Hà Nội: Cửa hàng Khaisilk tráo đổi nhãn mác Made in China "kiếm củi ba năm, đốt một giờ"
Yanti 10/27/2017 12:00 PM
Những ngày gần đây theo chia sẻ của Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh chiếc khăn lụa mua tại cửa hàng Khaisilk Hà Nội có 2 nhãn hiệu với 2 xuất xứ từ Khaisilk và từ Trung Quốc. Chiều ngày 26/10/2017, lực lượng chức năng đã có mặt tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, Hà Nội), nơi bán khăn lụa 'Made in China' để kiểm tra.
Cửa hàng Khaisilk tại Hàng Gai, Hà Nội, nơi bị phát hiện bán hàng tráo đổi nhãn mác Made in China. Ảnh: viettoday.vn 

Sự việc bắt đầu từ ngày 23/10/2017, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Liên hệ với anh Quỳnh, anh cho biết trước đó, ngày 17/10/2017, Công ty V. (công ty gia đình nhà anh Quỳnh) đã đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm kích thước 50cm x 50cm với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Việt Nam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Khăn lụa tơ tằm Khaisilk vừa dán mác "Made in China" vừa dán mác "Made in Vietnam". Ảnh: bizlive.vn 

Khi nhận được yêu cầu giải thích từ phía khách hàng, ông Trần Văn Cương hiện đang là phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội đã có văn bản trả lời rằng chiếc khăn chứa hai nhãn là do nhân viên bộ phận kho, khi soạn lô hàng thấy thiếu 1 chiếc đã lấy trên máy may vốn đang sản xuất một đơn hàng cho khách hàng tại HongKong (Trung Quốc). Đơn hàng này yêu cầu Khaisilk may riêng nhãn mác Made in China vì lý do thủ tục nhập khẩu.

Tuy nhiên, những giải thích này đã không nhận được sự đồng ý của khách hàng. Ngoài ra, trong thời gian này cũng có thêm nhiều khách mua khăn lụa tại Khaisilk 113 Hàng Gai cũng phát hiện sản phẩm đã mua còn vết cắt mác nhỏ màu trắng ở viền khăn.

Hình ảnh chiếc khăn lụa trong lô 60 sản phẩm cũng lộ rõ vết cắt mác. Ảnh: baomoi.com

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Hùng, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. "Cơ quan chức năng sẽ căn cứ các quy định pháp luật để xử lý theo trình tự. Việc xử lý đến đâu thì sẽ cần điều tra rồi mới thực hiện", ông Hùng cho biết.

Hoàng Khải là một doanh nhân, chủ tịch tập đoàn Khải Silk, một hãng tiên phong đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Ảnh: viettoday.vn

Sau những ngày bị khách hàng tố bán khăn Trung Quốc nhưng lại mang thương hiệu Khaisilk, chiều ngày 25/10/2017, doanh nhân Hoàng Khải đã trả lời phỏng vấn sau hàng loạt lùm xùm về một chiếc khăn có 2 nhãn mác "Made in China" và "Made in Vietnam" thời gian gần đây. Ông Hoàng Khải thừa nhận rằng thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ: "Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk. Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”.

Theo đó, ông Khải cũng nhấn mạnh mặc dù là hàng nhập từ Trung Quốc tuy nhiên khăn lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải được duyệt kỹ mẫu mã và chất lượng đạt yêu cầu mới nhập.

Về hướng giải quyết, ông Hoàng Khải cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. Thương hiệu này sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc. "Tôi cũng muốn những khách hàng nào đã mua sản phẩm của tôi gặp phải trường hợp tương tự, nếu không vừa ý hãy mang đến cửa hàng, chúng tôi sẽ thu hồi lại, bồi thường cho khách", ông Khải nói.

Song song đó, doanh nhân Hoàng Khải cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn. Sau khi thu hồi toàn bộ hàng, chúng tôi cam kết sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn. Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng".

