Di dân bất hợp pháp và những thành phố trú ẩn dưới thời Tổng thống Trump
Dư Hoàng (tổng hợp) 04/23/2017 07:00 AM
Tổng thống Donald Trump được nhiều sự ủng hộ chính vì những tuyên bố cứng rắn của ông cùng khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", trong đó có các cam kết "trả việc làm" lại cho người Mỹ cùng trục xuất di dân bất hợp pháp phạm tội. Tuy nhiên, trên nhiều thành phố trú ẩn (những nơi bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ bằng cách không truy tố họ vi phạm luật nhập cảnh liên bang), họ lại được chính quyền địa phương lên tiếng bảo vệ. Và cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và hàng trăm thành phố và thị trấn trú ẩn trên khắp Mỹ vẫn đang diễn ra, tuy ngấm ngầm nhưng ác liệt.

Trong thời gian từ ngày 20/1 đến ngày 13/3 năm nay, các cơ quan chức năng về người nhập cư của Mỹ đã bắt hơn 21.000 người di dân bất hợp pháp, trong đó có tới 25% là những người không phạm pháp, so với con số năm ngoái cùng thời điểm chỉ có 16.000 di dân lậu bị bắt. Theo tính toán, mỗi một vụ trục xuất mà cơ quan ICE tiến hành sẽ làm tốn tiền thuế của người dân trung bình là 10.854 đô la. Số tiền này bao gồm mọi chi phí từ việc nơi ăn ở của người bị bắt cho đến phí tổn di chuyển người này về quê hương của họ.

Ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions thực hiện chuyến đi đầu tiên đến biên giới Mỹ - Mexico, trong chuyến thăm Nogales, tiểu bang Arizona. Trong chuyến đi này, ông đã yêu cầu các công tố viên liên bang đưa cáo buộc trọng tội đối với những người bị tình nghi vượt biên bất hợp pháp nhiều lần, trong khi các trường hợp này trước đây chỉ cáo buộc tội phạm nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions. Ảnh: Reuters

Ông Sessions phát biểu: "Đây là kỷ nguyên mới, của ông Trump. Tình trạng vô luật pháp, thoái thác nghĩa vụ thực thi luật di trú và việc bắt rồi thả đã qua rồi".

Ông Session cũng thông báo kế hoạch tuyển dụng và triển khai 50 thẩm phán di trú mới trong năm nay và thêm 75 chánh án vào năm sau, để giải quyết các vụ phúc thẩm về di trú. 

Trước đó, theo thông báo do Bộ trưởng Bộ Nội an John Kelly ký cho hay bất cứ di dân nào sống bất hợp pháp và bị truy tố hoặc kết tội bất cứ tội nào, hoặc ngay cả tình nghi phạm tội hình sự, sẽ nằm trong nhóm ưu tiên bị trục xuất.

Nhóm ưu tiên này có thể bao gồm người bị bắt vì ăn cắp vặt trong cửa hàng hoặc những tội phạm nhẹ – hoặc đơn giản là vượt biên giới vào Mỹ một cách bất hợp pháp.

Các thông báo của chính quyền Tổng thống Trump đưa ra, có hướng dẫn tập trung hơn vào việc bắt di dân từng bị kết tội nặng, bị coi là đe dọa đối với an ninh quốc gia, hoặc mới vượt biên vào Mỹ thời gian gần đây.

Trong khi đó, chính quyền tại một số địa phương, như Santa Ana, San Francisco, Seattle..., đã tuyên bố nơi của họ là "thành phố trú ẩn" che chở cho những di dân lậu sinh sống tại đây.

Thị trưởng Seattle. Ảnh: Seattle Times

Seattle là một trong số những "thành phố trú ẩn" ở Mỹ đã khởi kiện một sắc lệnh hành pháp của chính phủ Tổng thống Donald Trump, còn San Franciso thì nộp đơn kiện Tổng thống do ông Trump chỉ đạo chính quyền liên bang từ chối cấp tài chính cho các "thành phố trú ẩn".

Cũng nhằm phản đối chính sách của Tổng thống về di dân, hơn 900 nhân viên ngoại giao Mỹ đã ký vào bản ghi nhớ phản đối lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Theo họ, chính sách nhập cư mới này không chỉ không giữ cho nước Mỹ an toàn mà còn làm cho "kẻ thù" là bọn khủng bố có lý do để căm ghét và các nước trong khối Hồi giáo giận, không hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khu vực và toàn cầu.

Di dân bất hợp pháp ở Mỹ, đa số là người Mỹ La tinh, một số người khác đến từ các nước châu Á, châu Âu và Trung Đông cũng sống không có giấy tờ hợp lệ ở Mỹ.

Ông Trump đã cam kết sẽ dẹp nạn di dân bất hợp pháp, và trục xuất 800.000 người bị kết tội hình sự. Nhưng theo chính sách của ông Trump, bất kỳ người di dân không có giấy tờ nào đều có nguy cơ bị trục xuất, kể cả những người không có án tích và ông muốn hủy bỏ hoàn toàn những thành phố được gọi là nơi trú ẩn. Hay nói cách khác, nếu bất kỳ di dân nào sống bất hợp pháp trên đất Mỹ, cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) có thể trục xuất bất cứ lúc nào kể cả trong trường hợp chưa hề phạm một tội hình sự nào.

