Đất đóng băng vùng Alaska đang giải phóng lượng CO2 cực lớn vào không khí
Dã Thảo (Dịch) 05/21/2017 11:00 AM
Một bài báo khoa học mới đây đã ghi nhận hiện tượng những dòng khí nhà kính phát ra từ lãnh nguyên Alaska. Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài, có thể làm biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu mới được công bố trên tờ Proceeds of the National Academy of Sciences, cho thấy các vùng đất đóng băng phía bắc - thường được gọi là băng vĩnh cửu - đang giải phóng một lượng khí carbon dioxide ngày càng nhiều vào không khí khi chúng tan ra và sau đó không tái đông như trước. Đặc biệt vào cuối mùa thu và đầu mùa đông.

Ảnh: WashingtonPost.com

Roisin Commane, nhà khoa học khí quyển thuộc đại học Harvard, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể lượng khí CO2 xuất hiện vào mùa thu trong một vùng rộng lớn.”

Nghiên cứu được 19 tác giả của nhiều viện nghiên cứu, trong đó có Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA và Cục Quản lý Đại dương, Khí quyển Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration).

Nghiên cứu, dựa vào các máy bay đo carbon dioxide và metan từ Barrow, Alaska, cho thấy rằng từ năm 2012 đến năm 2014, bang này đã phát thải ra 220 triệu tấn khí carbon dioxide trong khí quyển từ các nguồn sinh học (con số này không bao gồm lượng nhiên liệu hoá thạch bị đốt cháy và cháy rừng). Con số này tương đương với tất cả lượng khí thải từ ngành thương mại Hoa Kỳ trong một năm.

Ảnh: Fusion.net

Lý do chính cho việc phát thải CO2 nhiều hơn là do Alaska ấm lên, lượng khí thải từ lãnh nguyên băng giá tăng lên vào mùa đông - có lẽ bởi vì mặt đất không thể đóng băng nhanh chóng.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy từ năm 1975, đã có sự gia tăng 73,4 phần trăm lượng carbon mất đi từ vùng lãnh thổ Alaska trong tháng Mười đến Tháng Mười Hai hằng năm, khi khí hậu ấm lên đều đặn.

Theo Sue Natali, một nhà nghiên cứu về đóng băng vĩnh cửu của Trung tâm nghiên cứu Woods Hole, người không tham gia nghiên cứu: nghiên cứu mới này là “bằng chứng đầu tiên chứng minh được rằng một khu vực rộng lớn của Bắc Cực là nguồn carbon và sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự gia tăng phát thải carbon trong mùa đông.”

Nỗi lo sợ về tổn thất carbon trong băng vĩnh cửu được dựa trên một số hiện tượng hóa học đơn giản. Không giống ở các vĩ độ ấm hơn, nơi các vi sinh vật trong đất liên tục phân hủy vật chất của thực vật và trả lại carbon chứa nó trong khí quyển, đất Arctic đã đủ lạnh để giữ các loài thực vật cổ đại. Nhưng khi trái đất nóng lên, các vi khuẩn đất có thể phân huỷ carbon, đưa nó trở lại bầu khí quyển và gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Ảnh: ScienceAlert.com

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã hy vọng rằng sẽ có một quá trình bù đắp quan trọng: Khi Bắc Cực ấm lên, nó cũng có thể hấp thụ nhiều carbon hơn vì nó trở nên xanh hơn và nguồn carbon này hỗ trợ sự sống của cây trồng tại đây, đặc biệt là ở các vùng lãnh nguyên.

Theo Washingtonpost

Tác giả: Dã Thảo (Dịch)

Tin mới trong ngày