Khủng hoảng ngoại giao đe dọa quyền đăng cai World Cup của Qatar
Giang Lao - G.M 06/07/2017 02:30 PM
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đầu tuần này phải ra thông báo “giữ liên lạc thường xuyên” với Qatar, nước chủ nhà vòng chung kết World Cup 2022, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao mới đây ở Ả Rập.

Các quốc gia Ả Rập gồm Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Bahrain, Libya, UAE và Yemen vừa đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar qua cáo buộc nước chủ nhà World Cup 2022 này “hỗ trợ khủng bố”.

Chính phủ Qatar ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc và cho rằng các nước láng giềng trên cắt đứt quan hệ ngoại giao “không có căn cứ” và “không có cơ sở thực tế”, theo kênh truyền hình BBC.

Vụ căng thẳng ngoại giao gây ảnh hưởng lớn đến kỳ World Cup 2022 mà Qatar là nước chủ nhà, do đó FIFA phải lên tiếng để giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, FIFA chỉ ra một thông báo ngắn gọn là tổ chức này “vẫn giữ liên lạc thường xuyên với ban tổ chức phía Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022 để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức”.

FIFA cũng bổ sung là “đến nay chúng tôi chưa thể có ý kiến gì thêm (về vụ việc căng thẳng ngoại giao đang diễn ra)”.

Đứng trước căng thẳng đó, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al-Emadi vừa cho biết quốc gia này tiếp tục duy trì mức chi 500 triệu USD mỗi tuần cho các dự án cơ sở hạ tầng để kịp phục vụ việc đăng cai tổ chức World Cup 2022.

Sân Khalifa International để phục vụ World Cup 2022.
Ảnh: AFP

Qatar cũng vừa mới khánh thành sân vận động hiện đại bậc nhất thế giới, có máy điều hòa nhiệt độ khắp sân đầu tiên để phục vụ World Cup 2022.  
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng ngoại giao trên có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức World Cup 2022, và kỳ World Cup đầu tiên diễn ra ở Trung Đông có thể không thành vào giờ chót.

World Cup 2022 ở Qatar một lần nữa bị nghi ngờ không thành.
Ảnh: AFP

Reinhard Grindel - thành viên Hội đồng FIFA, thuộc Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) - cho hay: "Vẫn còn 5 năm nữa trước khi World Cup khởi tranh. Trong thời gian này, vấn đề ưu tiên phải là giải quyết vấn đề chính trị hơn là đưa ra các đe dọa tẩy chay. Nhưng có một điều rõ ràng là cộng đồng bóng đá trên thế giới phải đồng ý rằng... các giải đấu lớn không nên được tổ chức ở những nước tích cực hỗ trợ khủng bố".

Tuy nhiên, ông Grindel nói rằng DFB sẽ thảo luận vấn đề với chính phủ Đức. "Trong những vấn đề như vậy, chúng tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với UEFA (Liên đoàn Bóng đá Châu Âu)", ông Grindel nói.

Hiện đội tuyển bóng đá Qatar vẫn tham gia vòng loại World Cup 2018 ở Nga và đang đứng cuối bảng đấu gồm 3 đội khác là Hàn Quốc, Syria, Trung Quốc. Với 4 điểm sau 7 trận, cánh cửa vào World Cup hẹp dần với đội Qatar.

Tổng hợp

Tác giả: Giang Lao - G.M

Tin mới trong ngày