Cuộc khủng hoảng ở các quốc gia vùng Vịnh tiếp tục leo thang
Lu 06/09/2017 01:30 PM
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ và Kuwait nhằm giảm căng thẳng tăng cao giữa các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, cuộc khủng hoảng khu vực này tiếp tục leo thang khi các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đe dọa cấm vận kinh tế với Qatar, Bahrain nói "mọi lựa chọn" đang được đặt trên bàn cân nhắc, trong khi Doha khẳng định không thoả hiệp hay có ý định thay đổi chính sách đối ngoại của mình chỉ để giải quyết tranh chấp với các nước Arab vùng Vịnh.

Ngày 7/6, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Sabah từ UAE sang Qatar sau khi thăm Arab Saudi một ngày trước đó để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa các quốc gia vùng Vịnh.

Về phía Washington, ngày 7/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn đề xuất một cuộc họp của Nhà Trắng với giới chức vùng Vịnh để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông Trump đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamin bin Hamad Al Thani và sau đó điện đàm với Thái tử UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan, kêu gọi giảm căng thẳng. Đáng chú ý, Mỹ cũng tỏ rõ lập trường đứng về phía Qatar: Ngày 5/6, Ngoại trưởng Rex Tillerson kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh bình tĩnh và ngừng gây sức ép đối với Doha.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức Frank Walter-Steinmeyer và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng thuyết phục các nước trong khối từ bỏ cấm vận đối với Doha. Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khu vực - nổi bật là Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải cho các bên.

Tổng thống Donald Trump (giữa) cùng các lãnh đạo Arab và Hồi giáo. Ảnh: Reuters

Bất chấp nỗ lực của nhiều bên nhằm ngăn chặn leo thang xung đột, ngày 7/6, các cuộc thảo luận cứng rắn của các thành viên trong liên minh Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC) thổi bùng căng thẳng từ sau khi Saudi Arabia, Kuwait, UAE và Bahrain ngày 5/6 công bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ các tổ chức khủng bố và gây bất ổn cho tình hình Trung Đông.

Sau đó, chính quyền các nước Jordani, Libya, Yemen cũng như Maldives và Mauritius sau đó cũng tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar. Số nước Arab cô lập Qatar đã lên đến con số 9 khiến Trung Đông rơi vào khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Sau đó, Qatar đã thể hiện nỗ lực làm hòa với các quốc gia GCC để chấm dứt căng thẳng, khi ra lệnh trục xuất đại diện của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 7/6, Ngoại trưởng UAE nói Doha phải cam kết thay đổi chính sách tài trợ cho các nhóm vũ trang và cần có nhiều biện pháp kiềm chế kinh tế hơn nữa với Qatar nếu cần thiết, còn phía Bahrain và UAE tuyên bố sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt như cấm vận kinh tế với Qatar.

Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed Al Khalifa còn tuyên bố ông nghi ngờ về việc Qatar thay đổi thái độ và sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình, "mọi lựa chọn đang được cân nhắc để bảo vệ chúng tôi trước Qatar.

Cuộc khủng hoảng chính trị vùng Vịnh không chỉ gây chấn động Trung Đông mà còn gây rúng động thế giới bởi Qatar, một đất nước giàu có nhưng nhỏ bé nhưng lại là nhà sản xuất khí thiên nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới.

Trong khi nhiều quốc gia mong muốn làm bên thứ ba hoà giải cho căng thẳng này, thì Ngoại trưởng Arab Saudi cho rằng, các nước vùng Vịnh có thể tự giải quyết vấn đề của Qatar mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài. Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir nói "Chúng tôi không cần trung gian hòa giải, chúng tôi có thể giải quyết được giữa các nước GCC với nhau".

Vua Arab Saudi Salman bin Abdulaziz al-Saud. Ảnh:AFP

Arab Saudi đã ra tối hậu thư nếu Qatar thực thi trong 24 giờ một số điều kiện thì Arab Saudi sẽ bình thường hóa với Qatar, bao gồm trục xuất toàn bộ thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, trục xuất thành viên phong trào Hamas của Palestine, đóng băng tài khoản của những người này và những người bị nghi có liên quan, theo đài phát thanh Akhbar Al Aan.

