Mẫu Liễu Hạnh – vị thần chủ đạo trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Quang Minh 07/28/2017 11:00 AM
Chúng ta đều biết tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ là loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Việt. Trong hệ thống tứ phủ có một vị thần không những được suy tôn là vị thánh tối cao mà bà còn được xếp vào một trong Tứ bất tử của Việt Nam. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thân thế và lai lịch của vị thần này nhé!

Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật có thật, nhưng được tôn vinh, trở thành một Đấng siêu trần, một vị Thánh bất tử. 

Ở thời Lê, là thời kỳ cực thịnh của Nho giáo, quyền lợi và vai trò của người phụ nữ vẫn được đề cao và bảo vệ qua Bộ luật Hồng Đức (1478) của nhà Lê. Và chính ở giai đoạn này, Mẫu Liễu đã xuất hiện, bước lên ngôi vị cao nhất của điện thờ Mẫu. Ảnh: baodansinh.vn

Trong lịch sử văn học Việt Nam, có thể nói văn bản "Vân Cát thần nữ truyện" của Đoàn Thị Điểm là văn bản đầu tiên viết về bà Chúa Liễu. Tác phẩm này là một thiên truyện thuộc quyển "Truyền kì tân phả".

Truyện có thể tóm tắt như sau:

"Tại làng Vân Cát, huyện Thiên Bản, có một người đàn ông chính trực tên Lê Thái Công, là kẻ thường xuyên cầu nguyện đức Phật và đốt hương. Ông có được một người con trai. Vào thời trị vì Thiên Hựu (khoảng 1336- 1337), người vợ đang mang thai của ông không sinh nở được dù đã quá hạn khai hoa nở nhụy. Bà bị ốm nặng, không thể ăn hay uống gì cả, nhưng bà thích mùi thơm của cây hương. Bất kể các nỗ lực của thầy pháp, cơn bệnh của bà ngày càng trầm trọng hơn. Một hôm, một kẻ lạ mặt xuất hiện, tuyên bố rằng ông ta có thể giúp bà ta sinh nở mau chóng, nhưng gia nhân gác cổng không cho vào. Thái Công nghe thấy thế và vội vàng mời kẻ lạ mặt đó vào trong nhà. Người đàn ông này là một Đạo Sĩ và có mang một chiếc búa bằng ngọc nơi tay áo. Ông ta ném chiếc búa ngọc xuống đất, và Thái Công tức thời lăn ra bất tỉnh.

Trong giấc mơ, Thái Công, cùng với một người khổng lồ được chỉ định đi tháp tùng ông, lên tới Thiên Cung của Ngọc Hoàng Thượng Đế (vị thần tối cao của Đạo Giáo). Ở đó ông nhìn thấy một thiếu nữ, đứng hàng thứ nhì trên Thiên Cung, đã đánh rơi và làm vỡ một cái chén bằng ngọc khi dâng lên Ngọc Hòang. Vì việc này, Ngọc Hoàng đã ra lệnh trục xuất nàng ra khỏi Thiên Cung để đi xuống trần gian, và người khổng lồ đã giải thích với Thái Công rằng “Lần này nàng chắc chắn bị đuổi khỏi Thiên Cung.”.

Khi Thái Công hồi tỉnh, bà vợ ông đã sinh ra được một đứa con gái. Đêm hôm đó, hương đốt tỏa mùi thơm lạ thường trong nhà. Thái Công kết luận rằng giấc mơ của ông có nghĩa rằng một nàng tiên đã được hạ sinh, vì thế ông đặt tên cho con gái là “Giáng Tiên” (nàng Tiên hạ xuống trần). Nàng con gái lớn lên rất xinh đẹp, thích đọc sách, thổi sáo và làm thơ. Một hôm, Thái Công nhận ra rằng những bài hát của con gái mình trở nên rất buồn bã, và ông hiểu con gái mình đang ở vào tuổi yêu đương. Ông cho nàng làm con nuôi một vị quan hưu trí sinh sống tại làng Vân Cát. Trong khu vườn nhà này, nàng đã gặp gỡ một thư sinh tên là Đào Lang, con trai nuôi của vị quan. Thư sinh ngỏ lời xin cưới và cha mẹ đôi bên đều đồng ý về cuộc hôn nhân của họ. Sau ba năm sống trong hạnh phúc và sinh được hai đứa con, Giáng Tiên đột nhiên mất đi ở tuổi hai mươi mốt, mà không có triệu chứng bệnh tật gì cả. Gia đình buồn rầu thương tiếc.

