Nói đến Del Potro, người hâm mộ đã có đủ tư liệu cho một cốt chuyện đầy cảm xúc ở năm 2016 chứ không cần chờ đến trận chung kết Davis Cup cuối tuần trước tại Zagreb, Croatia. Nhưng màn ngược dòng không tưởng ở trận đơn thứ 3, góp phần mang về danh hiệu đồng đội nam thế giới đầu tiên cho Argentina đã giúp Del Potro kết thúc một mùa giải trọn vẹn và mở ra nhiều hy vọng cho 12 tháng tiếp theo.
Chủ nhật cuối tuần trước sẽ mãi là ngày Del Potro không thể quên. Thua trước tay vợt số 6 thế giới Marin Cilic 2 set trong trận đấu buộc phải thắng (Croatia thời điểm đó dẫn Argentina 2 - 1), Del Potro không bỏ cuộc, vẫn lầm lì chiến đấu tới cùng như phần lớn thời gian suốt 11 năm sự nghiệp, để rồi lần đầu tiên thắng trận khi bị dẫn 0 - 2. Hình ảnh Del Potro ăn mừng cùng gần 1.500 cổ động viên Argentina vượt nửa vòng trái đất sang Zagreb, trong đó có cả Diego Maradona, là một trong những trải nghiệm mà anh thừa nhận “muốn kéo dài mãi không thôi”.
Đó chỉ là một trong vô số khoảnh khắc Del Potro lấy đi nhiều cảm xúc của người hâm mộ trong năm qua hay cả những mùa giải trước đó. Trở lại năm 2009, cậu nhóc 20 tuổi Del Potro khiến cả thế giới phải giật mình khi vượt qua cả Rafael Nadal và Roger Federer để vô địch US Open, tạo tiền đề vươn lên vị trí số 4 thế giới sau đó. Tay vợt Argentina cũng chính là người đầu tiên đánh bại Nadal và Federer ở một giải Grand Slam.
Ẩn sau vẻ ngoài sừng sững đáng sợ với chiều cao 1m98, cân nặng 98kg là một Del Potro không kiềm chế được cảm xúc. Sau trận chung kết 5 set nghẹt thở với Federer, khán giả hoàn toàn bị Del Potro chinh phục không chỉ bởi tinh thần thi đấu nhiệt huyết mà còn từ nụ cười đầy trẻ con đến những giọt nước mắt nghẹn ngào. Dù thất bại hay chiến thắng, Delpo luôn dành những lời tốt đẹp cho đối thủ. Tất cả đều quý mến anh. Một chương mới của quần vợt, với “Big 4” sẽ biến đổi thành “Big 5”, đã bắt đầu được nói tới.
Thế nhưng khi sự nghiệp đang đầy hứa hẹn phía trước, chấn thương bắt đầu tìm đến Del Potro. Tệ hơn, chấn thương mà Delpo phải nhận lại là vị trí khiếp sợ nhất đối với mọi tay vợt, đó là cổ tay. Sau lần đầu tiên lên bàn mổ năm 2010, Delpo mất 9 tháng phục hồi, giành huy chương đồng Olympic London 2012 rồi lại tái phát vết đau cổ tay trái. Cái giá phải trả là hai năm 2014 và 2015 anh gần như không thi đấu.
Từng có những cú trái cực kỳ khó chịu song cũng vì kỹ thuật đánh trái, đặc biệt ở cú topspin, sử dụng nhiều cổ tay mà sự nghiệp của Del Potro liên tục bị gián đoạn, lần gần nhất là 11 tháng chữa trị chấn thương đầu năm 2015. Từ năm 2010, Del Potro trải qua 4 ca phẫu thuật, ba trong số đó diễn ra ở cổ tay trái, nơi tạo ra sức mạnh cho những quả trái hai tay.
Trong hai năm 2014 và 2015, Del Potro chỉ chơi tổng cộng 14 trận. Hậu quả là đến tháng 2/2016, Delpo rơi tự do xuống vị trí 1.042 thế giới, xếp sau cả Lý Hoàng Nam khi đó (hạng 913 thế giới). Hai chữ đầu hàng đã có lúc xuất hiện trong tâm trí của Del Potro. Trong nỗi tuyệt vọng tận cùng, tay vợt sinh ra tại thành phố Tandil thừa nhận đã có thời điểm anh nghĩ đến chuyện giải nghệ.
“Trước khi tiến hành ca phẫu thuật cổ tay thứ ba, tôi đã cân nhắc nghiêm túc ý định treo vợt.”, Del Potro tâm sự tại US Open hồi tháng 9: “Thế nhưng, kể từ thời điểm ca phẫu thuật kết thúc, tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào bản thân về việc trở lại”.
