Lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ có thể bị quân đội từ chối
Nguyên (Nguyễn Thị Hiên) 11/16/2017 10:00 AM
Tướng không quân Mỹ về hưu Robert Kehler trong phiên điều trần hôm 14/11 cho biết lệnh tấn công bằng hạt nhân của Tổng thống Donald Trump hoặc bất cứ người kế nhiệm nào của ông cũng có thể bị vô hiệu hóa nếu không được Bộ Chỉ huy Chiến lược (USSC) chấp thuận.

Lần đầu tiên trong hơn 40 năm, kể từ tháng 3/1976, quốc hội Mỹ quyết định kiểm tra quyền khởi động một cuộc tấn công bằng hạt nhân của Tổng thống tại phiên điều trần diễn ra hôm 14/11. 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin tuyên bố đây không phải là một cuộc thảo luận mang tính giả thuyết, còn Thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ Chris Murphy khẳng định: “Chúng tôi lo ngại rằng Tổng thống Mỹ không ổn định, rất bất ổn, có cách ra quyết định thiếu bình tĩnh, và ông ấy có thể ra lệnh tấn công hạt nhân đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo vị cựu Tư lệnh USSC, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát các lực lượng hạt nhân khi có chiến tranh, cho rằng các chỉ huy quân đội Mỹ có thể sẽ không tuân theo lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ở Washington về thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào một nước khác của Tổng thống Mỹ, ông Kehler nhấn mạnh các lực lượng vũ trang Mỹ có nghĩa vụ tuân theo lệnh hợp pháp chứ không phải lệnh bất hợp pháp của Tổng thống.

Vị cựu quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài cũng cho biết, USSC có thể từ chối lệnh tấn công nếu không thể xác định lệnh đó là hợp pháp hay không khi được Thượng nghị sĩ Ben Cardin hỏi vấn đề này. Tuy nhiên, ông cho hay bản thân ông cũng không biết chính xác nên làm gì trong trường hợp xác định lệnh của Tổng thống là bất hợp pháp. Trường hợp đặt ra là Tổng thống sẽ thay Tư lệnh USSC nếu bị từ chối hoặc thậm chí "trảm" cả Bộ trưởng quốc phòng.

Khi Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân, thì mệnh lệnh sẽ được chuyển tới Bộ trưởng quốc phòng, sau đó truyền thẳng cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ có trụ sở tại Căn cứ Không quân Offut ở Nebraska, Mỹ.

Trong trường hợp lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào Bắc Hàn được đưa ra, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ sẽ là người chỉ huy chịu trách nhiệm chỉ đạo tấn công (còn nếu là một cuộc tấn công thông thường thì sẽ do Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ huy). Và Tổng thống Trump có thể ra lệnh một hoạt động quân sự để đáp trả lại một cuộc tấn công thực sự từ Bắc Hàn hoặc là hành động khơi mào trước.

Một số thượng nghị sĩ, bao gồm thành viên đảng Dân chủ Edward Markey, bày tỏ lo ngại về quyền ra lệnh tấn công bằng hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này không phải không có cơ sở khi Bruce Blair, cựu sĩ quan phóng tên lửa hạt nhân, nói ngay cả khi một chỉ huy bốn sao của các lực lượng hạt nhân tin rằng lệnh của Tổng thống là bất hợp pháp, người này cũng không thể ngăn chặn nó kịp thời bởi mệnh lệnh được truyền xuống ông ta và tổ phóng đồng thời. Cho dù Tư lệnh USSC gửi lệnh tạm ngừng phóng thì mọi thứ cũng quá muộn, được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker cho biết một khi lệnh được ban hành thì không thể thu hồi.

Lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ có thể bị từ chối. Ảnh: AP

Cựu Tướng Không quân Mỹ  C. Robert Kehler giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ từ tháng 1/2011 đến tháng 11/2013.

Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như những tuyên bố của Washington rằng sẽ giải quyết khủng hoảng Bắc Hàn bằng vũ lực nếu cần thiết. 

Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Bắc Hàn, trong khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un cảnh báo Washington về “các biện pháp đáp trả không khoan nhượng”. 

Tác giả: Nguyên (Nguyễn Thị Hiên)

Tin mới trong ngày