Huyền thoại 9 đứa con của rồng trong văn hóa người Việt
Quang Minh 11/18/2017 11:00 AM
Không chỉ ở Trung Quốc, mà đối với người Việt chúng ta - dân tộc “con rồng cháu tiên” thì rồng cũng là một trong những loài vật cao quý và thiêng liêng nhất, có sức mạnh phi thường và được nhiều người tôn thờ. Đó cũng là lý do trong nhân gian tồn tại rất nhiều truyền thuyết về linh vật này.

Truyền thuyết "Long sinh cửu tử" hay còn gọi là 9 người con của rồng có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm linh của người dân một số nước châu Á, trong đó bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam. Đây cũng là một trong những truyền thuyết lâu đời nhất, đã được nhắc đến trong hiến từ "Tiên Tần Lưỡng Hán" trong "Chiến quốc sách" hoặc Sử ký,… Tuy nhiên, chỉ đến thời Minh thì mới có những ghi chép đáng chú ý về truyền thuyết này.

Ghi chép về chín người con của rồng rất phong phú nhưng về căn bản thì trong chín người con không con nào là rồng. Nhưng tất cả chúng đều mang linh khí của rồng, được quan niệm rằng cũng mang lại những điều may mắn tốt lành. Do vậy chúng được dùng làm linh vật trang trí ở nhiều nơi, những vật dụng với nhiều ngụ ý khác nhau.

Theo "Hoài lộc đường tập" của Lý Đông Dương, chín người con của rồng bao gồm: con trưởng là Tù ngưu, tiếp đến là Nhai tệ, Trào phong, Bồ lao, Toan nghê, Bá hạ, Bệ ngạn, Phụ hí, và người con cuối cùng là Si vẫn.

1. Tù ngưu

Ảnh: chuabuuminh.vn

Người con này có hình dạng như một con rồng nhỏ, màu vàng, có sừng như sừng lân. Theo thuyết có ghi: “Tù ngưu, long chủng, bình sinh hiếu âm nhạc, kim hồ cầm đầu thượng khắc thú thị kì di tượng”. Nghĩa là người con của rồng này rất đam mê âm nhạc nên thường được người đời sử dụng làm vật trang trí cho những cây đàn.

Ảnh : nguvan.hnue.edu.vn

2. Nhai xế

Ảnh: mynghedongdo.vn

Nhai xế hay Nhai tệ có hình dạng như con chó sói có sừng rồng, có hai sừng mọc dài dọc về phía lưng, ánh mắt dữ dằn, rất thích đánh nhau giết chóc. Do vậy, người ta hay tạc khắc hình nó ở các binh khí như cán đao, cườm kiếm, đầu búa, đầu côn… với mục đích để trang trí, đồng thời còn có ý nghĩa trang trọng, với hàm ý tăng tính uy hiếp sát thương cho binh khí.

Ảnh : nguvan.hnue.edu.vn

3. Trào phong

Ảnh: mynghedongdo.vn

Trong sách "Thăng am ngoại tập" có viết: “Trào phong, bình sinh hiếu hiểm, kim điện giác tẩu thú thị kì di tượng”. Có nghĩa là nó rất thích sự nguy hiểm, đồng thời còn thích nhìn ra xa, nên thường hay chọn chỗ cao, cheo leo như đầu cột, góc mái của ngôi nhà, điểm cao một số công trình kiến trúc… để làm chỗ leo trèo hoặc đứng nhìn. Đó cũng là lý do người xưa thường chạm khắc Trào phong ở những vị trí ấy với ngụ ý chống hoả hoạn và răn đuổi yêu ma.

Ảnh: nguvan.hnue.edu.vn

Bên cạnh đó, nếu điêu khắc Trào phong ở góc mái nhà còn biểu trưng cho sự may mắn, uy nghi. Là một trong những con vật được khắc trên mái Tử Cấm Thành (Trung Quốc).

