Ghé thăm “Hạ Long” của xứ Tuyên Quang
Thủy Tuyền 10/29/2017 04:00 PM
Vượt qua đoạn đèo dốc hiểm trở, Na Hang – “Hạ Long’ của xứ Tuyên hiện ra với phong cảnh hữu tình hứa hẹn làm “mãn nhãn” bất kỳ khách du lịch nào có dịp ghé thăm.

Na Hang (Nà Hang) là một huyện của tỉnh Tuyên Quang, theo tiếng người Tày tên gọi này mang nghĩa là “ruộng cuối”. Theo dòng lịch sử, Na Hang được ví von như cái nôi của người Việt cổ khi sở hữu hệ sinh thái tự nhiên.

Na Hang nằm trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang từ hai dòng sông - sông Gâm và sông Năng. Ảnh: vietnamtoursim.com

Khu vực xã Thượng Lâm bao hồm 99 ngọn núi quần tụ, mỗi ngọn núi có kích thước và hình dáng riêng. Dưới nền trời xanh, bóng núi hiện sừng sững cùng dòng nước trong vắt, nếu dạo quanh lòng hồ Na Hang chắc chắn bạn không khỏi trầm trồ thán phục. Đây chính là lý do Na Hang được mệnh danh như “Hạ Long giữa đại ngàn”.

Vẻ đẹp của tạo hóa dành tặng cho Na Hang. Ảnh: dulichnahang.com

Núi Pắc Tạ hay còn gọi là núi Voi là ngọn núi cao nhất ở vùng Na Hang. Sở dĩ gọi tên như vậy có lẽ bắt nguồn từ hình dáng núi như chú voi đứng bên nậm rượu. Hiện ra uy nghiêm lại thoắt hiện ẩn bởi mây trời của hồ thủy điện Tuyên Quang, Pắc Tạ là nơi mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho những tâm hồn yêu nghệ thuật. Dưới chân núi Pắc Tạ, ngôi đền cổ Pắc Tạ được dựng lên gần nơi chôn cất để tưởng nhớ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý không may gặp nạn.

Các văn nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia khó lòng bỏ qua cảnh sắc núi Pắc Tạ.
Ảnh: mytour.vn

Thác Mơ nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Lối vào rải nhựa vòng vèo dưới bóng râm của tán cây rừng nguyên sinh. Từ trên đỉnh núi Pắc Ban, thác Mơ đổ trắng xóa xuống chân núi tạo nên cảnh sắc hùng vĩ.

Thác Mơ cách thị xã Tuyên Quang tầm 100 cây số. Ảnh: vietnamtourism.com

Dọc triền sông đến vùng bến Thủy – Thượng Lâm, có một ngọn núi đá vôi trắng xóa hiện lên, đó là núi Cọc Vài Phạ. Truyền thuyết của người Tày kể về sự tích của chàng Tài Ngào đã từng nhắc đến núi Cọc Vài Phạ hay còn có nghĩa là “Cọc buộc trâu trời”.

Cảnh núi non hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng là niềm tự hào của người dân Na Hang. Ảnh: dulichdaiduong.com

Điều đặc biệt hơn là Na Hang còn lưu giữ dấu tích của phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần của thế kỷ XIII – XIV tại chùa Phúc Lâm. Với diện tích 600m2, chùa nằm trên một khu đất cao, bằng phẳng ngay dưới chân núi Chùa. Không chỉ lưu giữ các vết tích cổ xưa, các vị thần địa phương cũng được thờ cúng nơi đây.

Chùa Phúc Lâm tọa lạc tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Nà Hang.
Ảnh: mytour.vn

Với ưu thế về phong cảnh thiên nhiên đặc sắc, Na Hang rất thích hợp để lựa chọn làm địa điểm để dã ngoại, cắm trại qua đêm. Bạn có thể ở qua đêm tại nhà của người dân tộc tại thị trấn Na Hang và vùng Thác Mơ. Tuy nhiên, hãy chú ý về các phong tục của đồng bào nơi đây nhé!

Homestay nhà sàn của đồng bào địa phương là một trải nghiệm khá thú vị.
Ảnh: kenhhomestay.com

Về ẩm thực, vùng Na Hang nổi tiếng với các món nướng, gà dồi hay thịt lợn cắp nách. Giữa khí trời se se lạnh, ngồi quanh đốm lửa nướng đồ ăn ngon, miệng nhấm nháp ly rượu ngô thì chính bạn đang tận hưởng “món quà” mà núi rừng nơi đây dành tặng một cách trọn vẹn nhất.

Đừng bỏ qua món cá chạch nướng nổi tiếng nức vùng Na Hang nhé!
Ảnh: pinterest.fr

Đến du lịch Na Hang từ tháng 11 đến tháng 1, cảnh hồ Na Hang mây khói phủ thành tầng. Tháng 2 đến tháng 4, lễ hội Lồng Tông của người Tày nhộn nhịp quanh vùng bên cạnh hoa đào đua nhau khoe sắc. Tháng 5 đến tháng 9 rơi vào mùa mưa nhiều, thác nước trở nên đẹp hơn. Còn vào tháng 10, Na Hang bỗng hóa lãng mạn với cảnh lá vàng rơi. Hãy để mây trời nước trong xanh vùng Na Hang chào đón bạn cùng những điều tuyệt vời nhất!

Tác giả: Thủy Tuyền

Tin mới trong ngày