Ông John Kelly, bộ trưởng Bộ Nội An, nói rằng những di dân bất hợp pháp, những người đã ở quá hạn visa cũng là một ưu tiên bị trục xuất. 

Di dân sống bất hợp pháp tại Mỹ được chia ra thành hai nhóm: Nhóm vượt biên giới vào Mỹ và nhóm ở lại quá hạn visa.

Vượt biên giới là một hình thức tội phạm hình sự (criminal offense), và theo thông cáo mới cho thấy rõ ràng những người trong nhóm này nằm trong các nhóm ưu tiên bị bắt và trục xuất.

Ở lại quá hạn visa chỉ là tội thuộc về dân sự (civil offense), không phải tội phạm hình sự, không nằm trong ưu tiên bị bắt và trục xuất, nhưng họ vẫn có nhiều khả năng bị trục xuất hơn so với trước đây.

Trong tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump ngày 21/4, ông cho hay, ông chỉ lùng bắt tội phạm, không nhắm tới việc trục xuất những người thường được gọi là "dreamers", (thành phần người di dân trẻ, được đưa vào Mỹ khi còn là trẻ nhỏ).

Những người biểu tình bênh vực di dân đứng bên ngoài tòa thị chánh Brooklyn tại New York. Ảnh: Getty Images

Các viên chức ICE, đã bắt đầu khoanh vùng những khu vực trú ẩn cho di dân bất hợp pháp ở Mỹ.

Điều đó làm cho hàng triệu di dân bất hợp pháp phải sống trong nỗi sợ hãi. Thế nhưng nhiều người Mỹ hài lòng về một hành động mà họ nói sẽ giúp cứu công ăn việc làm, và cứu nhiều mạng sống cho nước Mỹ.

Ngày 21/4, Bộ Tư pháp đe dọa sẽ cắt ngân sách 6 địa phương Mỹ vì chống lệnh nhập cư, theo tuyên bố trước đó của ông Trump. Theo đó, các địa phương này có thời gian đến ngày 30/6 để chứng minh cho chính quyền liên bang rằng mình không phạm luật để khỏi bị cắt ngân sách.

Các địa phương này bao gồm: bang California, thành phố New York (New York), Chicago (Illinois), thành phố Philadelphia (Pennsylvania), hạt Clark (Nevada), bang New Orleans, hạt Miami Dade (Florida), và hạt Milwaukee (Wisconsin).

"Thành phố trú ẩn" là một nơi mà cảnh sát địa phương và các giới chức thành phố sẽ bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp, không giao nộp họ cho các nhà chức trách liên bang. Những thành phố này lập luận, việc này giúp cho công tác đảm bảo an ninh ở đây.

Lý do đưa ra là những di dân không có giấy tờ chắc chắn sẽ không báo cáo các vụ phạm tội, bạo hành hay không ra làm chứng, nếu họ có nguy cơ bị trục xuất khi liên lạc với cảnh sát địa phương.

Ông Ed Lee, thị trưởng thành phố San Francisco, nói, "Điều đó có nghĩa là các cộng đồng an toàn hơn".

Ông Ed Lee cũng là thị trưởng kiện ông Trump về cuộc truy quét và phản kháng lời Tổng thống khi đe dọa cắt giảm tiền liên bang tài trợ cho các thành phố trú ẩn. Ông nói, "Cuộc chiến có thể là tốn hàng tỷ đô la, nhưng chúng tôi không sợ những cuộc chiến đó".

Còn người phát ngôn của Thị trưởng New York Bill de Blasio, ông Seth Stein khẳng định: "New York là thành phố lớn nhất của Mỹ nhưng tỷ lệ tội phạm lại ở mức thấp vì chúng tôi có các chính sách khuyến khích hợp tác giữa cảnh sát và các cộng đồng dân nhập cư".

Cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ảnh: RFA

Nhưng chính sách về việc bảo vệ di dân cũng có nhận nhiều ý kiến phản đối. Trong khi những người ủng hộ thành phố trú ẩn nói rằng các chính sách ấy giúp cho họ được an toàn hơn, cũng có những người khác nói rằng chính sách ấy dung dưỡng tội phạm và gây khốn khổ cho cộng đồng người Mỹ.

Thông tin bên lề: Liệu hai cơ quan ICE và CBP (tức Custom and Border Protection, cơ quan Bảo vệ Biên giới và Thuế quan) có phải là cơ quan cảnh sát không? Câu trả lời là không, nhưng nhiều người di dân nghĩ rằng họ là… cảnh sát, dù trên đồng phục của họ có chữ "Cảnh sát". Trên thực tế, nhân viên ICE không được phép xâm nhập các căn hộ nếu không có lệnh cho phép và họ không bao giờ có lệnh này. Tuy nhiên, việc các nhân viên ICE và CBP dùng chữ “Cảnh sát” trên áo khoác ngoài đã làm người di dân nhầm lẫn và cho các nhân viên chính phủ liên bang này vào nhà mà không có lệnh.

Tác giả: Dư Hoàng (tổng hợp)

Tin mới trong ngày