Lời cảnh báo từ chi tiêu quân sự toàn cầu
Lục San/Theo NLĐ 05/03/2018 10:30 AM
Tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 1,1%, lên đến 1.739 tỉ USD trong năm 2017, mức cao nhất kể từ thời chiến tranh lạnh - theo số liệu công bố ngày 2-5 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Chi tiêu quân sự năm 2017 tương ứng với 2,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu và tính bình quân khoảng 230 USD/người. Trong đó, Mỹ tiếp tục là quốc gia chi nhiều nhất cho quân sự, với 610 tỉ USD, chiếm 40% chi phí quốc phòng toàn cầu.

Đứng thứ hai là Trung Quốc, với 228 tỉ USD (tăng 5,6%). Với số chi 69,4 tỉ USD, Ả Rập Saudi qua mặt Nga đứng hạng ba với mức tăng 9,2%, chiếm 10% GDP nước này. 

Chiến đấu cơ Mỹ cất cánh từ boong tàu sân bay. Ảnh: AP

Trong khi đó, lần đầu tiên trong 20 năm qua, Nga đã giảm 13,9 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng, chỉ còn 66,3 tỉ USD, tức giảm 20% - tỉ lệ giảm nhiều nhất trên toàn cầu.

Chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương đã tăng năm thứ 29 liên tiếp. Đứng thứ hai toàn cầu nhưng Trung Quốc là quốc gia tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất với 12 tỉ USD, theo trang Maritime Executive. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tăng 8,1% chi tiêu quân sự trong năm 2018.

Đặc biệt đáng chú ý, tình trạng căng thẳng với Trung Quốc đã khiến các nước châu Á tăng cường chi tiêu quân sự. Cụ thể, mức chi của Ấn Độ là 63,9 tỉ USD, tăng 5,5%, qua mặt Pháp để lọt vào top 5 quốc gia chi tiêu quân sự cao nhất trong năm 2017. 

Báo cáo của SIPRI xác nhận: "Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch mở rộng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang, một phần là do căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan".

Dù giậm chân tại chỗ ở hạng 8 nhưng ngân sách quốc phòng Nhật Bản vẫn tăng năm thứ sáu liên tiếp, lên mức 45,76 tỉ USD (tăng 1,3%); còn Hàn Quốc chi 39,2 tỉ USD cho quốc phòng trong năm 2017, tăng 1,7%. 

 Ảnh: National Interest

"Mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là những yếu tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nhật Bản" - báo South China Morning Post trích dẫn nhận định của SIPRI.

Ngoài ra, chi tiêu quân sự năm 2017 ở khu vực Trung Đông đã tăng mạnh, chiếm đến 5,2% GDP, mức cao nhất trên toàn cầu. Không khu vực nào khác trên thế giới dành hơn 1,8% GDP cho chi tiêu quân sự. 

"Ngân sách quốc phòng tiếp tục ở mức cao là điều rất đáng lo ngại. Thực trạng này làm suy yếu việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột khắp thế giới" - Chủ tịch SIPRI Jan Eliasson nhấn mạnh.

Tác giả: Lục San/Theo NLĐ

Tin mới trong ngày