Hawaii (Mỹ): Cấm sử dụng kem chống nắng để bảo vệ san hô
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 07/04/2018 07:00 AM
Hawaii sắp trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm sử dụng kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate khi bơi tại các điểm du lịch ở bang này.

Đối với nhiều người, kem chống nắng từ lâu đã trở thành món đồ không thể thiếu khi đi tắm biển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, du khách đến bang Hawaii của nước Mỹ sẽ khó mua được sản phẩm kem chống nắng.

Lệnh cấm này nhằm bảo vệ các rạn san hô vốn thu hút khách đến Hawaii đang bị chết dần do các chất lọc tia cực tím từ kem chống nắng được sử dụng để bảo vệ da. Dự luật mới sẽ được ký trong tuần này và chính thức có hiệu lực vào năm 2021. Các loại kem chống nắng không chứa hai hóa chất trên sẽ không bị ảnh hưởng bởi dự luật này.

Mùa hè đi biển, việc nên làm nhất là phải bôi kem chống nắng nhưng điều này sắp trở nên bị cấm tại Hawaii. Ảnh: Getty

Hai chất này được sử dụng trong hơn 3.500 loại kem chống nắng phổ biến nhất hiện nay. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, oxybenzone và octinoxate rất có hại cho môi trường khi là tác nhân đẩy nhanh quá trình tẩy trắng san hô và ngăn chặn chúng tái sinh. Những chất hóa học độc hại này làm chết tảo phát triển bên trong san hô, đặc biệt là các loài cá, tôm. Chúng khiến một số loài cá bị "nữ hóa" (các thế hệ sinh sau chủ yếu là con cái). gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể sinh vật biển sống nhờ rạn san hô. Khi tích tụ ở nồng độ đủ lớn, ADN của san hô cũng bị ảnh hưởng. Chúng sẽ sinh trưởng kém hơn, vòng đời ngắn hơn, và dễ dàng nhiễm bệnh hơn.

Các rạn san hô bị tấn công và tẩy trắng vì một số hóa chất trong kem chống nắng. Ảnh: CNN

Theo một bài báo năm 2015 được công bố trên tạp chí Archives of Environmental Contamination and Toxicology, khoảng 14.000 tấn kem chống nắng xâm nhập vào các rạn san hô trên toàn cầu mỗi năm. Các nhà bảo vệ môi trường cũng cảnh báo về việc nồng độ cao các hóa chất độc hại đã được tìm thấy gần các rạn san hô tại các bãi biển nổi tiếng ở Hawaii, bao gồm bãi biển Waikiki trên đảo Oahu và khu bảo tồn thiên nhiên ở Maui.

Bạn đang đọc báo người Việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com. Xin cảm ơn!

Tác giả: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

Tin mới trong ngày