Điểm số có thực sự đánh giá được năng lực của một người?
CTV Anh Trần (Anh Thư) 03/11/2018 12:30 PM
Điểm số luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của phần lớn học sinh, sinh viên. Đặc biệt là các bậc phụ huynh. Vậy điểm số có thật sự đánh giá được năng lực của một người?

Khoảng thời gian ngồi ở ghế nhà trường hay giảng đường đại học có lẽ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của mỗi người. Đó là khi chúng ta được học tập, được trải nghiệm những điều mới mẻ, được kết giao với nhiều bạn mới,… Thế nhưng, áp lực đến từ những con số dường như chưa bao giờ dừng lại.

Những con số ở đây không gì khác ngoài điểm số. Đối với phần lớn học sinh, sinh viên và hơn ai hết chính là các bậc phụ huynh, điểm số dường như trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Việc mỗi người chúng ta quan tâm đến điểm số được xem là hoàn toàn hợp lý và không có gì sai trái. Bởi điểm số chính là thành tích học tập của bản thân sau mỗi một học kỳ, mỗi một năm học. Điểm số tăng dần sau mỗi một kỳ học cho thấy sự tiến bộ trong suốt một quá trình, điểm số giảm thì chúng ta biết là bản thân sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, việc quá đề cao điểm số, nhìn điểm số để đánh giá năng lực thật sự của một người thì lại không hoàn toàn chính xác.

Điểm số vô tình trở thành áp lực đè nặng lên học sinh, sinh viên. Ảnh: daycon.com.vn

Mỗi người đều có một thế mạnh riêng của mình, có thể họ không giỏi ở lĩnh vực này nhưng ở lĩnh vực khác họ có thể làm nó tốt hơn. Phần lớn khi còn đi học, mọi người thường có suy nghĩ rằng điểm cao thì mới giỏi, còn điểm thấp thì đồng nghĩa với việc học hành chẳng đến đâu và tương lai sau này cũng sẽ như vậy. Điểm số ở mức trung bình khiến học sinh, sinh viên bị đánh giá thấp về năng lực, thậm chí là về nhân cách, phẩm chất của người đó. Bởi vì sao? Vì điểm số thấp sẽ bị đánh đồng với việc lười học, ham chơi, chỉ mải mê vào những chuyện vô bổ nên dẫn đến điểm số chỉ ở mức trung bình hoặc thấp hơn.

Đối với một số học sinh, sinh viên thì chỉ cần điểm không quá thấp là được. Với một số khác thì điểm số lại gần như là tất cả. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất ở nhóm học sinh khá và giỏi. Nhóm học sinh này gần như so nhau đến từng con điểm phẩy. Đối với một số bậc phụ huynh cũng vậy, họ khá là đề cao điểm số. Có thể nói, điểm số của con trẻ gần như trở thành sĩ diện của bản thân các bậc phụ huynh khi họ thường xuyên "khoe" với nhau nếu con mình đạt điểm số cao và điểm số gần như trở thành áp lực đè lên chính con cái của họ. Áp lực càng tăng khi điểm số có dấu hiệu "xuống dốc". Một số bậc cha mẹ dường như xem trọng điểm số đến mức luôn đưa ra những đòi hỏi ngày một cao hơn với con mình và thậm chí sẽ trách mắng, la rầy nếu đứa trẻ ấy làm không tốt.

Các hoạt động ngoại khóa...
Ảnh: vas.edu.vn

Không thể phủ nhận một điều rằng phải học tập tốt thì mới đạt được những điểm số cao. Nhưng liệu đã bao giờ chúng ta để ý rằng, để đạt được thành tích đó thì nó đòi hỏi người học phải nỗ lực học đều tất cả các môn học bất kể là môn chính hay môn phụ.

Như đã nói, mỗi người đều có một sở trường riêng, giỏi ở lĩnh vực mình yêu thích. Vì thế mà điều đó chỉ thật sự bộc lộ rõ khi họ có thời gian dành cho nó, thậm chí là nhiều hơn những thứ khác. Ví dụ như một học sinh yêu thích thể thao thì sẽ dành nhiều thời gian để luyện tập hơn, yêu thích lịch sử thì sẽ chăm đọc sách và tìm hiểu về những sự kiện hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ sẽ bỏ bê những môn học khác. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, học tập ngoài trời cũng rất hữu ích thay vì cứ miệt mài bên sách vở mỗi ngày. Điều đó sẽ tạo cho các học sinh ấy một lợi thế là dễ dàng xác định được mục tiêu của bản thân cũng như thế mạnh của mình là gì và từ đó tập trung vào điểm mạnh của mình hơn những người khác.

Học tập ngoài trời được xem như là bài thực hành hữu ích sau những tiết học lý thuyết trên lớp. Ảnh: dienbien.edu.vn

Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, có lẽ việc học giỏi tất cả các môn và đạt được điểm số cao là ước mơ của mọi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên nó lại không hoàn toàn đánh giá được năng lực thật sự của một người. Việc tập trung vào quá nhiều thứ cùng một lúc như vậy khiến chúng ta khó nhận biết được đâu mới thật sự là thế mạnh của mình.

Điểm số gần như trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của riêng học sinh, sinh viên mà còn của cả các bậc phụ huynh. Ảnh: blog.hocmai.vn

Điểm số không thật sự đánh giá được năng lực của một người. Muốn biết năng lực của bản thân ở mức độ nào thì chỉ có thể tự mình trải nghiệm. Trong quá trình học tập cũng vậy, trong vô vàn những môn học, chắc chắn luôn có những môn học khiến chúng ta cảm thấy yêu thích và muốn dành nhiều thời gian hơn những môn học khác. Tranh đua trong học tập để cố gắng và phát triển hơn là không sai. Tuy nhiên cũng không nên quá đặt nặng vấn đề về điểm số. Bản thân mỗi người chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất những việc mà chúng ta yêu thích nhất. Cũng chỉ khi tâm trạng thoải mái thì chúng ta mới có thể học tập tốt được. Thứ phản ánh được năng lực của bản thân rõ ràng nhất chính là kiến thức và những trải nghiệm mà bản thân tích lũy được.

Tác giả: CTV Anh Trần (Anh Thư)

Tin mới trong ngày