Lý do nào người Mỹ ngưỡng mộ người Việt Nam
Yanti (Tổng hợp) 10/29/2017 06:30 PM
Ngày 19/10/2017 theo tờ báo Caller Times (Mỹ) có đăng tải bài viết của cô Mary Lee Grant – một giảng viên từng giảng dạy ở Việt Nam về những điều đẹp đẽ mà người Mỹ có thể học ở người Việt Nam.

Mary Lee Grant, cựu phóng viên của Caller Times, là giám đốc tài chính và điều phối chương trình phi lợi nhuận của Amazon tại Peru. Cô đã dạy tiếng Anh và Lịch sử tại Đại học Mỏ - Địa chất.

Dưới đây là bài viết giản dị nhưng đầy xúc động của cô sau một thời gian dài sống ở Việt Nam.

Cô Mary Lee Grant đi ăn bún chả ở Hà Nội. Ảnh: Caller Times

Tại một quán cà phê trên vỉa hè nhìn ra những con phố cổ rợp lá của Hà Nội, tôi và cô bạn tên Thảo cùng ngồi ăn món bún chả nổi tiếng ở đây. Chúng tôi nói về những ước mơ và dự định tương lai, giữa lúc đường phố tràn ngập người đi xe máy vội vã trở về nhà khi hoàng hôn buông xuống ở thành phố 1.000 năm tuổi này.

Khi còn giảng dạy ở Đại học Mỏ và Địa chất Hà Nội hồi năm ngoái, tôi đã kết bạn với nhiều giáo sư và sinh viên ở đây. Tôi cảm thấy mình đang nghe lại câu chuyện của cha mẹ mình, được kể lại ở một lục địa khác. Nhiều giá trị mà chúng tôi ngưỡng mộ trong Thế hệ Vĩ đại nhất (Greatest Generation) của nước Mỹ, những người đã vượt qua cuộc Đại suy thoái và Thế chiến II, bây giờ đang được tái hiện ở Việt Nam.

Giống như Thế hệ Vĩ đại, nhiều người Việt Nam đã trải qua chiến tranh và những hậu quả của nó. Rất nhiều người lớn tuổi, bao gồm cả phụ nữ, là cựu chiến binh. Khi đến thăm một ngôi làng nơi có nhiều người bị nhiễm dioxin chất độc màu da cam, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được chào đón bởi những người phụ nữ đã từng tham gia chiến tranh.

Người Việt Nam phải chiến đấu với cuộc sống thắt lưng buộc bụng hậu chiến tranh. Thời kỳ đó, thức ăn rất khan hiếm và cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, chẳng khác nào thời kỳ đại suy thoái của nước Mỹ. Mặc dù những thiếu hụt này là một phần của quá khứ nhưng thực tế thì những loại thức ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh mà người Mỹ đang ngày càng bị phụ thuộc vào lại không hề tồn tại ở Hà Nội. Thực phẩm tươi và thức ăn nóng sốt luôn được nấu ngay tại chỗ. Bệnh béo phì cũng không phải là vấn đề.

Hình ảnh Hà Nội dịu dàng, bình yên, trong veo khiến người ta có thể thấy một luồng sinh khí mới chảy trong cơ thể đón chào một ngày mới. Ảnh: 2sao.vn
Sáng sớm, người lớn đến trẻ nhỏ lại ríu rít ra công viên đi dạo, hít thở không khí trong lành. Ảnh: 2sao.vn
Phố vắng, biết bao người thích thú đạp xe trong khung cảnh này. Ảnh: 2sao.vn

Ngoài ra, người Mỹ chúng ta thì vừa ăn vừa lái xe. Người Việt Nam thì không như vậy, họ hiếm khi làm điều này và thường dùng bữa cùng nhau. Người Việt thường tận dụng bữa trưa kéo dài 2 giờ để xây dựng các mối quan hệ xã hội. Thứ văn hoá ẩm thực lành mạnh và đậm chất địa phương mà người Mỹ luôn hoài niệm lại là chuyện đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.

Nếu bạn muốn tìm kiếm các giá trị đạo đức truyền thống thì bạn hãy đến Việt Nam. Ở đây, người dân hiếm khi lạm dụng ma túy và không một sinh viên Việt Nam nào của tôi sử dụng cần sa. Những người bạn của tôi cũng không. Các hình phạt liên quan tới ma túy rất nghiêm khắc. Những người buôn bán ma túy sẽ bị tử hình, những người phạm tội thấp hơn có thể bị giam giữ bắt buộc trong các cơ sở phục hồi chức năng và lao động cải tạo. Tỷ lệ tội phạm bạo lực là rất hiếm. Luật lệ về sử dụng súng ở Việt Nam thuộc vào loại nghiêm khắc nhất thế giới. Ở đây, người ta không biết đến khủng bố.

Khoảng 10 giờ tối, đường phố Hà Nội thường khá yên ắng, có lẽ vì người dân ở đây có thói quen thức dậy sớm.

Hầu như tất cả người Việt Nam đều thờ cúng tổ tiên và khá sùng đạo. Ly hôn là rất hiếm. Gia đình là trung tâm của cuộc sống. Khi trở lại Mỹ, tôi nhận thấy một trong những điều nổi bật nhất tại xứ sở của chúng ta là thiếu trẻ em. Ở Việt Nam, trẻ em hiện diện ở khắp mọi nơi. Chúng đi học một mình và chơi bên ngoài sau khi trời tối, điều đã lâu rồi không thấy ở nước Mỹ.

Phong tục thờ cúng tổ tiên từ xưa đến nay luôn là nét đẹp trong văn hóa người Việt Nam. Ảnh: thietkegiapha.vn

Những người hàng xóm tại Việt Nam vẫn giúp đỡ lẫn nhau. Khi tôi đến Hà Nội vào cuối tuần và thẻ tín dụng của tôi bị khóa vì "hoạt động đáng ngờ”, một người tài xế taxi tên Tuấn đã cho tôi mượn tiền trong thời gian chờ ngân hàng giải quyết vấn đề thẻ của tôi. Tuấn nói với tôi: "Số tiền này đủ cho 15 chai nước và hai bữa ăn. Nếu bạn cần một nơi để ở, bạn có thể ngủ ở nhà bố mẹ tôi."

Người Việt Nam sẵn sàng chỉ đường cho du khách. Ảnh: mytour.vn

Cũng như các bậc cha mẹ ở Mỹ những năm 1950, người dân Việt Nam ngày này thường làm cùng lúc nhiều công việc, tiết kiệm triệt để và rất quan tâm đến việc học của con cái mình. Sau những năm tháng khó khăn của Thế hệ Vĩ đại, người Mỹ đã có cuộc sống sung túc hơn và tầm nhìn rộng mở hơn. Tương tự như vậy, nhiều người Việt Nam giờ cũng có thể mua xe hơi, đi du lịch nước ngoài, và thậm chí gửi con đi du học châu Âu.

Trong khi người Việt Nam nhìn vào Mỹ, ngưỡng mộ sự thịnh vượng và hệ thống giáo dục của chúng tôi, tôi ngưỡng mộ lại họ. Họ tràn đầy hy vọng, luôn kiên cường và biết quan tâm tới mọi người. Đó là những phẩm chất tốt nhất mà người Mỹ nên học hỏi để phục hồi lại thời kỳ hưng thịnh của chúng ta.

Nụ cười trẻ em Việt Nam. Ảnh: mytour.vn
 Các em bé dân tộc tỏ vẻ thích thú khi được người nước ngoài chụp hình. Ảnh: Dumas aurelie

 

Tác giả: Yanti (Tổng hợp)

Tin mới trong ngày