Nàng tiên bay về trời, nhưng vẫn còn rất lưu luyến nơi trần thế kia, nàng trở nên buồn bã. Các nàng tiên khác động lòng thương hại, đã thuyết phục Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép nàng trở về trần gian. Trước khi rời Thiên Cung, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban cho nàng tước hiệu Công Chúa Liễu Hạnh.

Nàng quay về làng cũ, ngay đúng vào ngày giỗ thứ nhì của nàng, và nhận thấy cha mẹ nàng, người anh và người cha nuôi vẫn âu sầu về cái chết của nàng. Liễu Hạnh giải thích cho họ rằng nàng là tiên và nơi chốn của nàng là phải ở trên Thiên Cung; và nàng quay về nhà vì nàng thương nhớ họ, nhưng nàng không thể ở lại với họ, bởi vì linh hồn của nàng không còn ràng buộc với trần gian nữa. Nhưng nàng hứa rằng họ sẽ tái hợp trong tương lai bởi vì cha mẹ nàng có tạo công đức và tên của họ đã nằm trong Sổ Sinh Mệnh Trên Trời.

Sau đó, Liễu Hạnh đã thăm viếng kinh đô, nơi mà chồng nàng và các con đang sinh sống. Ông sống một mình, đã từ bỏ mọi việc học, và còn sầu não. Liễu Hạnh đã giải thích cho ông rằng mình là một nàng tiên và rằng tình yêu nơi trần thế của họ là tiền định, vì thế, ông không nên buồn rầu đến như thế, bởi sau này họ sẽ tái hợp với nhau. Nàng đã quở trách là chàng phải nhớ đến bổn phận của mình đối với cha mẹ chàng và người cha nuôi, cần gắng sức tu thân, và trông nom việc gia đình.

Sau này, nàng hóa trang, khi thì thành một bà già, khi thì thành một thiếu nữ thổi sáo dưới ánh trăng. Những kẻ tìm cách trêu chọc nàng đều bị trừng trị bởi các tai ương, trong khi những người dâng phẩm vật cúng hiến nàng đều được giáng phúc. Dân chúng cúng lên nàng bạc tiền và lụa là và nàng đã trao lại cho cha mẹ mình. Sau này, cha mẹ nàng mất đi, cha mẹ nuôi và chồng nàng cũng từ trần, và các con nàng trưởng thành. Không còn gì ràng buộc với trần gian nữa, nàng bắt đầu viễn du khắp nơi trên đất nước, tìm kiếm những phong cảnh đẹp.

Một lần nàng tình cờ đến một nơi hoang vắng trong tỉnh Lạng Sơn, tại đây nàng đã đến thăm viếng một ngôi đền và ngồi xuống để cất tiếng hát. Phùng Khắc Khoan, một học giả nổi tiếng, xuất hiện, và xúc động vì tài năng thơ phú của nàng, nhưng ngay vào lúc ông muốn bày tỏ sự tán dương của mình, bà Liễu Hạnh biến mất và không để lại dấu vết nào. Không dấu tích gì ngoài một chiếc gậy cùng hai bài vị trên đó có khắc một vài chữ mà chỉ có một mình Phùng Khắc Khoan là giải thích được. Các chữ trên bài vị thứ nhất có nghĩa là “Bà Chúa Liễu Hạnh”; các chữ trong bài vị thứ nhì có nghĩa là một người nào đó trong gia đình họ Phùng sẽ sửa sang lại ngôi đền.

