Cuộc đối đầu giữa ông Trump và bang California leo thang
Trang Lu 02/09/2017 10:00 PM
Căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và giới chức bang California đang leo thang thành một cuộc “chiến tranh chính trị” toàn diện.

Kể từ cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào năm 2016, Thống đốc bang California Jerry Brown đã có những phát ngôn mang tính "chống đối" đầu tiên với chính quyền của ông Trump. Ông Brown thẳng thừng tuyên bố sẽ nỗ lực đảo ngược chính sách môi trường của Tổng thống Trump, cùng đồng minh chiến đấu chống lại Tổng thống trên tất cả mặt trận, từ các “thành phố trú ẩn” đến chính sách môi trường. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại California đề ra dự luật nhằm bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp tại tiểu bang này, đồng thời cấp chi phí trả cho các luật sư bào chữa cho những người có nguy cơ bị trục xuất. Trước đó, tháng 01/2017, California đã thuê cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder làm cố vấn pháp lý để chuẩn bị cho cuộc chiến với chính phủ liên bang của ông Trump.

Tháng 12/2016, tại buổi gặp Liên đoàn vật lý Mỹ tại San Francisco, trước lo ngại ông Trump có thể loại bỏ bộ phận khoa học trái đất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), ông Brown nói: "Chúng tôi đã có các nhà khoa học, chúng tôi đã có các luật sư và chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu" đồng thời cam kết: "Nếu ông Trump để các vệ tinh ngừng hoạt động, California sẽ phóng vệ tinh của riêng mình".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Time

Trong tuyên bố chỉ trích dự luật của California là "khôi hài", ông Trump bắt đầu bằng phát súng đe dọa sẽ cắt kinh phí nếu bang này cố trở thành "bang trú ẩn" (mục đích bảo vệ người nhập cư trước sắc lệnh cấm người nhập cư tạm thời của ông Trump). Trong một cuộc phỏng vấn, tân Tổng thống Mỹ chỉ trích các nhà lập pháp California vì theo đuổi luật tiểu bang mà hạn chế các lực lượng hành pháp địa phương hợp tác với cơ quan di trú liên bang, cụ thể là dự luật SB54 của Thượng nghị sĩ Kevin De Leon. Ông mô tả các "thành phố trú ẩn" đang nuôi dưỡng bọn tội phạm, và bang California đang "mất kiểm soát".

Đáp lại, Chủ tịch Thượng viện bang California Pro Tem Kevin de Leon nói: "Thay vì ngoài tầm kiểm soát, California đang tạo ra công ăn việc làm nhanh hơn so với bất kỳ bang nào và người nhập cư là chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế của chúng tôi". Ông phản pháo: "Chúng tôi là đầu tàu đổi mới và tăng trưởng việc làm. Chúng tôi đóng thuế liên bang hàng năm cao hơn ngân sách được nhận lại. Nền kinh tế của chúng tôi lớn thứ sáu thế giới và chiếm 13% GDP toàn nước Mỹ".

Như vậy, Thống đốc Brown đang sẵn sàng biến bang mà ông lãnh đạo thành tiền đồn chống lại ông Trump cũng như tìm cách chống trả các nỗ lực của chính quyền nhằm đảo lộn chính sách môi trường.

Thống đốc bang California Jerry Brown. Ảnh: PVP DEMOCRATS

Tổng thống Mỹ phải đối mặt làn sóng chỉ trích dữ dội ở California vì sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh tạm thời đối với người từ 7 nước Hồi giáo, khi tại bang này, ước tính hiện có 2,3 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi các thành phố lớn của bang như Los Angeles, San Francisco, Sacramento, đều có chính sách tích cực bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp. Không chỉ phải đối mặt với các chỉ trích từ California trong lĩnh vực công, ông Trump cũng chịu chỉ trích trong lĩnh vực tư khi các đại gia công nghệ ở thung lũng Silicon đã cùng ký kiến nghị (theo định chế bạn của Tòa án) lên Tòa Phúc thẩm số 9 tại San Francisco, hỗ trợ cho vụ kiện chống lại sắc lệnh của Tổng thống. Trong kiến nghị có nêu: "Người nhập cư hay con cái của họ đã thành lập hơn 200 công ty trong danh sách Fortune 500, tạo ra doanh thu hằng năm 4,2 ngàn tỉ USD và sử dụng hàng triệu lao động người Mỹ".

