Giáo sư Drew Gilpin Faust nhắc lại lịch sử chiến tranh Việt Nam
Yuki (Tổng hợp) 03/24/2017 08:00 AM
Sáng 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard, Mỹ có bài thuyết trình với sinh viên và giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM với chủ đề "Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử".

Trong cuộc nói chuyện, Giáo sư Drew Gilpin Faust có nhắc về chiến tranh chống Mỹ cứu nước (theo cách nói của người Việt Nam) và Chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ). 

Giáo sư Faust - Hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard. Ảnh: kenh14.vn

Bà còn nhắc lại những hậu quả chiến tranh, 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã không rơi trên đất nước Mỹ nhưng lại có 58.220 lính Mỹ hy sinh, so với con số ước tính khoảng hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam thiệt mạng trong “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”. Nhưng cả hai xã hội của hai nước đều sống với những bóng ma, với ký ức và với những di sản, với hậu quả chiến tranh.

Giáo sư Drew Gilpin Faust nói về chủ đề "Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử". Ảnh: vov.vn

Theo vov.vn cho biết, Giáo sư Drew Gilpin Faust nói: "Việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong tôi sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó. Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng”  thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội.

Trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ, cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữ vị trí cốt lõi trong căn tính quốc gia. Sự tàn bạo và ý nghĩa sống còn của cuộc Nội chiến khiến nó, cho đến tận ngày hôm nay, vẫn choán một mảng lớn trong tâm thức dân tộc, và nó cũng là trọng tâm nghiên cứu và viết sử của tôi.

Rất nhiều tranh luận quan trọng về cuộc chiến, về công lý, bình đẳng, dân quyền, dân chủ và trung tâm quyền lực quốc gia – tiếp tục định hình các chính sách của nước Mỹ cả một thế kỷ rưỡi sau khi chiến tranh kết thúc. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tự vấn một cách nhọc nhằn về ý nghĩa của cuộc chiến đối với tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Cuộc nội chiến khiến khoảng 750.000 người đã chết – nhiều hơn thương vong của tất cả các cuộc chiến tranh từ trước gộp lại cho tới Chiến tranh Việt Nam. Mất mát này chiếm tới 2,5% dân số. Nếu tính cho dân số Hoa Kỳ ngày nay, tỷ lệ tử vong tương tự sẽ ứng với gần 7 triệu nhân mạng.

Người Mỹ đã không được chuẩn bị cho cuộc Nội chiến này. Cả hai bên đều nghĩ rằng, nếu có phải đổ máu đi chăng nữa thì cũng chỉ cần một trận đánh để kết thúc chiến tranh. Trừ một vài ngoại lệ, đây là cuộc chiến có tổ chức chứ không phải chiến tranh du kích hay chiến tranh bất thường. Nhưng quy mô của cuộc xung đột - gần 3 triệu đàn ông tham gia - vượt xa những gì quân đội từng chứng kiến, thách thức trí tưởng tượng cũng như năng lực hậu cần của cả hai phía.

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard tại hội trường Trường Đại học KHXH & NV. Ảnh: vov.vn

Hậu quả chiến tranh là tàn phá – con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt. Đó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay."

Có thể nói, Việt Nam cũng không nên quá oán giận hay trách khứ Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh đó đã làm biết bao nhiêu người dân Việt Nam phải hi sinh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng bị mất mát rất nhiều, từ cuộc ngoại chiến đến nội chiến. Quá khứ đã qua đi, hòa bình được lập lại, hãy tha thứ cho nhau để cùng nhau chung sống hòa bình.

Tác giả: Yuki (Tổng hợp)

Tin mới trong ngày