Sau lần đó, người ta không rõ chỗ ở của bà Chúa, nhưng các dấu tích của bà được nhận thấy tại khắp nơi trong nước. Về sau, nhớ nhung nơi náo nhiệt, nàng đã quay về kinh đô.

Phùng Khắc Khoan khi đó đang ở kinh đô, vừa trở về từ chuyến đi đến Trung Hoa. Ông cũng vừa đảm nhận một chức vụ quan trọng tại một trong các bộ sở và xem đó là một gánh nặng khi so sánh với một cuộc sống an hòa nơi thôn dã. Một lần, để cố làm khuây khỏa tinh thần, ông có mời hai người họ Ngô và họ Lý, cùng đi dạo và uống rượu với ông. Trong khi đang thả bộ và làm thơ, họ thấy mình ở Hồ Tây trước một quán rượu mà chủ nhân lại chính là bà Chúa Liễu Hạnh. Trong bữa tiệc, họ đã có cơ hội kính trọng không chỉ khả năng đối đáp bằng thi ca của nàng, mà còn cả về sự thông thái của bà khi giải thích chữ nghĩa cho một người ngư phủ lạ mặt. Về sau, họ có trở lại nơi này, nhưng chỉ thấy mặt nước hồ, không còn dấu vết gì cả về quán rượu mà họ đã từng đến. Khi đó Phùng Khắc Khoan đã kể lại cho hai người bạn trẻ về cuộc gặp gỡ của ông với một nàng tiên ở Lạng Sơn trên đường đi sứ Trung Hoa. Cả ba đều ao ước có dịp gặp lại nàng tiên.

Về phần bà Chúa, sau khi rời Hồ Tây, bà xuất hiện tại tỉnh Nghệ An, nơi bà đã gặp một thư sinh mồ côi, còn trẻ và nghèo tên Sinh, người mà bà xác định rằng là hóa thân của người chồng quá cố Đào Lang của bà. Không tiết lộ lý lịch của mình, Liễu Hạnh đã cố gắng thuyết phục chàng hãy để nàng trải qua một đêm tại nhà chàng, nhưng để giữ gìn sự chân thật và đức hạnh của mình, chàng đã cự tuyệt lời thỉnh cầu của nàng. Vài ngày sau đó, chàng nhìn thấy một tờ giấy lông hình hoa treo trên một cây đào với một bài thơ mà chàng nhận thấy thật tuyệt vời và khó có thể giống như bất kỳ bài thơ nào được viết bởi người phàm. Chàng tức thời làm ra một bài thơ của chính mình để đáp lại những gì chàng vừa đọc và ghi lại bên cạnh bài thơ của nàng. Từ giây phút đó trở đi, chàng bắt đầu khát khao mong đợi người đàn bà mà chàng cho là tác giả của bài thơ. Chàng ngóng nhìn và chờ đợi trong vô vọng.

Trong các vị thần linh được thờ trong tín ngưỡng Tứ phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được tôn thờ ở ngôi chính vị. Mẫu Liễu Hạnh thường được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, cũng có khi Bà được đồng nhất với Địa Tiên Thánh Mẫu. Ảnh: dainamaxtribune.blogspot.com

