Đức: Thủ tướng Merkel đạt thỏa thuận về người di cư trong liên minh cầm quyền
Sam Sam 10/09/2017 01:30 PM
Ngày 8/10, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel (CDU) đã đạt được thoả thuận về chính sách người di cư với đồng minh Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), loại bỏ một trở ngại lớn trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán liên minh với các đảng khác.

Vấn đề di dân đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của đảng cực hữu Sự lựa chọn mới cho nước Đức (AFD). Trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ngày 24/9, đảng này đứng thứ ba sau CSU và CDU, lôi kéo được 1 triệu cử tri từng ủng hộ liên đảng của bà Merkel khiến bà dù chiến thắng nhưng không có một liên minh rõ ràng để dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Bà Angela Merkel, đại diện cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và ông Horst Seehofer, đại diện Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Ảnh: Reuters

Với một sự nhượng bộ rõ ràng, Thủ tướng Merkel đã đồng ý đưa ra con số về số người Đức sẽ chấp nhận mỗi năm về mặt nhân đạo, đó là tổng cộng khoảng 200.000 cá nhân, trong đó bao gồm cả những gia đình người tị nạn tại Đức. Tuy nhiên, con số này không được cho là mức giới hạn về người tị nạn.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng họ muốn thành lập các trung tâm nơi người xin tị nạn sẽ ở lại cho đến khi các quyết định về đơn của họ được đưa ra. Những người xin tị nạn bị từ chối sẽ được trả về quê hương của họ. Morocco, Algeria và Tunisia là các quốc gia an toàn, điều này cũng có nghĩa là Đức có thể trả lại người xin tị nạn bị từ chối ở đó dễ dàng hơn.

Cũng tại cuộc đàm phán, lãnh đạo 2 đảng CDU và CSU cũng nhất trí thúc đẩy một luật nhập cư nhằm ưu tiên cho những người nhập cư có tay nghề cao để có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động tại Đức.

CDU và CSU đạt được thoả thuận di dân sau khoảng 7 giờ thảo luận và sau đó cuộc họp của họ đã bị hoãn lại. Không rõ liệu lãnh đạo 2 đảng đã tìm được tiếng nói về các vấn đề khác, như EU hay lương hưu hay không?

Bà Angela Merkel hỏi thăm người nhập cư. Ảnh: Getty

Trước đó 1 ngày, Thủ tướng Đức xác nhận bà sẽ tiến hành đàm phán với đảng FDP và đảng Xanh (Greens) để thành lập một chính phủ liên minh sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh suốt 4 năm trong Chính phủ của bà Merkel, tuyên bố sẽ trở thành đảng đối lập.

Với vai trò là động lực kinh tế của EU, một cuộc chiến chính trị kéo dài ở Đức có thể có những ý nghĩa kinh tế lan rộng ra ngoài biên giới của nước này. Có thể phải mất vài tháng mới có được thỏa thuận liên minh đầy đủ và các nhà đầu tư đang lo ngại khả năng đình trệ về chính sách trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tác giả: Sam Sam

Tin mới trong ngày