Đàn ông sợ điều gì ở phụ nữ?
CTV Đông Thảo (Thảo Nguyên Lương) 01/22/2018 08:00 PM
Ai cũng có thể đồng ý rằng đi kèm với trí tuệ chính là tham vọng. Chính tham vọng phát triển bản thân hơn nữa đã khiến con người ta không ngừng học học hỏi để trau dồi trí tuệ. Phụ nữ cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Đàn ông, vốn đã quen với suy nghĩ thống trị cả thế giới bằng sức mạnh cơ bắp và lời nói có trọng lượng, lại có một điểm yếu khiến họ dễ dàng gục ngã bất cứ lúc nào. Đó chính là nỗi sợ dành cho người phụ nữ. Nếu ngày xưa phái nam quy phục trước nhan sắc của những cô gái căng tràn sắc xuân, thì bây giờ họ đã có mối nguy mới để phải lo lắng. Những đặc tính được cho là của riêng phụ nữ như đỏng đảnh, khó chiều, hoặc ích kỉ, hay ghen… thực chất giới nào cũng có, và giới nào cũng cảm thấy khó chịu khi phải đối diện với những ai có bản tính ấy. Vậy chính xác thì đàn ông sợ điều gì ở người phụ nữ hiện đại?

1. Người phụ nữ quá thông minh

Bỏ qua thời kỳ mẫu hệ đã quá cổ xưa, đàn ông sinh ra, lớn lên trong nền giáo dục của chế độ phụ hệ: Đàn ông luôn đi trước, phụ nữ sẽ đứng sau hỗ trợ. Người đi trước được cho là người có trí tuệ vượt trội hơn, lại cộng thêm sức vóc to lớn hơn, đàn ông đã quá quen với việc họ sẽ luôn là người đúng, cũng như là người ra quyết định.

Ảnh: Anthony Tran

Thời nay, khi phụ nữ đã có quyền được học hành và có cơ hội tự phát triển bản thân, họ dần khẳng định sức mạnh trí tuệ của mình chẳng thua kém nửa còn lại của thế giới. Đã có biết bao phụ nữ trở thành minh chứng cho nhận định mới: Trí tuệ không phân định bởi giới tính.

Mối nguy mới hình thành từ đây. Đàn ông cảm thấy họ đang mất đi thế thượng phong, vị trí ở trên, ở trước, trọng điểm của gia đình, và sẽ có một ngày họ không còn nắm được quyền quyết định cuộc đời người yêu, vợ, hay con gái mình như trước nữa. Một người phụ nữ thông minh sẽ không bao giờ để cuộc đời mình bị định đoạt bởi bất cứ ai.

2. Người phụ nữ quá tham vọng

Ai cũng có thể đồng ý rằng đi kèm với trí tuệ chính là tham vọng. Chính tham vọng phát triển bản thân hơn nữa đã khiến con người ta không ngừng học hỏi để trau dồi trí tuệ. Phụ nữ cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Càng tiếp xúc lâu ngày với tri thức, với sự khao khát thoát khỏi kiềm hãm của xã hội, người phụ nữ đang không ngừng đấu tranh để đạt được vị trí mình xứng đáng có được - ngang tầm với người đàn ông. Nếu như người đàn ông có bản lĩnh để theo đuổi tham vọng của mình, thì người phụ nữ vô tình lại khiến đàn ông e ngại khi tỏ rõ thái độ sẽ dùng chính khả năng của mình để đạt được những gì mình muốn.

Ảnh: Anders Nord

Đàn ông thường viện cớ rằng người con gái mình yêu, nếu quá mải mê với sự nghiệp riêng sẽ không dành thời gian chăm sóc cho gia đình của họ, từ đó ngần ngại trong quyết định tiến đến thiết lập mối quan hệ, hay sâu hơn là hôn nhân. Đàn ông chưa có khả năng nhìn nhận rằng để cả hai được phát triển bền vững thì cần thiết sẻ chia công việc trong gia đình.

3. Người phụ nữ quá độc lập

Đàn ông được dạy dỗ từ nhỏ rằng mình đương nhiên sẽ là trụ cột của gia đình, đương nhiên những người còn lại trong gia đình sẽ phải dựa dẫm vào họ. Mọi quyết định từ lớn đến bé đều phải do họ đưa ra, họ như vị vua trong chính hoàng cung nhỏ bé của mình. Bỗng dưng một ngày nọ, có ai đó nói với họ rằng điều đó không còn đúng nữa, thì họ sẽ cảm thấy thế nào? Hụt hẫng có, lạ lẫm có, hơn cả là cái tôi to lớn của họ sẽ bị tổn thương nặng nề.

Chính cách ứng xử theo quan niệm "trọng nam khinh nữ" trong gia đình bấy lâu khiến đàn ông hình thành nhận thức họ là người tối quan trọng, không ai hơn được họ. Một người vợ lúc nào cũng tự ý quyết định cuộc sống của cô ấy, không hỏi ý kiến chồng hoặc có hỏi thì cũng chỉ để tham khảo, có thể sẽ khiến người đàn ông cảm thấy mình không có được sự “oai phong” đáng lẽ ra họ phải có được.

Thật ra đàn ông chẳng mất mát gì trong chuyện này, họ còn được giảm nhẹ trách nhiệm trên vai, họ không phải gánh cuộc đời của ai khác mà tập trung hết sức lực để lo cho bản thân, cuộc sống chung của gia đình và nuôi dưỡng con cái. Chỉ đơn giản là họ không muốn nghĩ theo cách đó, bởi nếu họ chấp nhận suy nghĩ ấy thì tức là họ đang “cho phép” người phụ nữ của mình bước ra khỏi tầm kiểm soát. Một “vị vua” không bao giờ muốn mình bị mất kiểm soát.

Ảnh: Roberto Nickson

Tóm lại, đàn ông nói chung, đàn ông châu Á nói riêng, do định kiến mà nảy sinh mối lo ngại với người phụ nữ ý thức được giá trị bản thân. Càng để nỗi sợ hãi ấy chiếm hữu đàn ông càng dễ dàng mất đi cơ hội phát triển chính mình khi cứ chăm chăm lo kiềm giữ, chăm chăm bảo vệ quyền kiểm soát vốn dĩ không thuộc về họ. Ai cũng là con người, ai cũng có quyền được sống cuộc đời riêng, kể cả khi họ đã trao lời hẹn ước gắn bó cuộc đời với ai kia đi nữa.

Tác giả: CTV Đông Thảo (Thảo Nguyên Lương)

Tin mới trong ngày