Mỹ bất ngờ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo ở Biển Đông
Lu 05/27/2017 07:00 AM
Lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump, ngày 24/5, Mỹ điều tàu khu trục USS Dewey đi vào khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam, cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Đây là một động thái thách thức đầu tiên của ông Trump đối với ông Tập Cận Bình.

Tàu chiến mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey đã lại gần vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) cùng với một số đảo nhỏ khác mà Trung Quốc đã cho bồi đắp và xây dựng trái phép. Đây cũng là lần đầu tiên chiến hạm Mỹ tuần tra khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

Trong các cuộc tuần tra trước đây do chính quyền Obama tiến hành, tàu Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý của Đá Subi và Đá Chữ Thập, cũng thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, sự việc khiến Trung Quốc quyết liệt phản đối. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc bao trùm gần hết Biển Đông, xác định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên một tàu khu trục của Mỹ áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: USNavy

Tuần tra tự do hàng hải (FONOP) là chiến dịch diễn ra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo hoặc thực thể để cấu thành một cuộc tuần tra tự do hàng hải về mặt pháp lý, thể hiện sự "thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức của Trung Quốc", theo Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Trung Quốc đã xây ba đường băng cấp quân sự trên các đảo nhân tạo này, dù ông Tập Cận Bình năm 2015 tuyên bố sẽ không tiếp tục "quân sự hóa" chúng. 

Hoạt động tuần tra trên biển này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn hợp tác với Bắc Kinh để gây sức ép đối với Triều Tiên. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Jeff Davis từ chối bình luận về chiến dịch, nhưng cho biết Mỹ hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hàng ngày, bao gồm khu vực Biển Đông. Ông khẳng định, Mỹ hoạt động theo luật quốc tế và các cuộc tuần tra "không nhằm vào bất cứ nước nào hay tập trung vào bất cứ vùng biển nào".

Hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ USS Dewey đánh dấu lần căng thẳng thứ hai giữa Bắc Kinh và Washington chỉ trong hơn 1 tuần qua. Tuần trước, chính quyền Trump đã lần đầu tiên chính thức phản đối Trung Quốc, chỉ trích phi công Trung Quốc "liều lĩnh và không tuân thủ" các nguyên tắc quốc tế, sau khi hai chiến đấu cơ của Quân giải phóng nhân dân (PLA) thực hiện động tác nhào lộn "Barrel roll" để ngăn chặn máy bay trinh sát Mỹ trên vùng trời biển Hoa Đông.

Hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ rất có thể sẽ khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đang mặn nồng trong thời gian ngắn sau khi ông Trump đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Florida vào tháng trước, nóng lên. Từ khi còn tranh cử, ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc "cướp đi việc làm của người Mỹ", cũng như xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự và gây căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên kể từ khi gặp mặt ông Tập, hai nước có nhiều "hàn gắn" vì những nỗ lực chung nhằm kiềm chế Triều Tiên, mặc dù đến nay Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không khỏi quan ngại khi chính quyền của ông Donald Trump không tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong chiến dịch bảo đảm “quyền tự do hàng hải và hàng không” trong vài tháng đầu tiên ông Trump nhậm chức.

Vào tháng 4/2017, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã phải trấn an các đồng minh khi tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động đảm bảo “quyền tự do hàng hải và hàng không” trên Biển Đông song không cho biết thêm chi tiết. Trước đó, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trên đó rất nhiều công trình quân sự và bày tỏ lo ngại điều này sẽ cản trở quyền tự do đi lại của tàu thuyền các nước trong vùng biển quốc tế. 

Vành Đá Khăn là quần thể nhân tạo không được xác định là vùng lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế do khi triều cường, đá Vành Khăn sẽ chìm xuống dưới biển trước khi được Trung Quốc bồi đắp và xây dựng.

Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ. Ảnh: USNavy

Hành động của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông được coi là lời cảnh báo đến Trung Quốc rằng lực lượng Mỹ ở châu Á không thể bị xem thường, đồng thời bảo đảm với các đồng minh, đối tác trong khu vực rằng Mỹ đồng tâm giữ tuyến hàng hải qua vùng biển quốc tế ở khu vực này, mặc dù tàu chiến không triển khai trực thăng hoặc các thuyền nhỏ, những hành động được coi là vi phạm luật pháp quốc tế. 

Theo công ước Liên Hợp Quốc, vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển của một vùng lãnh thổ quốc gia được coi là lãnh hải của quốc gia đó. Mặc dù Toà Quốc tế bác bỏ chủ quyền, Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, và có nhiều hành động phi pháp như xây dựng, mở rộng các đảo nhân tạo ở đây.

Tác giả: Lu

Tin mới trong ngày