Lý giải nguồn gốc bánh trung thu
Mạn Đà La Hoa 01/08/2017 05:30 AM
Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hàng năm. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng đều mong chờ đến ngày này, vì đây còn gọi là Tết đoàn viên. Vào ngày đó, ở mỗi nước có nghi lễ tổ chức khác nhau nhưng bánh Trung Thu là thứ không thể thiếu trong ngày quan trọng này. Từ trước đến nay, theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cũng như nhiều tài liệu được ghi chép lại, có rất nhiều cách giải thích về nguồn gốc ra đời của bánh Trung Thu. Dưới đây là 6 cách lý giải mà các nhà khảo cổ học đã tìm được
Bánh Trung Thu có từ bao giờ?
Ảnh: lambanh365.com

1. Nguồn gốc thứ nhất

Trong dân gian Trung Quốc lưu truyền rằng, tập tục ăn bánh Trung Thu có từ thời Nguyên (1271 - 1368). Chuyện kể rằng, khi đó Chu Nguyên Chương lãnh đạo người Hán chống lại triều đình nhà Nguyên và thống nhất vào ngày 15/8 âm lịch tiến hành khởi nghĩa. Trước ngày này, mọi người đã mượn cớ tặng bánh cho nhau để giấu trong đó những mẩu tin thống nhất ngày khởi nghĩa. Sau đó, Chu Nguyên Chương lật đổ triều đình nhà Nguyên, lập lên triều Minh (1368 - 1644) và trở thành vị vua đầu tiên của triều nhà Minh cai quản Trung Quốc. Từ đó, thần dân triều Minh lấy ngày 15/8 âm lịch là tượng trưng của ngày lật đổ triều đại không phải của người Hán thống trị Trung Quốc và cũng không quên vai trò liên lạc của những chiếc bánh hình tròn giống như Mặt Trăng.

Bánh Trung Thu gắn liền với sự ra đời của triều Minh.
Ảnh: chungta.com

2. Nguồn gốc thứ hai

Tương truyền thời Trung Quốc cổ đại, Hoàng Đế có nghi lễ cúng Mặt Trời vào mùa Xuân và cúng Mặt Trăng vào mùa Thu để cầu cho mưa thuận gió hoà, thần dân yên lành, đất nước bình yên. Vì thế, trong dân gian coi ngày 15/8 âm lịch là ngày cúng thần Trăng. Dịp này mọi người làm bánh hình tròn giống như Mặt Trăng gọi là “Nguyệt bính” (bánh Trăng) để cúng thần Trăng. Cúng xong mọi người cùng vừa thưởng thức bánh vừa ngắm Trăng.

Bánh Trung Thu hình tròn, tượng trưng cho Mặt Trăng.
Ảnh: news.zdn.vn

3. Nguồn gốc thứ ba

Lại có một sự tích cho rằng vua Đường Minh Hoàng (713 - 741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua thưởng thức cảnh đẹp quên cả trời sáng. Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc, ăn bánh Trung Thu trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Tranh vẽ: Vua Đường Minh Hoàng vui chơi trong vườn Ngự Uyển.
Ảnh: wikimedia.org

4. Nguồn gốc thứ tư

Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ. Bánh Trung Thu cũng từ đó mà được hình thành.

Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi.
Ảnh: blogspot.com

5. Nguồn gốc thứ năm

Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu ban cho viên thuốc trường sinh để sống lâu bảo vệ thế gian. Nhưng Hằng Nga lại lén ăn cắp thuốc này và bay tuốt lên mặt trăng. Trên mặt trăng, Hằng Nga làm bạn với một con thỏ ngọc đứng dưới gốc cây. Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là Quảng Hàn cung. Hằng Nga bị lạnh nên phải ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ nên lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian để thiên hạ cũng được trường sinh. Từ đó sự tích về tết Trung Thu và bánh Trung Thu cũng được ra đời.

Trung Thu, gắn liền với sự tích về Hằng Nga.
Ảnh: tuvientuongvan.com.vn

6. Nguồn gốc thứ sáu

Lại có một vài giả thuyết cho rằng, nguồn gốc của bánh trung thu xuất phát từ Việt Nam, khác với các quan niệm khác cho rằng bánh trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lý do xuất hiện giả thuyết này bắt nguồn từ những tư liệu còn sót lại trên mặt trống đồng Ngọc Lũ về những hình ảnh sinh hoạt trong tết Trung Thu. Còn có tư liệu cho thấy văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Và cũng chính từ đó mà bánh Trung Thu ra đời.

Trống đồng Ngọc Lũ.
Ảnh: wordpress.com

 

Tác giả: Mạn Đà La Hoa

Tin mới trong ngày