Một ngày kia, khi đang rảo bước sau một cơn mưa dai dẳng, chàng nghe thấy giọng một người đàn bà chào đón chàng từ xa. Sung sướng, chàng thư sinh thú nhận rằng chàng đã nhớ mong nàng tha thiết kể từ sau lần gặp gỡ đầu tiên, và người đàn bà đã kể cho chàng nghe câu chuyện của nàng. Nàng nói nàng cũng là một kẻ mồ côi, vẫn né tránh mọi người vì họ thường châm chọc nàng, và nàng thú nhận rằng nàng đã tức thời nhận ra chàng là một nho sinh học thức và cảm thấy bị lôi cuốn bởi chàng. Khi chàng đề nghị tìm người mai mối, nàng đã bác bỏ ý kiến này, nhấn mạnh đến việc kết hôn mà không cần đến bất kỳ nghi thức nào. Họ cùng trở về nhà và đính hôn dưới ánh trăng. Họ kính trọng và thương mến nhau; nàng tiên đã quở trách người chồng, kẻ đã sao nhãng việc học tập để quấn quít bên vợ, phải chăm lo lại việc học, để gắng trở thành một quan chức giúp đỡ người khác. Chàng đồng ý với các lập luận của nàng. Năm nàng sinh hạ được một con trai; người chồng đã thi đỗ và được bổ nhiệm làm việc tại Quốc Tử Giám. Nhưng, một ngày kia, bà Chúa bật khóc. Nàng đã giải thích với chồng rằng nàng là một nàng tiên đã làm vỡ chiếc chén ngọc và bị trục xuất khỏi thiên đình; nay thời hạn trừng phạt đã hết và nàng phải trở về Trời dù nàng rất lấy làm buồn rầu. Sau khi nàng ra đi, người chồng trở nên rất sầu não, và nhận thấy quan quyền không còn mục đích nào nữa, nên xin về hưu ở một địa điểm xa xôi hoang vắng. Tại nơi đó, chàng nuôi nấng đứa con và không bao giờ kết hôn nữa, đặt mọi tinh thần vào thi ca.

Bà Chúa, sau khi trở về Trời, nhớ nhung tình yêu vĩnh cửu của mình, nàng đã thuyết phục Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép nàng quay trở lại Trần Gian. Với hai nàng tiên tháp tùng, tên Quế và Thị, nàng đến làng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Chúa có quyền năng đáng nể: Người tốt được giáng phúc, kẻ ác bị trừng phạt bởi tai ương. Nhận ra quyền năng này, dân chúng trong vùng lo sợ và lập một ngôi đền để cầu khẩn nàng. Thời trị vì niên hiệu Cảnh Trị (1661 - 1671), triều đình có nghe tin đồn về nàng, nghĩ rằng nàng là ma quỷ, và đã ra lệnh một đội quân cùng đi với các thầy pháp đến trấn áp nàng. Ngôi đền bị phá thành tro bụi. 

Không bao lâu cả vùng bị ảnh hưởng bởi một nạn dịch giết hại hết các loài muông thú. Người dân trong vùng ở trong trạng thái kinh hoàng và lập đàn để tế lễ. Bà Chúa xuất hiện trên lễ đàn, tuyên bố rằng bà là một nàng tiên, và nói với dân chúng hãy thỉnh cầu triều đình xây dựng một ngôi đền mới. Chỉ khi đó nàng mới giải trừ các tai họa, xua đuổi sự bất hạnh và giáng phúc; ngược lại, không một ai trong vùng còn sống sót.

Triều đình thừa nhận nàng là “linh dị” (siêu nhiên và lạ thường), phong nàng tước "Mã Hoàng Công Chúa" (Vị Công Chúa Vàng được dâng cúng như vị Thần Chiến Tranh), và ra lệnh xây một ngôi đền mới trên núi Phố Cát. Hơn nữa, khi quân đội nhà vua đi đánh dẹp địch quân, Bà Chúa đã trợ lực trong cuộc chiến đấu. Triều đình đã phong cho nàng tước hiệu danh dự hơn, "Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương" (Vị Vua Vĩ Đại đã mang lại sự chiến thắng và hòa bình) và đã ghi tên nàng vào sử sách. Kể từ đó mọi vị vua đều có dựng tượng nàng và cho xây thêm nhiều đền để thờ cúng bà Chúa.

Đoàn Việt Nam, do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu (ngồi giữa) làm Trưởng đoàn, tham dự phiên họp. Ảnh: baoquocte.vn

Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này càng cho thấy loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo này của dân tộc đáng được bảo tồn và phát triển. Cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng luôn sống mãi trong tâm thức mỗi con người Việt Nam.

 

Tác giả: Quang Minh

Tin mới trong ngày