Ngoài ra, Arab Saudi cũng được cho là yêu cầu Qatar lập tức hủy quan hệ ngoại giao với Iran, thay đổi chính sách của kênh truyền hình Al Jazeera để cơ quan này không phát sóng những tin tức đi ngược lại lợi ích của các nước vùng Vịnh và thế giới Arab.

Trước những yêu cầu này, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngày 8/6 cho biết, nước này không có ý định thay đổi chính sách đối ngoại của mình chỉ để giải quyết tranh chấp với các nước Arab vùng Vịnh và chính quyền Doha sẽ không bao giờ thỏa hiệp. Bộ Ngoại giao Qatar tiếp tục bác bỏ cáo buộc cho rằng Doha can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng như hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, lấy làm tiếc về quyết định cắt quan hệ ngoại giao của các nước vùng Vịnh.

Theo CNN, Bộ Quốc phòng Qatar gửi thông điệp tới các nước trong khu vực rằng họ sẽ bắn bất kỳ tàu hải quân nào đi vào vùng lãnh hải Qatar. Trong một nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, hoạt động quân sự gia tăng ở Qatar, trong khi quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động cao, đề phòng nguy cơ bị tấn công. Các nguồn tin tiết lộ, quân đội Qatar đã đưa 16 xe tăng Leopard dự trữ ra khỏi khu vực cất trữ ở thủ đô Doha, đồng thời các lực lượng không quân, hải quân cũng đã triển khai lực lượng ở các khu vực xung yếu, để chuẩn bị sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công quân sự tiềm ẩn của các quốc gia vùng Vịnh xung quanh.

Ngay sau khi có thông tin cho rằng quân đội nước này đặt biên giới với Arab Saudi trong tình trạng báo động cao, Bộ Quốc phòng Qatar ra thông cáo giảm nhẹ mức độ căng thẳng khi cho hay Bộ Quốc phòng luôn duy trì cảnh giác để bảo vệ biên giới Qatar từ trên đất liền, trên biển, trên không 24 giờ mỗi ngày và các ngày trong năm.

Trong lúc bị bao vây cấm vận, chính sách ngoại giao khôn khéo của Qatar đã phát huy tác dụng, khi các nước có quan hệ tốt với Qatar đã lên tiếng ủng hộ nước này.

Người dân Qatar đi lại trên đường phố có rất nhiều tòa nhà chọc trời. Ảnh: AP

Không chỉ Iran tuyên bố sẽ ủng hộ Qatar cũng như sẽ vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm tới nước này thông qua đường biển, đường hàng không, mà Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là đồng minh chủ chốt, đã tuyên bố triển khai quân đến căn cứ quân sự ở Qatar sau khi Quốc hội nước này thông qua trong ngày 8/6.

Theo tờ The Sun, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa quân đến căn cứ quân sự ở Qatar, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân lớn nhất tại Trung Đông khi dự thảo nghị quyết đã được thông qua với 240 phiếu thuận của đảng cầm quyền AK và phe đối lập MHP.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích việc các nước Arab cắt quan hệ bang giao với Qatar, nói rằng việc cô lập và trừng phạt không giải quyết được bất cứ điều gì và cam kết Ankara sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền hạn của mình để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, ngày 7/6, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zihid Hamidi đã bác bỏ thông tin cho rằng Malaysia đang chịu sức ép phải cắt đứt quan hệ với Qatar sau khi Doha bị 5 quốc gia Arab cô lập về ngoại giao. Ông Zihid khẳng định đây là căng thẳng giữa nội bộ các quốc gia Arab với nhau và hãy để họ tự giải quyết và Malaysia sẽ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Qatar.

Liên quan tới các lao động Việt Nam ở Qatar: Chiều ngày 7/6, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Qatar. Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiện có hơn 1.000 lao động của Việt Nam đang làm việc tại Qatar, chủ yếu làm công việc xây dựng cho các nhà thầu Hy Lạp, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Thông tin ban đầu cho thấy, tình hình việc làm, sinh hoạt của người lao động vẫn được đảm bảo bình thường, chưa có biến động hay chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng trong khu vực, đời sống anh em công nhân vẫn bình thường, hàng hoá và các nhu yếu phẩm vẫn có đầy đủ và không thiếu thốn gì. 

Trường hợp cần sự hỗ trợ, người lao động có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar điện thoại: +974 4412 8480, +974 4412 8365, +974 4412 8366, hoặc theo đường dây nóng +84 98 7476 466, +84 90 4240 468 hoặc +84 4 39366633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày