Luật di trú mới của ông Trump liệu có giống số phận của sắc lệnh đầu?
Trang Lu 03/11/2017 01:00 PM
Ngày 08/03, tiểu bang Hawaii đã chính thức đệ đơn khởi kiện chính phủ Donald Trump, trở thành tiểu bang đầu tiên kiện Sắc lệnh di trú hiệu đính mới được Tổng thống ký ngày 06/03.

Ngay sau đó, thẩm phán Derrick Watson của tòa án liên bang địa hạt đã chấp thuận yêu cầu tiếp tục vụ kiện của Hawaii và dự tính mở phiên điều trần vào ngày 15/03 - một ngày trước khi lệnh cấm của ông Trump bắt đầu có hiệu lực. Hawaii là bang đầu tiên kiện lệnh cấm nhập cảnh mới mà ông Trump đưa ra lên tòa án liên bang ở Honolulu, nhưng vụ kiện bị hoãn lại trong khi các vụ kiện khác diễn ra trên khắp đất nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Rex/Shutterstock

Theo quan điểm trình bày trong đơn kiện, Hawaii cho rằng sắc lệnh này sẽ làm tổn hại tới cộng đồng Hồi giáo của Hawaii, ngành du lịch và các sinh viên quốc tế ở bang này. Tổng công tố viên tiểu bang, Douglas Chin cho biết: Hawaii có 20% số người được sinh ra ở nước ngoài, 100.000 người không phải là công dân Mỹ và 20% lực lượng lao động là người nhập cư. Ông cũng cho biết Hawaii đã dự trù khoảng 150.000 USD để thuê một công ty luật hỗ trợ vụ kiện và người dân Hawaii không hài lòng với lệnh cấm nặng tính dân tộc này.

Bốn tiểu bang khác là New York, Washington, Oregon và Minnesota sẽ là những bang tiếp theo gửi đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang ra lệnh dừng thực thi sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump.

Ngày 09/03, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson,  người đã thành công trong việc ngăn chặn Sắc lệnh di trú đầu tiên của Tổng thống Trump,  đã cho biết sẽ yêu cầu chánh án liên bang đình chỉ sắc lệnh di trú mới, và một chánh án liên bang là cơ quan đưa ra quyết định liệu lệnh đóng băng sắc lệnh hay không.Theo ông, sắc lệnh hiệu đính này gây nhiều thiệt thòi về kinh tế và những thiệt hại khác cũng giống như sắc lệnh đầu tiên được ký vào 27/01,  dù lệnh cấm nhập cư mới của Nhà Trắng mềm mỏng hơn so với sắc lệnh trước đó.

Tổng chưởng lý Washington Bob Ferguson. Ảnh: Getty

Cùng ngày, Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman chia sẻ trên mạng xã hội Twitter cho biết bang này sẽ cùng Washington tham gia vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cư mới. Oregon và Minnesota cũng đang lên kế hoạch làm điều tương tự.

Như vậy, tính tới thời điểm này, 5 bang ở Mỹ đã quyết định đâm đơn ra tòa để chặn đứng lệnh cấm mới này. Tuy nhiên, Giáo sư luật Carl Tobias của Đại học Richmond nhận định, khiếu kiện của Hawaii có nhiều điểm tương đồng với vụ kiện thành công của Washington, nhưng việc Hawaii có đạt được kết quả tương tự hay không vẫn còn là một điều khó đoán định. Liệu không biết Luật di trú mới của Tổng thống Trump liệ có giống số phận của sắc lệnh đầu tiên hay không?

Ngày 06/03, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra lệnh cấm nhập cư mới nhằm cấm công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ cảnh trong vòng 90 ngày thay thế cho sắc lệnh đầu tiên đã bị ra phán quyết chặn trên toàn quốc. Sắc lệnh mới có nhiều điểm khác biệt và sẽ có hiệu lực từ ngày 16/ 3, công dân từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan sẽ không được cấp thị thực. đồng thời cấm nhập cảnh tạm thời toàn bộ người tị nạn. Sắc lệnh này không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ.

Nhiều người Hồi giáo lo sợ trước lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Trong một tin liên quan khác, Cơ quan Customs and Border Protection (CBP) vừa công bố con số dân nhập cư bất hợp pháp lén lút vượt biên giới vào Mỹ đã giảm 40% trong tháng 2 đầu năm, một dấu hiệu cho thấy chính sách cứng rắn của TT Trump về di dân lậu đã có hiệu quả. Theo CBP, tỉ lệ giảm 40% ở biên giới phía nam từ tháng giêng qua tháng hai năm nay là một dấu hiệu thay đổi rất lớn lao, vì thông thường hàng năm trong quãng thời gian này, tỉ lệ di dân vượt biên lậu vào Mỹ tăng từ 10% đến 20%, cũng phá vỡ tiền lệ cứ tăng mà không giảm từ gần 20 năm qua. Con số những người bị bắt khi vượt biên lậu trong tháng 2 là 18,762 người, giảm khá mạnh so với con số 31,578 người trong tháng 01.

Tuy nhiên các chuyên gia về di cư cho rằng cần phải mất thêm nhiều tháng nữa mới kết luận được liệu hệ quả của chính sách nghiêm khắc của chính phủ Trump về di dân, vì các tháng mùa xuân trong năm thường là lúc số người vượt biên lậu vào Mỹ gia tăng.

Tác giả: Trang Lu

Tin mới trong ngày