Lễ Vu Lan – lễ báo hiếu của người Việt
Hà Thảo 12/06/2016 08:03 PM
Cứ mỗi đợt Thu về, những người con lại có dịp thể hiện tình yêu thương của mình với đấng sinh thành trong ngày lễ Vu Lan.

Bởi lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ, để tìm về nguồn cội yêu thương, như truyền thống lâu đời của người Việt vốn trọng những tấm lòng thảo thơm như thế.

Dù là ngày lễ lớn trong năm của phật giáo, thế nhưng vẫn còn nhiều người thắc mắc không biết ngày lễ vu lan là ngày nào?
Ảnh: media.phunutoday.vn

Lễ vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo.

Tích xưa kể lại rằng, khi Đức Phật còn ở Dương thế, trong những người theo hầu có ngài Mục Kiền Liên, ông là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Một lần, Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục thấy mẹ đang bị Diêm Vương đày làm quỷ đói. Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng mẹ, nhưng mỗi khi mẹ Mục Kiền Liên đưa tay ra để nhận cơm của con thì cơm bỗng biến thành lửa không sao ăn được, Mục Kiền Liên đau xót vô cùng. Ngài bèn cầu xin Đức Phật giúp mình. Đức Phật nghe thấy dạy rằng: cứ vào ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạn thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng chư tăng, cầu xin uy đức của Người mới có thể cứu rỗi vong nhan khỏi địa ngục tăm tối. Mục Kiền Liên thành tâm làm theo và cứu được mẹ thoát khỏi âm cung. Từ đó về sau, các phật tử theo lời Đức Phật cử hành lễ Vu Lan cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ.
Ảnh: cdn01.diadiemanuong.com

Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "Bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.

Bông hồng đỏ dành cho những ai còn mẹ, bông hồng trắng dành cho những ai đã mất mẹ.
Ảnh: media.phapluatplus.vn

Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của Rằm tháng bảy dường như không quan trọng, điều linh thiêng là vào ngày đó, một cái cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của thế giới Dương (người sống) và thế giới Âm (người chết).

Lễ Vu Lan - Lễ báo hiếu của người Việt.
Ảnh: img.khoahoc.tv

Vào ngày này, người Việt thường chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất để tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu mong những linh hồn được siêu thoát. Nhiều người lựa chọn ăn chay để tâm hồn thanh tịnh, thể hiện được tấm lòng với Phật. Lễ Vu Lan cũng là dịp để những người con thể hiện lòng hiếu thảo của mình với bố mẹ bằng những lời chúc hoặc món quà nào đó. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi người đó là sống thật tốt để bố mẹ vui lòng. Có làm như vây, chúng ta mới thực sự là những người con hiếu thảo.

Thả lồng đèn lên trời cao trong ngày Lễ Vu Lan.
Ảnh: hta.org.vn

Có thể nói, Lễ Vu Lan không đơn thuẩn là một ngày lễ lớn của Phật giáo, mà là một ngày lễ lớn đối với đời sống văn hóa của người Việt bởi nó mang những ý nghĩa hướng bề cội nguồn, gần gũi với tư duy và đạo lý muôn đời của dân tộc Việt: "Uống nước nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Tác giả: Hà Thảo

Tin mới trong ngày