Ông Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia truyền thông mạng xã hội. Ảnh: bizlive.vn

Xung quanh vụ việc là những phản ứng của giới truyền thông cũng như giới doanh nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia truyền thông mạng xã hội, Trưởng nhóm truyền thông Trăng Đen cho biết, ông Khải chỉ thừa nhận việc bán khăn “Made in China” khi thấy lừa không được. “Ông Khải đã xin lỗi nhưng việc xin lỗi không giải quyết vấn đề gì và chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Tôi cũng không đánh giá cao lời xin lỗi vì nếu xin lỗi ngay từ đầu dễ nuốt hơn thay vì từ đầu vòng vo, trong khi chính bản thân nói gần 30 năm đã bán hàng Trung Quốc lẫn hàng Việt Nam”, ông Long nói.

Song song đó, theo ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc công ty Tinh hoa Quản trị, nhận định: "Vụ Khải Silk thay nhãn sản phẩm mà nhân viên cắt để sót cái nhãn "Made In China" trên một sản phẩm thì đúng là "không có cái xui nào giống cái xui nào"".

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc sản phẩm dệt may được mua "nguyên đai, nguyên kiện" từ Trung Quốc, sau đó về được "phù phép" thành "Made in Việt Nam" rất phổ biến tại các chợ đầu mối, shop thời trang hỗn hợp. Đặc biệt, theo ông Hồng, sau một loạt các sự cố liên quan đến chất lượng nguyên liệu của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, các thương lái buôn sỉ, đánh hàng chuyến càng tích cực "thay da đổi thịt" từ "Made in China" sang "Made in Vietnam". Mục đích của việc này, ông Hồng cho biết, là nhằm "đẩy" được hàng nhanh hơn vì chính người tiêu dùng trong nước buộc thị trường phải đổi hướng như vậy.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: vietnamnet.vn

Từ sáng ngày 26/10/2017, lực lượng công an ra vào cửa hàng liên tục. Cùng ngày, Bộ Công Thương phát đi thông báo truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh liên quan đến các cửa hàng của tập đoàn Khaisilk bán hàng "Made in China".

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Văn bản lưu ý nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Có thể nói câu chuyện kinh doanh thành công thường luôn có hai mặt, mặt trắng và mặt đen. Thương hiệu lụa Khaisilk cũng vậy ra đời vào cuối những năm 1980 tại Hà Nội nhắm tới phân khúc khách hàng cao cấp. Giá một chiếc khăn từ vài trăm tới vài triệu đồng. Thực tế, giá một sản phẩm của Khaisilk không hề rẻ so với mặt bằng khăn lụa trên thị trường. Ví dụ như một chiếc khăn tay tại Vạn Phúc có giá khoảng 60 nghìn đồng, các hàng lụa tại phố cổ có giá 120 nghìn đồng thì sản phẩm cùng kích cỡ của Khaisilk có giá tới trên 600 nghìn đồng/chiếc. Khách hàng tới với thương hiệu này, chịu bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm bởi tin tưởng vào uy tín thương hiệu và mong muốn mua được những sản phẩm lụa thuần Việt, và “tôn vinh lụa Việt” như câu slogan của thương hiệu nổi tiếng này.

Theo doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ hiện tại tập đoàn đang phải đối mặt với khủng hoảng và sẽ khó khăn để lấy lại uy tín, thương hiệu đã gây dựng. "Thiệt hại bao nhiêu tôi cũng chưa tính tới. Nhưng cái tôi tính tới là tổn hại uy tín thương hiệu, cái này mới quan trọng và lớn hơn tiền bạc rất nhiều. Không thể ngày một ngày hai, có thể mất hàng mấy năm trời để gây dựng lại sự mất mát này, tôi gọi là mất mát đau đớn. Cũng do cách hiểu và bán hàng sai lầm của doanh nghiệp", ông Khải trần tình.

Như vậy, theo lời ông bà ta ngày xưa có câu  "Kiếm củi ba năm, đốt một giờ" hay "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" thì đối với câu chuyện tráo đổi mác hàng "Made in China" của Khaisilk nhắc nhở chúng ta rằng thành công gây dựng lên thì khó nhưng hủy hoại, phá đi thì lại quá dễ, nên cần phải biết trân trọng những thành quả đã làm ra và làm gì cho xứng đáng với điều đó.

Tác giả: Yanti

Tin mới trong ngày