm 1937, Kiesker sang Mỹ tìm cơ hội làm ăn. Tại đây, cô đã gặp nhà làm phim của Hãng MGM và ký được một hợp đồng 700 USD mỗi tuần với cái tên mới: Hedy Lamarr (việc cô lấy họ Lamarr là để tưởng nhớ diễn viên nổi tiếng Barbara Lamarr).

Năm 1938, bộ phim "Algiers" - bộ phim đầu tiên cô tham gia trên đất Mỹ đã trở thành một sự kiện ở Hollywood. Tiếp đó, bộ phim "Samson và Delilah" cũng gây được ấn tượng mạnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lamarr đã bước lên hàng những diễn viên đắt giá nhất ở Hollywood. Bản thân Lamarr cũng rất ý thức được vị trí của mình. Từng có lần cô phải thừa nhận: "Tôi là ngôi sao nổi bật và đắt giá nhất ở Hollywood nhưng tôi cũng là một người... khó chơi.". Một số nhà phê bình thì lại cho rằng, Hedy Lamarr "chẳng có tài cán gì" ngoài "nhan sắc tuyệt mỹ" và cái "tài" dám "phơi mình trên màn ảnh".

 

3. Bằng sáng chế để đời của Hedy Lamarr

Ảnh: bradkronendotcom.files.wordpress.com

Những năm đầu thập kỷ 1940, bà gặp nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano George Antheil, người tiên phong trong lĩnh vực cơ giới hóa âm nhạc và tự động đồng bộ hóa các nhạc cụ. Cặp đôi này cùng nhau suy nghĩ việc áp dụng các nguyên tắc của pianola vào một hệ thống thông tin bí mật giúp chống nhiễu sóng cho các loại ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Liên tục biến đổi tần số là điểm mấu chốt trong phát minh của Hedy, bà đã phác họa ý tưởng của mình trên mặt sau của một chiếc khăn ăn. Nói cách khác, tín hiệu sóng vô tuyến luôn thay đổi tần số khiến chúng không thể bị chặn.

Tháng 08 năm 1942, Lamarr và nhà soạn nhạc George Antheil được cấp bằng sáng chế cho hệ thống thông tin bí mật này.

Theo Stepehn Michael Shearer, người viết tiểu sử của Lamarr đồng thời là tác giả của cuốn "Beautiful: The Life of Hedy Lamarr", cho rằng có hai lý do khiến hệ thống không được ứng dụng ngay.

Thứ nhất, tại thời điểm đó chính phủ không hiểu hoặc chưa phải là thời điểm phù hợp cho ý tưởng về một hệ thống truyền thông không dây. Lý do thứ hai có thể là do lý lịch bất thường của các tác giả phát minh. "Hedy đã đi trước thời đại của bà tới 20 năm.", Anthony Loder, con trai của bà chia sẻ. Anh này nói thêm rằng mẹ của mình không hề có ý định kiếm tiền từ phát minh trên. Bà đã giao nó cho Hải quân Mỹ.

Mãi tới 20 năm sau, khi vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba xảy ra, phát minh của bà mới được ứng dụng cho các mục đích quân sự lẫn dân sự. Trong những năm 1960, bằng sáng chế này được sử dụng để phát triển hệ thống thông tin liên lạc không dây quân sự để điều khiển tên lửa.

Ngày nay nó là công nghệ phổ biến lan rộng trong hệ thống điện thoại di động, mã hóa vệ tinh… và những thành tựu khác.

Vì bằng sáng chế đã hết hạn trước khi được đem ra sử dụng, nên Hedy đã không bao giờ được hưởng lợi từ ý tưởng của bà. Nhưng cuối cùng, tài năng của bà đã được công nhận. Hedy mất ngày 19 tháng 01 năm 2000 và được tưởng nhớ nhờ sắc đẹp và trí tuệ của mình.

Tác giả: Diên Vỹ (Tổng hợp)

Tin mới trong ngày