Ngày 07/02, cựu Thống đốc bang California Gray Davis cũng lên tiếng phản đối ông Trump vì lời đe dọa cắt ngân sách liên bang cấp cho bang California. Ông nói: "Ông ta không thể cứ vậy lấy tiền từ bang California". Ông Davis cũng phản đối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kiểm tra các "thành phố trú ẩn" và nhấn mạnh tỉ lệ tội phạm ở các thành phố này rất thấp. Los Angeles và San Francisco là hai trong số những thành phố lớn của California đã hạn chế hợp tác với cơ quan di trú liên bang. Ông cũng nêu ý kiến về vấn đề ly khai ở bang California: "Người dân California có quyền lựa chọn nếu họ muốn ly khai. Chúng tôi sẽ chỉ giữ tiền của chúng tôi và chính phủ Mỹ giữ tiền của họ" để nhắc nhở kinh tế California lớn hơn cả Nga, Pháp và chỉ xếp sau kinh tế Mỹ (nói chung), Nhật, Trung Quốc, Anh và Đức. Tuy nhiên, ông cũng cho biết ông sẽ không ký vào thỉnh nguyện thư đòi ly khai.

California là bang bỏ phiếu áp đảo chống lại ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Thậm chí, bang này còn có ý tưởng trưng cầu dân ý, tách ra khỏi nước Mỹ để trở thành quốc gia độc lập, sau khi ông Trump thắng cử.

Nhóm cực đoan California kêu gọi ly khai "Calexit', với chiến dịch Yes California Independence, khi cho rằng mối liên hệ chính trị - văn hóa giữa California và toàn thể nước Mỹ đang kìm hãm tiềm năng phát triển thực sự của bang. Nhóm này cũng cho rằng California đáng ra phải ganh đua với các nước, chứ không phải với 49 bang còn lại của nước Mỹ như hiện tại. Nhóm hướng tới mục tiêu đưa ra dự luật trưng cầu dân ý chính thức vào năm 2018, khi người dân California bầu chọn vị Thống đốc tiếp theo, mà nếu được thông qua, sẽ đưa bang California trở thành một đất nước riêng biệt. 

Mặc dù nghe rất không thực tế nhưng bản kế hoạch này thu hút sự chú ý đông đảo lớn từ dư luận, đặc biệt sau kết quả bầu cử chấn động ngày 08/11/2016. Nhà đầu tư Shervin Pishevar nổi tiếng còn lên tiếng cam kết sẽ rót khoản đầu tư kếch xù vào chiến dịch này.

Louis Marinelli, nhà hoạt động chính trị, chủ tịch của Yes California, mường tượng California là một thể chế độc lập trong lãnh thổ Mỹ, giống như Scotland và Vương quốc Anh dù chưa có hướng đi cụ thể cho việc California sẽ kiến nghị với theo cách nào để ly khai. Ông Marinelli nói sẽ "đi đường vòng", theo đó sẽ là một dự luật được cử tri bang này thông qua. Vào năm 2015, ông Marinelli từng bỏ ra 1.800 USD để đưa 9 đề xuất ly khai vào một dự luật của toàn bang dù kết quả là cả 9 đề xuất đều không nhận được đủ 400.000 chữ ký để xuất hiện trong dự luật. 

Hiến pháp Mỹ có quy định quy trình để một bang tham gia vào liên bang, nhưng chưa có phương thức cho một bang muốn phân tách. 

Người dân California biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống với phần thắng nghiêng về Donald Trump. Ảnh: Reuters/Noah Berger

Bang New York có thể là bang tiếp theo cấm thực thi các đạo luật nhập cư liên bang, bằng một dự luật mới đang xem xét. Nhằm phản đối lại sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống, Hạ viện bang (mà đảng Dân chủ chiếm đa số) đã thông qua một dự luật hôm 06/02, nhằm biến New York trở thành "bang trú ẩn". Đồng thời, những chương trình hỗ trợ cho các sinh viên nhập cư chưa có giấy tờ tại bang này cũng dự tính được thông qua. 

Mang tên "Luật Tự do bang New York", dự luật này sẽ cấm giới hành pháp địa phương và toàn bang New York tiến hành các vụ bắt giữ dựa trên những nghi ngờ về trạng thái nhập cư, đồng thời cấm cảnh sát địa phương cũng như New York thi hành luật nhập cư liên bang. Dự luật cũng sẽ đảm bảo cho những người phải đối mặt với tình trạng trục xuất có quyền tiếp cận các luật sư.

Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, các lãnh đạo Dân chủ mới có được đủ số phiếu cần thiết (77 phiếu thuận, 58 phiếu chống) để thông qua dự luật, mà thành phần phản đối gồm những ủy viên Dân chủ đến từ nông thôn, ngoại ô và các ủy viên Cộng hòa. Và chắc chắn, dự luật sẽ gặp phải nhiều rào cản ở Thượng viện (hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số). 

Tác giả: Trang Lu

Tin mới trong ngày