4. Bồ lao

Bồ lao có hình dạng như một con rồng đang cong mình. Theo thuyết, Bồ lao rất sợ cá kình (cá voi), mỗi lần bị chúng tấn công đều kêu thét và bỏ chạy. Cũng từ đó người đời thường đúc hình ảnh của Bồ lao trên quai chuông với hy vọng tiếng chuông sẽ lớn và vang xa như tiếng kêu của Bồ lao khi gặp cá kình.

5. Toan nghê

Ảnh: chuabuuminh.vn

Hay còn được gọi là Linh nghê, Kim nghê. Có đầu rồng và mình sư tử hoặc ngựa hoang theo một số sách ghi chép. Sở thích của nó là ngồi yên và thích khói lửa. Dựa vào đặc điểm này, người xưa sử dụng hình ảnh của Toan nghê để khắc lên nắp lò đốt trầm hương với mong muốn lò hương luôn tỏa ngát.

Ảnh: soi.today

6. Bá hạ

Đây là một trong những người con của rồng có sức mạnh bậc nhất, với hình dạng đầu rồng thân rùa. Nhờ sức mạnh vốn có mà chúng rất thích cõng vật nặng trên lưng, thậm chí có thể cõng cả quả núi một cách nhẹ nhàng.

Theo một truyền thuyết, Hạ Vũ - vị vua đầu của nhà Hạ (Trung Quốc) đã phải đứng ra thu phục khi Bá hạ cõng Tam sơn ngũ nhạc trên lưng tạo ra vũ bão. Sau đó nhà vua đã khắc một tấm bia cực lớn ghi công trạng của Bá hạ và cho nó cõng, để nó không thể đi đâu được nữa, ở bên cạnh giúp vua trị thủy, không đi lung tung gây họa. Và dựa vào truyền thuyết này, người đời sau thường khắc hình ảnh Bá hạ trang trí chân cột, bia đá với hy vọng cột luôn vững chắc, mang lại cát tường.

7. Bệ ngạn

Ảnh: mynghedongdo.vn

Nó có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc. Tính cách trượng nghĩa, thích lý lẽ, có tài cãi lý đòi sự công bằng, rất có uy. Do đó, nó thường được trang trí trên cửa nhà ngục, nha môn hoặc pháp đường. Người đời muốn ngụ ý răn đe tội phạm, dùng đôi mắt hổ oai nghiêm quan sát của nó để duy trì trật tự kỉ cương của chốn công đường.

Ảnh: nguvan.hnue.edu.vn

8. Bị hí

Ảnh: trongdongvietnam.info

Linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Bị hí có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn, thích mang nặng nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bia đá, cột đá...

Ảnh: vtv.vn

9. Si vẫn

Ảnh: trongdongvietnam.info

Không chỉ là con của rồng, Si vẫn còn là con vật huyền thoại Makara trong văn hóa Ấn Độ. Si vẫn có đầu và miệng rộng, thân ngắn, chuyên sống ở dưới nước. Theo văn hóa Ấn Độ, Makara là vật cưỡi của chúa tể sông Hằng (Ganga) và chúa tể biển cả (Varuna). Còn theo văn hóa Trung Quốc, Hán Vũ đế đã đưa Si vẫn đắp trên các nóc điện, tượng trưng cho vị thần trừ hỏa hoạn.

Si vẫn thường được khắc dưới hình dạng có miệng to và nuốt hai đầu sống mái nhà với ngụ ý nó có thể tạo mưa, tránh hỏa hoạn cho công trình.

Trên đây là 9 người con của rồng trong thuyết "Rồng sinh cửu phẩm", là những linh vật rất thân thuộc với đời sống tâm linh của người dân nước ta. Mặc dù theo nhiều ghi chép khác, số lượng con của rồng lên đến 12 hoặc 16 người, có thể kể đến như Phục hí, Kim ngô, Tiêu đồ Công phúc, Thao thiết nhưng nhìn chung long tử đều là những linh vật với hình dạng kỳ lạ, mang lại vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, mang may mắn và bình an cho con người.

Tác giả: Quang Minh

Tin mới trong ngày