EU ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự sau 70 năm chờ đợi
Thusy (Nguyễn Thị Thuý) 11/14/2017 07:30 AM
Ngày 13/11, quan chức cấp cao của 23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một thỏa thuận về ủng hộ tài chính, tăng cường hợp tác quốc phòng quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển quốc phòng nội khối sau khi Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Thỏa thuận "Cơ chế hợp tác thường trực" (PESCO) được ký kết sơ bộ tại Brussels, Bỉ hôm 13/11 với sự tham gia của 23 trong tổng số 28 nước thành viên EU. Thoả thuận này được ra đời muộn 70 năm, do nhiều lần bị trì hoãn bởi sự phản đối của Anh. London lo ngại sự hội nhập sâu hơn về quốc phòng có thể dẫn tới sự thành lập của "Quân đội châu Âu", làm Anh mất tự chủ về quốc phòng.

Phần lớn các thành viên của EU đồng thời là thành viên của NATO - Khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu bao gồm nhiều thành viên EU. Ảnh: GEO

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí, PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", đóng góp 5,8 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng chung, trong đó sẽ chi tiêu 20% cho mua sắm trang thiết bị, vũ khí và phục vụ các hoạt động quân sự và 2% cho nghiên cứu, phát triển công nghệ quốc phòng.

Nhằm cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU, các quốc gia thành viên sẽ phải đệ trình kế hoạch quốc phòng và trải qua các cuộc đánh giá hàng năm để tìm và cải thiện điểm yếu trong quân đội. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm giúp các nước cùng nhau khắc phục các vấn đề còn tồn tại và giảm chênh lệch năng lực quốc phòng giữa các nước.

Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận trên là "một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu". Theo kế hoạch, lãnh đạo 23 nước thành viên của PESCO sẽ chính thức ký kết hiệp ước vào tháng 12 tới để PESCO chính thức được khởi động và có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Trước đó, EU đã nhiều lần đề cập tới việc thắt chặt hợp tác quân đội song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh. Sau khi người dân Anh hồi tháng 6/2016 lựa chọn rời khỏi EU trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích EU về vấn đề đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhiều nước thành viên EU tuyên bố khối này đã nhận thức được là phải tự giải quyết các vấn đề của mình. Do đó, việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết.

Lễ ký kết hiệp ước "Cơ chế hợp tác thường xuyên" được ký sơ bộ tại Brussels. Ảnh: Getty

Sau cuộc bỏ phiếu của người dân Anh, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã cùng nhau thúc đẩy sự hồi sinh của PESCO như biểu tượng đoàn kết của EU. Ngoài Anh, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta cũng không ký tham gia vào thỏa thuận trên, tuy nhiên có thể xin gia nhập sau nếu muốn. 

Tác giả: Thusy (Nguyễn Thị Thuý)

Tin mới trong ngày