Giải mã dòng sông sôi bí ẩn ở Amazon
CTV Hương Nguyễn (Tổng hợp) 07/12/2018 11:30 AM
Ẩn sâu bên trong rừng nhiệt đới Amazon là một kỳ quan thiên nhiên lý thú - dòng sông sôi sục với nhiệt độ nước trung bình rơi vào khoảng 86 độ C.

Từ nhiều thế kỷ về trước, người dân địa phương Peru đã nhắc tới một con sông ở Amazon, nơi mà các pháp sư hay hành hương đến, nó nóng đến nỗi có thể gây ra thiệt mạng. Theo truyền thuyết, người dân Tây Ban Nha liều lĩnh mạo hiểm vào rừng nhiệt đới để tìm vàng, vài người đàn ông trong số đó trở về đã kể về nguồn nước bị nhiễm độc, cảnh tượng rắn ăn thịt người, và một con sông sôi sùng sục.

Nơi đây vô cùng nguy hiểm đối với nhiệt độ nước luôn sôi sục.
Ảnh: tripadvisor.com

Đối với Andrés Ruzo, nhà địa chất học người Peru, huyền thoại trên đã thu hút anh từ thời thơ ấu. Nhưng cho đến khi anh hoàn thành dự án tiến sĩ về tiềm lực năng lượng địa nhiệt ở Peru, anh mới bắt đầu hoài nghi rằng liệu con sông này có thực sự tồn tại hay không. Tuy nhiên, dì của anh nói rằng con sông không chỉ tồn tại mà bà còn từng bơi ở đó. Câu chuyện có vẻ khá li kì nhưng vào năm 2011, Ruzo đã có cơ hội vào rừng nhiệt đới Amazon với dì của mình, và chính mắt nhìn thấy con sông nổi tiếng.

Tên địa phương của dòng sông sôi là Shanay-timpishka, được dịch là con sông được đun sôi bằng sức nóng của mặt trời. Các pháp sư địa phương tin rằng nước sôi được sinh ra bởi Yucamama, một tinh linh rắn khổng lồ được gọi là “Mẹ của Nước”. Sông được bao phủ trong những câu chuyện và huyền thoại trên khắp Peru, tuy nhiên đây là lần đầu tiên nguồn nhiệt được nghiên cứu bởi các nhà khoa học bên ngoài.

Một số loài động vật có thể bị 'luộc chín' khi rơi xuống dòng sông.
Ảnh: boilingriver.org

Trong cuốn sách của mình viết về dòng sông sôi, Ruzo kể rằng: “Tôi cảm thấy như mình đang được xông hơi bên trong lò nướng bánh”. Dòng sông rộng khoảng 25m và sâu 6m, nhưng chỉ kéo dài 6,4km. Nhiệt độ thường dao động từ 50 đến 90 độ C, có khúc còn sôi sục tới 100 độ C, có thể luộc chín một số loài động vật trong tích tắc.

Con sông cách hệ thống núi lửa gần nhất 700km, và nhiệt độ núi lửa không hề có ảnh hưởng gì tới nó. Hầu hết những dòng sông sôi hoặc có nhiệt độ cao đang tồn tại trên trái đất luôn gắn liền với các núi lửa gần đó. Trên thực tế, đây được coi là con sông độc nhất vô  nhị.

Với sự cho phép của pháp sư, Ruzo đã dành 5 năm để nghiên cứu về dòng sông, hệ sinh thái xung quanh với hy vọng tìm ra sự lý giải nào đó.

Con sông cách hệ thống núi lửa gần nhất 700km, và nhiệt độ núi lửa không hề có ảnh hưởng gì tới nó. Ảnh: boilingriver.org

Câu trả lời nằm ở địa nhiệt của Trái Đất. Trong lớp địa chất, Trái Đất nóng lên khi thâm nhập sâu hơn vào lớp vỏ và lõi. Điều này một phần là do sự kết hợp của nhiệt dư từ sự bồi đắp hành tinh ban đầu hàng tỷ năm trước, sự phân rã phóng xạ, và một số nguồn nhiệt nhỏ khác.

Phân tích hóa học đã tiết lộ rằng nước trong sông ban đầu chỉ rơi như mưa. Tuy nhiên, Ruzo đưa ra giả thuyết là điều này xảy ra ở thượng lưu xa xôi như vùng Andes, dọc theo hành trình nó thấm xuống đất và bị làm nóng bởi năng lượng địa nhiệt của Trái Đất. Cuối cùng, chúng xuất hiện ở dòng sông sôi Amazon.

Thực tế, con người có thể bơi trên dòng sông, nhưng chỉ sau những cơn mưa lớn khi nó đã bị pha loãng với nước lạnh, và chủ yếu nước sông được dùng để pha trà, nấu ăn. Hàng năm, có vô sốkhách du lịch thường đến khu trị liệu Mayantuyacu để tắm suối nước nóng và tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Asháninka.

Tác giả: CTV Hương Nguyễn (Tổng hợp)

Tin mới trong ngày