Hành trình trở lại của Del Potro trong năm 2016 bắt đầu với giải ATP 250 ở Delray Beach, Florida. Lọt vào bán kết giải đấu sau 11 tháng nghỉ thi đấu là thành tích không tồi, song điều thấy rõ nhất ở Delpo là sự thay đổi trong kỹ thuật đánh trái. Không còn những cú đè nặng hay xử lý kỹ thuật bằng cả 2 tay nữa mà thay vào đó, Delpo cắt bóng nhiều hơn.
Điều chỉnh để thích ứng với cái cổ tay đã yếu đi là điều Del Potro buộc phải làm. Khả năng phản công bằng những cú passing trái tay đã giảm rõ rệt song việc thường xuyên cắt bóng mà tay vợt sinh năm 1988 có cơ hội lên lưới nhiều hơn, vì thế mà khả năng bắt lưới cũng tốt hơn trước rất nhiều.
Quan trọng hơn cả, dù trải qua nhiều đau đớn, có một thứ không đổi chính là những quả thuận tay sát thủ mang thương hiệu Del Potro, vẫn cực nặng và đầy hiểm hóc. Chính thứ vũ khí ngoại lệ đó đã đánh gục Stan Wawrinka ở vòng 2 Wimbledon và khiến một Novak Djokovic khát huy chương vàng Olympic hơn bao giờ hết khóc hận tại Rio ngay trong trận đầu tiên trước khi buộc Rafael Nadal chịu chung số phận tại bán kết.
Del Potro chỉ chịu khuất phục trong trận tranh huy chương vàng sau 4 tiếng đồng hồ trước Andy Murray, tay vợt đang là số 1 thế giới ở thời điểm này. Dù thất bại nhưng tấm huy chương bạc Thế vận hội là lời khẳng định đanh thép đánh dấu sự trở lại thực sự của tay vợt có biệt danh “Tòa tháp Tandil”.
Cũng không phải chờ quá lâu, Del Potro đã thanh toán sòng phẳng món nợ với Murray vài tuần khi vượt qua tay vợt Vương quốc Anh trong trận đánh đơn thuộc vòng bán kết Davis Cup sau 5 set kéo dài 5 giờ 7 phút. Đó cũng là trận đấu dài nhất trong sự nghiệp của cả hai tay vợt cho đến lúc này.
Và như đã biết, Del Potro đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước Cilic, giúp Argentina gỡ hòa 2 - 2 với chủ nhà Croatia trước khi Federico Delbonis đánh bại Ivo Karlovic để mang về danh hiệu Davis Cup đầu tiên cho xứ sở tango sau bốn lần lỡ hẹn.
Về thành tích cá nhân, chức vô địch ATP 250 cuối năm ở Stockholm, Thụy Điển cũng có thể coi là bước đột phá, chấm dứt 33 tháng không danh hiệu của Del Potro.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu nhắc về năm 2016 của Del Potro mà không nói tới US Open. Để thua Wawrinka ở trận tứ kết nhưng trên khán đài, Delpo mới là tay vợt chiến thắng. Hình ảnh khán giả hô to “Delpo, Delpo” trong game cuối và những giọt nước mắt không thể kìm nén của Del Potro thực sự là khoảnh khắc đẹp nhất US Open năm nay.
Ở mỗi giải đấu hiện tại, Del Potro vẫn cần 3 - 4 tiếng/ngày chăm sóc đặc biệt cho cái cổ tay mỏng manh của mình. Dù vậy, sau tất cả, điều đó chẳng thể làm giảm tình yêu và đam mê dành cho quần vợt của Delpo, ngược lại, chỉ càng khiến cho “Tòa tháp Tandil” thêm vững chắc hơn sau nhiều hao mòn.
“Niềm vui chỉ đơn giản là được thi đấu trở lại, bước ra sân và nhìn người hâm mộ cổ vũ. Cảm giác thật tuyệt vời.”, Del Potro chia sẻ trong giọt nước mắt hạnh phúc bên cạnh chiếc cúp Davis Cup: “Đó là những khoảnh khắc mà tôi đã bỏ lỡ quá nhiều rồi”.
Leicester, Real, Barca và những “FC phản thầy” đình đám…
John Terry: Đi về đâu cũng là thế
Ethan Ampadu - tương lai mới của Chelsea
Ký ức SEA Games: Nỗi nhớ Lê Huỳnh Đức cứ…
Các vị trí và vai trò từng vị trí trong…
Mùa hè của Real, mùa hè mang nỗi nhớ Ronaldo
Shohei Ohtani đứng đầu danh sách xếp hạng cầu thủ…
Các vị trí và vai trò từng vị trí trong…
Ở Chelsea có những sự lựa chọn khó khăn
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX